Phát triển kinh tế xanh và hướng đi của ngành bất động sản
Như Loan - 26/08/2022 09:00
 
Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện tại và tương lai trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng.

Vào đầu tháng 8 vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo kinh tế “Vững kinh doanh - Xanh trái đất” với sự góp mặt của dàn diễn giả chất lượng đến từ các tổ chức tài chính, giáo dục, tập đoàn đa quốc gia… cùng các lãnh đạo cấp cao của những doanh nghiệp hàng đầu đang hoạt động tại Việt Nam, bàn thảo về những giải pháp giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững, đạt được các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu mà Chính phủ đã cam kết tại COP26.

Hội thảo “Vững kinh doanh - Xanh trái đất” quy tụ dàn diễn giả chất lượng cùng thảo luận về những giải pháp giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững, đạt được các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu. 

Tác động khôn lường của biến đổi khí hậu

Theo ông Tim Evans, Giám đốc Điều hành HSBC Việt Nam, trong năm 2021, thiên tai và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến 65 triệu người trên thế giới và gây thiệt hại khoảng 150 tỷ USD. Dù hoạt động kinh doanh sản xuất trên toàn cầu bị ngưng trệ do COVID-19 nhưng quá trình biến đổi khí hậu vẫn không có chiều hướng chậm lại.

Theo báo cáo của Hội đồng Doanh nghiệp thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD), ngành bất động sản và xây dựng là một trong những tác nhân lớn nhất đóng góp vào sự nóng lên của trái đất, gây ra 40% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu. Do đó, các chuyên gia cho rằng định hướng tăng trưởng bền vững, chống biến đổi khí hậu của ngành này là vô cùng cấp thiết. 

Hướng đi “xanh hóa” thiết yếu của các doanh nghiệp bất động sản

Trên thực tế, giải pháp cân bằng giữa phát triển đô thị và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đã được các nhà phát triển bất động sản quốc tế tìm tòi, ứng dụng từ lâu, và một trong số đó cũng đã được áp dụng tại Việt Nam trong những năm qua, trong đó, hiệu suất Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) của dự án tốt sẽ mang lại giá trị tài sản cao cho không chỉ người mua nhà mà cả cộng đồng. 

Theo ông Angus Liew, Chủ tịch HĐTV Gamuda Land Việt Nam, các doanh nghiệp phát triển bất động sản ở nước ngoài đã bắt đầu các cuộc thảo luận về vấn đề bảo vệ môi trường từ nhiều năm trước, do áp lực phải đưa ra những biện pháp đảm bảo  bền vững môi sinh.

Ông Angus Liew – Chủ tịch HĐTV Gamuda Land Việt Nam chia sẻ về vai trò quan trọng của các chủ đầu tư bất động sản trong việc đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng xanh của đất nước.

Ông Angus Liew dẫn lại câu chuyện phát triển của Gamuda City. Hơn một thập kỷ trước đây vốn là vùng đầm lầy trũng nước, ô nhiễm, chứa lượng rác thải khổng lồ từ sông Sét và sông Kim Ngưu đổ về khu Nam thủ đô. Nay nơi đây đã biến thành chốn an cư lý tưởng với nhà máy xử lý nước thải Yên Sở lớn nhất Việt Nam, mang lại cho khu vực này một sức sống mới và đồng thời giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách của cả Hà Nội.

Thực tiễn cho thấy Gamuda City ngày nay đã trở thành một đô thị vệ tinh nổi bật phía Nam Thủ đô. Ngoài những sản phẩm nhà ở chất lượng cao với không gian sống trong lành, đa dạng các công trình tiện ích công cộng nội khu, nơi đây đã quy tụ rất nhiều doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế… tạo nên một khu đô thị tích hợp toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt làm việc thường nhật của cư dân. Những yếu tố này không chỉ giúp cho giá trị bất động sản tăng lên rất nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn, mà ở khía cạnh vĩ mô, còn đóng góp cho sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội địa phương, cho sự chuyển mình của vùng “đồng không mông quạnh” khu Nam Hà Nội thành một trục đô thị cửa ngõ sôi động, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Trong lộ trình hướng đến nền kinh tế xanh, Tập đoàn Gamuda Berhad đã xây dựng chiến lược Hành động xanh toàn diện dựa trên 4 trụ cột chính: Quy hoạch, thiết kế bền vững và quy trình xây dựng tuần hoàn; cộng đồng và doanh nghiệp; bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học; và tăng cường tính bền vững thông qua số hóa. Chiến lược này đề ra những mục tiêu vô cùng táo bạo như trồng 1 triệu cây xanh trên toàn cầu vào năm 2025, cắt giảm 40% lượng phát thải khí CO2 từ các dự án vào năm 2030, số hóa 100% quy trình hành chính nội bộ và tiến tới số hóa hoạt động thi công bằng công nghệ Xây dựng Công nghiệp Kỹ thuật số - IBS.

“Trong lộ trình hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh của Gamuda Land, chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng cách tiếp cận chiến lược. Là nhà phát triển bất động sản, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, tuân thủ ESG,... để tạo ra nhiều dự án xanh và thân thiện với môi trường hơn trong tương lai. Nếu các chủ đầu tư khác cũng có chung tầm nhìn và hành động như vậy thì ngành bất động sản sẽ có thể hỗ trợ đắc lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ Việt Nam”, ông Angus Liew nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản