“Mở khóa” quỹ đất để đầu tư metro tại TP.HCM
Lê Quân - 20/12/2022 09:44
 
Phát triển giao thông công cộng sức chở lớn, kết hợp khai thác quỹ đất theo hình thức PPP xung quanh dự án metro sẽ tạo ra nguồn vốn, giảm gánh nặng ngân sách khi đầu tư metro tại TP.HCM.

Đây là góp ý của các chuyên gia tại Hội thảo Phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD) và quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM diễn ra ngày 19/12 tại TP.HCM.

Khai thác quỹ đất quanh nhà ga
Phương án khai thác quỹ đất xung quanh các dự án metro rất khả thi. Trong ảnh là nhà ga của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại phường Long Bình, TP. Thủ Đức - Ảnh: Lê Toàn

Thông tin về tình hình đầu tư các tuyến metro tại TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP. HCM cho biết, Thành phố đã quy hoạch để đầu tư 8 tuyến metro với tổng mức đầu tư dự kiến 15 tỷ USD.

Với tổng mức đầu tư rất lớn như trên, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 25% còn lại phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nguồn vốn vay từ các tổ chức quốc tế.

Hiện nay, TP. HCM đang thực hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) bằng nguồn vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); còn tuyến số 2 (Bến Thành- Tham Lương) thực hiện bằng nguồn vốn vay từ một số ngân hàng châu Âu.

Dù có nguồn vay vốn từ nước ngoài, nhưng ông Lâm cho biết, TP.HCM không thể phụ thuộc vào các nguồn vốn vay từ các tổ chức quốc tế vì Việt Nam đã nằm trong ngưỡng nước thu nhập trung bình khá nên để vay ưu đãi trong thời gian tới rất khó khăn.

Chỉ ra vấn đề bất cập hiện nay của giao thông TP. HCM, ông Benedict Eijbergen, Giám đốc Ban Quản lý giao thông khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM mới đạt khoảng 9% là mức rất thấp so với nhu cầu.

Hiện nay, WB chưa có tính toán về chi phí thất thoát của kinh tế TP.HCM do vấn đề tắc nghẽn giao thông, song chi phí này của Hà Nội vào khoảng 1,2 tỷ USD/năm. TP. HCM nhiều khả năng còn cao hơn.

TP.HCM đang có chương trình phát triển giao thông công cộng rất tham vọng, tập trung vào các giải pháp giao thông vận tải số lượng lớn và đường bộ, đường sắt. Nếu TP. HCM thực hiện tốt chương trình này thì sẽ cải thiện được tình hình ùn tắc giao thông trong 10 năm tới.

Ông Benedict Eijbergen khuyến nghị TP. HCM nên phát triển mạng lưới đường sắt đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và quan hệ đối tác công - tư (PPP).

Khi phát triển giao thông công cộng sức chở lớn và tận dụng quy hoạch hành lang xung quanh các nhà ga metro để gia tăng giá trị từ đất. Từ đó, có thể tạo nguồn thu nhiều hơn từ bán vé và nguồn thu từ khai thác quỹ đất.

Hiện nay, TOD kết hợp với PPP đang triển khai rộng rãi và thành công tại các dự metro ở nhiều quốc gia như Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ…

"Phương án này rất khả thi, tạo nguồn vốn quan trọng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia" ông Benedict Eijbergen nhấn mạnh.

Đồng tình với phương án mà chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đưa ra, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đây là phương án mà TP. HCM đã tính tới vì quỹ đất xung quanh các nhà ga metro rất hấp dẫn nhà đầu tư.

Việc khai thác quỹ đất xung quanh nhà ga metro đã được Sở GTVT TP. HCM hoàn thiện và gửi đến UBND TP. HCM. Trong đó, Sở GTVT TP. HCM đề xuất phương án khai thác quỹ đất dọc các tuyến metro và khu vực xung quanh nhà ga metro (trong khu vực bán kính 500 m) để huy động vốn xây dựng các tuyến metro mới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản