Sản xuất thép không tăng trưởng đột biến trong năm 2017
Thành Vân - 24/06/2017 19:36
 
Mặc dù không tăng trưởng đột biến như năm 2016, ngành thép Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trong năm 2017 nhờ hưởng lợi từ việc Chính phủ áp thuế tự vệ tạm thời và tiêu thụ trong nước ổn định.
.
Trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã sản xuất gần 7,8 triệu tấn thép và tiêu thụ 6,4 triệu tấn, tăng 12% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái

Năm 2016, nhờ giá thép thế giới phục hồi mạnh và việc Chính phủ áp thuế tự vệ tạm thời, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến một năm bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép. Tính trung bình, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành đã tăng trưởng 14,34% và 81,65%, giúp giá cổ phiếu chung tăng trưởng 91%.

Lý giải về sức tăng trưởng nóng của ngành, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, Giám đốc nghiệp vụ Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, năm 2016 là năm tăng trưởng đột biến của ngành thép, khi sản lượng của các doanh nghiệp như Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim đều tăng mạnh. Tiêu thụ trong nước tăng trưởng tốt nhờ hưởng lợi từ thị trường bất động sản phục hồi, sản lượng tiêu thụ căn hộ năm 2016 tăng 100% so với năm 2015.

Trong đó, việc áp thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá là chính sách đúng đắn của Chính phủ. Cuối năm 2015 cho đến giữa năm 2016, sản lượng tôn mạ của Trung Quốc ước tính chiếm 50% thị phần tại Việt Nam, do đó, việc áp thuế là cần thiết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian đầu tư công nghệ, nguồn lực để cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.

Ông Tuấn nhận định, yếu tố đột biến về giá thép sẽ không còn trong năm 2017, nên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép sẽ giảm dần, trở về mức tăng trưởng bình thường. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách thuế tự vệ sẽ giúp doanh nghiệp giữ mức biên lợi nhuận tốt trong năm nay.

Theo TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, doanh nghiệp ngành thép đã có bước nhảy vọt về sản lượng và lợi nhuận trong năm 2016, ghi nhận mức tăng trưởng gần 20%. Dự báo ngành thép năm 2017 không còn mức tăng trưởng đột biến như năm 2016, nhưng vẫn duy trì ở mức 12%/năm. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã sản xuất gần 7,8 triệu tấn thép và tiêu thụ 6,4 triệu tấn, tăng 12% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Thái Lan, vươn lên đứng đầu trong khối ASEAN về sản xuất các sản phẩm thép.

“Năm 2016, tiêu thụ thép bình quân tại Việt Nam đạt 22,6 triệu tấn, đứng thứ 10 trên thế giới. Ngành thép Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển, khi lượng thép tiêu thụ trong nước mới chỉ đạt 195 kg/người năm 2015, thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển như Trung Quốc (489 kg/người), Nhật Bản (497 kg/người), Mỹ (297 kg/người) hay Hàn Quốc (1.136 kg/người)”, ông Sưa nhận định.

Từ năm 2013 - 2016, sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng trung bình 21,64% và 25,7%, do Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển hạ tầng, bất động sản, nên có nhu cầu tiêu thụ thép cao. Tuy nhiên, do chuỗi giá trị chưa được hoàn thiện, nên ngành thép Việt Nam phải nhập rất nhiều sản phẩm thép HRC, thép chế tạo, thép hợp kim…

Yếu tố đột biến về giá thép sẽ không còn trong năm 2017, nên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép sẽ giảm dần, trở về mức tăng trưởng bình thường.

Thuế tự vệ không phải áp dụng vĩnh viễn, mà sẽ giảm dần trong thời gian tiếp theo. Theo lộ trình thì mỗi năm mức thuế tự vệ bổ sung sẽ giảm từ 1 - 2% và giảm về 0 trong tháng 3/2020 nếu không có quyết định gia hạn. Do đó, các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam cần phải hoàn thiện, nâng cao chuỗi giá trị để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) chia sẻ: “Trong quý III/2017, công ty chúng tôi sẽ đưa vào vận hành 2 dây chuyền cán nguội tại Nhà máy Nam Kim 3, nâng công suất thép cuộn cán nguội (CRC) lên 1 triệu tấn/năm. Đây là tiền đề quan trọng giúp NKG mở rộng năng lực sản xuất tôn mạ và ống thép. Trong năm 2020, sản lượng thành phẩm của NKG được kỳ vọng sẽ đạt 1,2 triệu tấn, tăng trưởng 2,2 lần so với hiện tại. Bên cạnh phát triển thị trường trong nước, Nam Kim vẫn sẽ đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội, phát triển hoạt động xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như Mỹ, châu Âu…”

Về việc ảnh hưởng của thuế tự vệ tôn mạ, ông Hùng cho rằng, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng trưởng tiêu thụ tôn mạ tại thị trường nội địa. Sản lượng tôn màu nội địa theo đó có thể gia tăng từ 300.000 - 400.000 tấn/năm. Tận dụng cơ hội trên, Nam Kim đã thực hiện đầu tư thêm 1 dây chuyền tôn mạ công suất 250.000 tấn trong năm 2017, dự kiến hoàn thành vào quý I/2018, đưa năng lực sản xuất của Nam Kim lên 1,25 triệu sản phẩm/năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản