Phát triển TP. Trà Vinh theo hướng đô thị thông minh
Huỳnh Huy - 18/11/2018 15:07
 
Là “lá phổi xanh” của tỉnh Trà Vinh và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Trà Vinh đang phát huy lợi thế, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, hoàn thiện hạ tầng và phát triển theo hướng đô thị thông minh, bền vững.

TP. Trà Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa xã hội của tỉnh Trà Vinh, có truyền thống lịch sử - văn hóa đa dạng, đặc biệt là văn hóa 

vật thể và phi vật thể của người Khmer, với các lễ hội truyền thống như Chôl Chnăm Thmây (mừng năm mới), Sêne Đôlta (Lễ cúng ông bà), Ok Om Bok (Lễ cúng trăng), Dâng bông, Dâng phước và các phong tục, tập quán có giá trị văn hóa khác của người Kinh, người Hoa như: Vu Lan thắng hội, Tiết Trùng Cửu...

TP. Trà Vinh đã được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh và được định hướng phát triển thành đô thị thông minh, bền vững. Trong ảnh: Một góc TP. Trà Vinh
TP. Trà Vinh đã được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh và được định hướng phát triển thành đô thị thông minh, bền vững. Trong ảnh: Một góc TP. Trà Vinh

Trên địa bàn Thành phố có nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh như: di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích kiến trúc nghệ thuật Phước Minh Cung (Chùa Ông), di tích lịch sử cách mạng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích Miếu Tiền Vãng, di tích Chùa Bodhisàlaraja (còn gọi là Chùa Ông Mẹt)… cùng những điểm tham quan, du lịch, mua sắm, giải trí như: khu du lịch Huỳnh Kha, khu du lịch Cù lao Long Trị, trung tâm thương mại Vincom Trà Vinh…  

Đặc biệt, TP. Trà Vinh còn được mệnh danh là “lá phổi xanh”, thành phố xanh của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rất cần được bảo tồn, phát huy và khai thác tốt để phục vụ phát triển. 

Với đặc điểm tự nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa và nguồn tài nguyên du lịch phong phú kể trên, TP. Trà Vinh được các chuyên gia và du khách đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc gắn với hoạt động lễ hội tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng gắn với tham quan thắng cảnh, ngắm cây xanh cổ thụ trên các tuyến đường của thành phố; du lịch sông nước…

Khuyến khích đầu tư vào du lịch

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp của các sở, ngành cùng với sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, ngành du lịch TP. Trà Vinh đã có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2013 - 2016 đạt 19,07%/năm; công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch ngày càng được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay, có thể thấy, du lịch TP. Trà Vinh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch còn đơn điệu; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư để phát triển du lịch, nhất là đầu tư tại các khu du lịch trọng điểm của Thành phố.

Để khắc phục những hạn chế nói trên và phát triển du lịch theo định hướng chung của tỉnh Trà Vinh, TP. Trà Vinh xác định: đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác của Thành phố cùng phát triển. Đồng thời, phát triển du lịch bền vững trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn các di tích và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 

Quan điểm của Thành phố trong phát triển du lịch là đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia đầu tư; phát huy mọi tiềm lực về tài nguyên, vốn, lao động để đầu tư phát triển du lịch, tạo thêm nhiều ngành nghề và giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thành ủy TP. Trà Vinh cho biết, theo định hướng và mục tiêu đã đặt ra, trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch. Trong quy hoạch tổng thể ngành du lịch TP. Trà Vinh đến năm 2030, ngoài việc xây dựng đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung, còn phải xác định rõ loại hình du lịch đặc trưng của Thành phố dựa trên tiềm năng, lợi thế hiện có, nhằm tạo ra sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh cao.

Đặc biệt, Thành phố sẽ nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách, ưu đãi đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư để hình thành các khu du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, tổ chức sự kiện, giải trí, ẩm thực, thể dục - thể thao chất lượng cao tại địa phương; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các công trình, dự án phát triển du lịch...

Bên cạnh đó, Thành phố tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng kết nối đến các di tích, điểm du lịch; cải thiện hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất (bến bãi, tàu chở khách...) và chất lượng dịch vụ du lịch đường sông; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng phức hợp; đầu tư khai thác các dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, ẩm thực tại các khu du lịch nghỉ dưỡng... 

Cùng với việc tăng liên kết với các điểm tham quan du lịch lân cận để góp phần làm phong phú thêm loại hình, sản phẩm du lịch, TP. Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch...

Phát triển theo hướng đô thị thông minh, bền vững

Ông Lê Văn Hẳn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy TP. Trà Vinh nhấn mạnh, qua hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), trong bối cảnh chung có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, 

TP. Trà Vinh đã tập trung phát huy nội lực, tận dụng cơ hội để từng bước phát triển. 

Đặc biệt, năm 2016, Thành phố đã được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh và được phê duyệt Đề án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhằm phát triển TP. Trà Vinh theo hướng đô thị thông minh, bền vững, xanh - sạch - đẹp.

Kinh tế tiếp tục phát triển đã tạo nhiều cơ hội mới để Thành phố mở rộng thị trường, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều công trình, dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn cùng những dự án lớn của Trung ương, của tỉnh đã và đang triển khai thực hiện, đi vào hoạt động, góp phần tạo nguồn lực quan trọng để Thành phố phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển cũng tạo cơ sở để thúc đẩy du lịch phát triển.

TP. Trà Vinh đang tích cực tập trung triển khai các kế hoạch thực hiện 5 nhiệm vụ tập trung, 3 nhiệm vụ đột phá của năm 2018 và những năm tiếp theo, bao gồm: tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

Đi đôi với việc huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng thương mại, Thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, quan tâm xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Ngành nông nghiệp của TP. Trà Vinh được định hướng phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, triển khai thực hiện các mô hình có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho nông sản hàng hóa thích ứng với biến đổi khí hậu và có khả năng nhân rộng...

Ngành du lịch TP. Trà Vinh phấn đấu, đến năm 2025, đón hơn 2,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 85.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.600 tỷ đồng; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Thành phố; hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm đủ khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô vùng và cấp quốc gia...
Đến năm 2030, phấn đấu đón hơn 3,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 156.000 lượt, tổng thu từ du lịch đạt 3.600 tỷ đồng; đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động du lịch có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm đặc điểm đặc trưng của Trà Vinh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản