Ngày Tết, ở nhà chỉ còn... ông bà?
Quảng Yên (DNSG) - 19/01/2020 19:19
 
Tết mừng hay lo, đoàn tụ hay... đi trốn để cha mẹ già ở nhà lo cúng kiếng? Bàn thờ cúng ông bà tổ tiên ngày Tết thực tế vẫn tươm tất, đầy đủ bánh trái, cơm canh... nhưng sao vắng tiếng chúc mừng sức khỏe, tiếng cười chào hỏi của con cháu.

Vì rằng, chỉ có ông bà, người già mới ít háo hức đi chơi, vui Tết. Làm việc quần quật quanh năm, thời xưa còn hào hứng gói bánh, làm mứt, chứ thời nay “ăn quanh năm” rồi. Muốn ăn lúc nào chẳng có, nhấc máy điện thoại đặt hàng, có shipper giao ngay, cần gì đến Tết!

Hết háo hức, không muốn... ăn, chả già là gì?

Thậm chí, có nhiều người còn sợ Tết. Người nghèo thì lo không có tiền sắm Tết. Công nhân xa quê, đi làm ở thành phố thì lo tàu xe về quê. Giàu có làm ông chủ thì lại méo mặt lo lương, thưởng cho nhân viên. Đi làm dành dụm tiền, cuối năm phải mua sắm ngại quá. Không còn háo hức, chỉ còn lo toan, thế không già là gì?

Nhớ lại thời thanh xuân, mong Tết lắm, háo hức sắm sửa, đi chơi giao thừa, thích xem pháo hoa. Bây giờ nhiều lễ lạt, bắn pháo hoa, trẻ con mới háo hức rủ nhau tụ tập một nơi nhìn rõ pháo đơm hoa trên nền trời đêm, chứ già lại... đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ.

Cũng chả trách tiến hóa của xã hội, người lớn sống khác, người trẻ sinh hoạt khác. Tết vẫn là Tết. Dù có bớt quan tâm thì hoa mai, hoa đào vẫn nở vào những ngày đó, sắc trời Xuân vẫn tinh khôi ngày đó. Các con làm lụng quanh năm, các cháu học hành quanh năm, nhà lại có ô tô, ba biết lái, cả nhà lên xe đi du lịch vui Tết. Cúng kiếng đêm 30 giao thừa, mùng 1 Tết đã có ông bà ở nhà lo cả rồi.

Bây giờ dù có về quê ăn Tết sau cả năm đi làm ăn xa, khi về nhà các bạn trẻ lại tụ tập bạn hữu đi chơi Xuân, thăm nhà này, nhà nọ chứ ít ai chịu ở nhà trò chuyện với cha mẹ già. Các ông bà cứ tẩn mẩn dọn dẹp sân vườn, sửa sang bàn thờ, lo cúng kiếng, làm thức ăn, gói bánh và lo trước mua sắm để “đón chúng nó về”. Tuổi già thấm mệt nhưng vẫn cố lo đầy đủ vì muốn vui cùng con cháu... Đủ thứ lo thế, làm sao không già cả người?

Ở Mỹ và Nhật Bản, người ta đã nghiên cứu thống kê vào những ngày Tết, các dịch vụ hỗ trợ trầm cảm được sử dụng nhiều hơn. Xã hội của họ có “phép đo” nên mới biết, chứ Việt Nam ta thì chả ai để ý. Người già ngày Tết nhớ đến tổ tiên, nhớ thương người đã khuất, lo lắng cho cuộc sống của mình nên họ chịu nhiều áp lực nhưng con cháu thì thấy cha mẹ vẫn... bình thường, có thấy ông bà kêu ca gì đâu! Người già thì phải vậy thôi.

Bây giờ, cha mẹ già ai cũng cố gắng làm hài lòng con cháu, thậm chí sợ con cháu, chúng có học hành giỏi giang tân tiến nơi thành phố, lời nói có uy quyền, cha mẹ già răm rắp tuân theo. Mà người già bây giờ “được dạy dỗ” rất nhiều, nào là 4 điều quan trọng, 10 điều để sống thọ, bao nhiêu là lời sấm kiểu “chức vụ cao không bằng tiền nhiều lương cao, lương cao không bằng tuổi thọ, tuổi thọ cao không bằng vui vẻ”, nào là phải ăn ngon ngủ đủ, thể dục bộ não, tránh không té ngã... Nhưng thật trớ trêu, tuổi già tích cực tự lập mấy cũng bị giới hạn bởi tuổi cao sức yếu, nhiều thứ muốn độc lập cũng khó. Phải trông chờ (chứ không ỷ lại) vào những người trẻ.

Người trẻ bây giờ cũng hiểu biết, nhiều người hiếu thảo lại tài cao, nhiều tiền có thể cho cha mẹ già nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe thuốc men, điều kiện sống... Nhưng chính họ cũng còn lo nhiều thứ. Chưa đến Tết đã phải lo những “tour du Xuân... trốn Tết”. Nào là năm nay xu hướng đi mùa hoa mận ở Nhật Bản, đi lễ chùa ở Bhutan, khách sạn 4 sao, nếu tour chatter rẻ hơn. Nào là khách Ai Cập lo vùng bất ổn Trung Đông đã chuyển qua đăng ký đi châu Âu, Nhật, Hàn... Xuất hành ngày đẹp mùng 2, mùng 4 đã kín chỗ...

Tết mừng hay lo, đoàn tụ hay... đi trốn để cha mẹ già ở nhà lo cúng kiếng? Bàn thờ cúng ông bà tổ tiên ngày Tết thực tế vẫn tươm tất, đầy đủ bánh trái, cơm canh... nhưng sao vắng tiếng chúc mừng sức khỏe, tiếng cười chào hỏi của con cháu.

Chạnh lòng. Tết chỉ còn ông bà?

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản