Lời nguyền chu kỳ khó xảy ra với thị trường bất động sản
Việt Dũng - 18/07/2018 15:47
 
Tại Hội thảo "Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản" mới tổ chức tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng, việc quan ngại khủng hoảng bất động sản là có cơ sở, nhưng cần xem xét sâu hơn một số yếu tố khác, không nên quá lo lắng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, cuộc khủng hoảng đầu tiên diễn ra vào năm 1979, khi nguồn lực kinh tế cạn kiệt sau cuộc chiến giành độc lập kéo dài khiến sản xuất rơi vào đình đốn. Lần thứ hai diễn ra vào năm 1989 là do sự sụp đổ của các hợp tác xã tín dụng. Cuộc khủng hoảng thứ ba chính thức nổ ra vào năm 1999 với sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng thương mại. Còn năm 2009 là do chỉ số chứng khoán được đẩy cao, thị trường bất động sản bùng nổ, cộng thêm ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới từ năm 2008  nên dẫn đến cuộc khủng hoảng thứ tư.

.
.

“Năm 2019 là đúng chu kỳ 10 năm đã diễn ra suốt 5 thập kỷ qua, nhưng chu kỳ này sẽ khó lặp lại bởi Chính phủ đã có những cải thiện mạnh mẽ về thủ tục hành chính, cắt giảm bộ máy hành chính công, cũng như có động thái rõ ràng trước những cơn sốt đất ảo”, Chủ tịch HoREA nói.

Theo ông Châu, khủng hoảng chỉ xảy ra khi hội tụ đủ một số điều kiện như: nền kinh tế phải phát triển nóng; buông lỏng chính sách tín dụng; lệch pha cung cầu; gia tăng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong đó có dấu hiệu của nhà đầu cơ..., nhưng những yếu tố này đã được nhà nước kiểm soát rất kỹ nên không thể xảy ra bong bóng hay khủng hoảng.

Đồng quan điểm, ông Trường Sơn, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM chia sẻ, thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm tương đối ổn định và qua những phân tích của giới chuyên môn thì không thể xảy ra bong bóng trong năm 2018 hay đầu năm 2019.

“Việc sốt đất nền tại các quận, huyện nội thành trong thời gian vừa qua là do một số yếu tố như định hướng phát triển của lãnh đạo thành phố về khu đô thị phía Đông,thông tin quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật... đã tác động đến tâm lý người dân. Tuy nhiên, cơn sốt này đã được kiểm soát ngay sau đó”, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM nói.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, thị trường đang được kiểm soát khá tốt, nhất là về mặt giá khi mà nhiều địa phương đã thực thi các giải pháp chống đầu cơ, bơm thổi giá nhà đất. Mặt khác, các ý kiến còn cho thấy thị trường đang "chững" lại là do một số nguyên nhân tác động đến tâm lý người mua như cháy nổ chung cư, pháp lý dự án, đất công… nên chu kỳ khủng hoảng thị trường 10 năm sẽ khó tái lập, mà chỉ đang xuất hiện tâm lý hơi "hốt hoảng" của một số bộ phận khách hang và nhà đầu cơ.

Cụ thể, bà Nguyễn thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, thị trường đang có sự điều chỉnh nhưng không nên qua lo lắng. Bởi đối với thị trường bất động sản thì không có khái niệm đóng băng hay khủng hoảng thật sự. Trong khi đó, đất động sản là nhu cầu thiết yếu của người dân và tăng đều mỗi năm, nguồn cung luôn thiếu so với cầu.

“Thị trường bất động sản chỉ có trầm lắng chứ không có đóng băng, mà đầu tư bất động sản là cuộc chơi dài hơn, cần sự ổn định và bền vững. Do đó, kiến nghị các cơ quan chức năng giảm chi phí về thời gian cho doanh nghiệp để thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới sẽ phát triển ổn định trên nền minh bạch hơn”, bà Hương nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản