Property Insight 5: Xu thế tích cực của kinh tế Việt Nam bất kể thách thức từ thế giới
N.L - 01/11/2019 08:02
 
Chương trình Property Insight kỳ 5 đem đến cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam và nhận định về những cơ hội bất kể thách thức đến từ thế giới.

Trong bối cảnh căng thẳng kinh tế thế giới đang leo thang từ thương chiến Mỹ-Trung, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong 9 tháng đầu năm 2019 với kết quả tăng trưởng khá và được các chuyên gia, tổ chức tài chính đánh giá là điểm sáng trong khu vực, cũng như điểm đến lý tưởng cho xu hướng dịch chuyển đầu tư của thế giới. 

Chương trình Property Insight 5 có chủ đề “Xu thế tích cực của kinh tế Việt Nam bất kể thách thức đến từ thế giới”
Chương trình Property Insight 5 có chủ đề “Xu thế tích cực của kinh tế Việt Nam bất kể thách thức đến từ thế giới”

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, chiến tranh thương mại không phải là lý do duy nhất khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, mà sức hút còn đến từ những yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi và thị trường bất động sản với nhiều triển vọng. Chủ đề này được thảo luận chi tiết trong Chương trình Tầm nhìn thị trường – Property Insight kỳ 5.

"Mặt trời vẫn đang chiếu sáng”

Đó là nhận định của ông Jacques Morisset – Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong một buổi họp báo gần đây. Ông cho rằng bức tranh chung của kinh tế Việt Nam vẫn “đang được chiếu sáng”, chứ không phải đang trong “cơn bão tăm tối”. Triển vọng trong trung hạn vẫn tích cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng và nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu mạnh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) liên tục hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu 2019 do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, mới đây là giảm về 3% từ mức 3,2% đưa ra hồi tháng 7.

Trao đổi trong chương trình Property Insight với chủ đề “Xu thế tích cực của kinh tế Việt Nam bất kể thách thức đến từ thế giới” hồi đầu tháng 10, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho biết hiện chính phủ nhiều nước đã bắt đầu tung ra các chương trình kích thích kinh tế trước sự suy thoái này. Ông cho rằng việc suy thoái đã trở thành một “bình thường mới”.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright thảo luận về chính sách tiền tệ tại Property Insight 5
Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thảo luận về chính sách tiền tệ tại Property Insight 5

“Chúng ta cần xem xét cả chính sách tiền tệ, chứ không chỉ các chính sách tài khoá bởi áp lực lạm phát tác động và sau đó sẽ làm cho khía cạnh nợ trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, rất khó cho các ngân hàng nhà nước Trung Quốc hay Việt Nam, hay các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục hạ lãi suất, để cung cấp sự nới lỏng định lượng,” ông nói.

Thảo luận về nền kinh tế thế giới trong chương trình Property Insight, ông Andy Han Suk Jung, CEO SonKim Land, cũng cho rằng xung đột thương mại đang thực sự gây ra vấn đề cho các công ty xuất khẩu, đặc biệt trong ngành sản xuất.

“Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc dường như không thực sự quan tâm đến đầu tư bất động sản trong nước bởi họ không biết khi nào giá đi xuống và thực tế là đang có dấu hiệu suy giảm, nên họ ngần ngại đầu tư. Vì vậy, hiệu ứng tổng thể này có thể đưa Trung Quốc vào một giai đoạn suy thoái và các nước phát triển khác cũng vậy. Nó làm cho nền kinh tế toàn cầu khá ảm đảm vào thời điểm này,” ôngAndy Han Suk Jung nhận định.

Ông Andy Han Suk Jung, CEO SonKim Land phân tích những lợi thế Việt Nam nhận được trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Ông Andy Han Suk Jung, CEO SonKim Land phân tích những lợi thế Việt Nam nhận được trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng thấp và còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, trong 3 quý đầu năm nay, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định và có sự bứt phá. Cụ thể, GDP của Việt Nam 9 tháng đầu năm ước tính tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây.

Điểm đến đầu tư lý tưởng

Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, theo ông Tự Anh, tỷ lệ Thương mại/GDP tại Việt Nam là hơn 200%, thuộc hàng cao nhất trong số các quốc gia lớn trên thế giới. 

“Căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới của hai nước, tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam. Nhìn vào tác động của cuộc suy thoái toàn cầu đối với Việt Nam, thì có một số khía cạnh: đầu tiên là thương mại, và khía cạnh thứ hai là đầu tư, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Theo quan điểm của tôi, yếu tố tích cực dường như nhiều hơn,” ông nói.

Một làn sóng các nhà sản xuất và các công ty công nghệ đang lên kế hoạch chuyển đổi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đã giúp thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, cho thấy sự tái phân bổ trong chuỗi giá trị sản xuất trong khu vực. Tại Đông Nam Á, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất để dịch chuyển các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

“Mặc dù sẽ bị ảnh hưởng từ việc suy giảm của kinh tế thế giới, nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn đang làm tương đối tốt so với các nước khác. Tất nhiên sẽ có những rủi ro trong tương lai nhưng tôi cho rằng kinh tế Việt Nam đủ mạnh để đối phó với những rủi ro suy thoái đó,” ông Tự Anh nhận xét.

Cùng với những tác động tới nền kinh tế nói chung, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn khiến cho sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản chuyển hướng tới các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong khu vực, theo ông Andy.

“Các nhà đầu tư đang phải đối mặt với bài toán trước hết làm sao mua được đất để xây dựng nhà máy cũng như các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, logistics. Tôi cho rằng Chính phủ thực sự cần có những chính sách củng cố về pháp lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định trong bối cảnh hiện tại, tận dụng tiềm năng và cơ hội lớn ở phía trước,” ông khuyến nghị.

Chương trình “Tầm nhìn Thị trường - Property Insight kỳ 5” với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam cho thấy bức tranh kinh tế kinh tế toàn cầu trải qua nhiều giai đoạn giằng co và có chiều hướng đi xuống do tác động mạnh mẽ của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết. Trước những rủi ro này, các chuyên gia thảo luận về những tác động tích cực/tiêu cực của kinh tế thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút đầu tư với các yếu tố nội tại và tận dụng những cơ hội đến từ những chuyển biến của thế giới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản