Những dự án chung cư ăn theo hạ tầng... nghèo
Thay vì tạo các dịch vụ tiện ích, hạ tầng đồng bộ, nhiều dự án chung cư ngoại thành Hà Nội thời gian qua tích cực “ăn theo” hạ tầng của các khu dân cư… nhà nghèo để quảng cáo bán hàng.
Dự án The Golden An Khánh với 3 tòa tháp cao từ 18 - 40 tầng dự kiến sẽ đón hàng trăm cư dân về sinh sông sẽ “ăn theo” hạ tầng xã hội của khu cư dân An Khánh. Ảnh: Trọng Tuyến
Dự án The Golden An Khánh với 3 tòa tháp cao từ 18 - 40 tầng dự kiến sẽ đón hàng trăm cư dân về sinh sông sẽ “ăn theo” hạ tầng xã hội của khu cư dân An Khánh. Ảnh: Trọng Tuyến

Nằm trong quần thể Dự án khu đô thị Nam An Khánh của Sông Đà Sudico, Dự án Chung cư The Golden An Khánh của Công ty Sông Đà Hoàng Long (một đơn vị thứ cấp của Dự án Nam An Khánh) chỉ được hưởng phần hạ tầng giao thông nham nhở, do khu đô thị này chậm tiến độ .

Chính vì vậy, việc bán hàng của chủ đầu tư Golden An Khánh gặp nhiều khó khăn. Tại đợt mở bán đầu tiên, dù giá bán chưa đến 13 triệu đồng/m2, nhưng chủ đầu tư vẫn phải thu hút khách hàng bằng việc chiết khấu tới 2% giá bán, tặng tủ lạnh, tặng lò nướng, lò vi sóng.

Ngoài ra, để thu hút khách mua nhà, chủ đầu tư và các đơn vị phân phối phải ra sức vẽ ra các tiện ích hoàn chỉnh bằng việc “vay mượn” của khu dân cư “nhà nghèo” lân cận, như trường học, chợ dân sinh, trạm y tế…

Điều đó đồng nghĩa, các cư dân mua căn hộ tại Dự án The Golden An Khánh nếu chuyển về sinh sống tại đây chủ yếu sẽ phải “dùng ké” các tiện ích, cũng như hạ tầng xã hội của khu dân cư hiện hữu.

Cũng giống Dự án The Golden An Khánh, tại Dự án Thăng Long Victory của Phúc Hà Group, cũng nằm trong Khu đô thị Nam An Khánh, để bán được hàng, chủ đầu tư cũng phải gia sức “vay mượn” các tiện ích của "khu dân nghèo" An Khánh để bù đắp cho sự thiếu hoàn thiện của dự án này.

Theo quy hoạch, Dự án Thăng Long Victory gồm 5 tòa tháp nằm trong quần thể Dự án Khu đô thị Nam An Khánh với đầy đủ các tiện ích và trường học. Bản thân Dự án Thăng Long Victory khi hoàn thành có nhiều tiện ích, như bể bơi, khu thể thao…

Tuy nhiên, Khu đô thị Nam An Khánh hiện chưa có tiền ích nào hoàn thiện, trong khi bản thân Dự án Thăng Long Victory lại được phát triển thành nhiều giai đoạn, nên các tiện ích được quảng cáo không biết khi nào mới đủ điều kiện phục vụ cư dân. Vì thế, để bán được căn hộ, chủ đầu tư cũng ra sức “ăn theo” các dịch vụ như chợ dân sinh, trường học và các hạ tầng xã hội của người dân An Khánh.

Tại khu vực Hoài Đức, hàng loạt dự án chung cư giá rẻ cũng đang lấy các lợi thế gần khu dân cư hiện hữu để bán nhà. Chẳng hạn, dù nằm trong Khu đô thị Đức Thượng, nhưng Dự án Tân Việt gần như là một khối biệt lập, nằm gần kề với khu dân cư hiện hữu. Vì thế, trong các quảng cáo giới thiệu bán hàng, đơn vị phân phối cũng tích cực “cài” các hạ tầng tiện ích sẵn có của khu dân cư vào dự án.

Còn Dự án City Number One của CTCP Bất động sản AZ nằm trong Khu đô thị Vân Canh của HUD, nhưng bản thân Khu đô thị Vân Canh cũng đang bị bỏ hoang. Trong khi đó, Dự án City Number One lại nằm cuối khu đô thị này, nên tại các đợt bán hàng mới đây, ngoài việc quảng cáo dự án được hưởng hạ tầng của “Khu đô thị hoang” Vân Canh, các đơn vị phân phối cũng tích cực tận dụng “vay mượn” các tiện ích của khu dân cư hiện hữu.

Theo các đơn vị tư vấn, nghiên cứu thị trường như Savills và CBRE, việc thị trường có dấu hiệu hồi phục đã thúc đẩy chủ đầu tư tích cực mở bán sản phẩm ra ngoài thị trường, nhưng việc bán hàng không diễn ra suôn sẻ với tất cả các dự án.

Thực tế, ngay cả với phân khúc nhà giá rẻ, dù thị trường có nhu cầu rất lớn, nhưng các dự án giá thấp thường nằm ở những vị trí xa trung tâm, thiếu các tiện ích thiết yếu cho cư dân, nên việc bán hàng vẫn gặp khó khăn. Việc vay mượn các tiện ích khu dân cư lân cận để câu khách mua nhà, vì thế được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Việc các chung cư giá rẻ ồ ạt mọc lên ở khu vực ngoại ô Hà Nội, nhưng chủ đầu tư lại chậm triển khai, hoàn thiện các tiện ích được cảnh báo sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội của khu vực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản