Lo ngay ngáy với chất lượng nhà tái định cư
Chủ đầu tư không quan tâm tới giám sát, nhà thầu thi công ẩu... là những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp nhanh của nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn TP. HCM. Tại nhiều tòa nhà, tình trạng xuống cấp trở nên trầm trọng, khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Tường nhà tại nhiều căn hộ tái định cư bị nứt, gây lo lắng cho người dân. Ảnh: Việt Dũng
Tường nhà tại nhiều căn hộ tái định cư bị nứt, gây lo lắng cho người dân. Ảnh: Việt Dũng

Chuyện nhà ở tái định cư xuống cấp không phải là mới. Lâu nay, người dân sống trong khu tái định cư vẫn ôm nguyên bức xúc vì tình trạng xuống cấp quá nhanh của khu nhà. Nhiều gia đình có điều kiện đã phải tự bỏ tiền túi mình ra để sửa chữa lại, mong sao có một chỗ ở khang trang hơn, sạch sẽ hơn, dù họ vẫn đóng 2% phí bảo trì.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Đặng Công Hoàng, Tổ trưởng tổ 1A, Chung cư Bình Khánh (quận 2, TP. HCM) cho biết, do quá trình thi công không đảm bảo đúng kỹ thuật, hiện nay, tại các chân tường đang có hiện tượng nứt, lớp vỏ bên ngoài bị bong tróc, thậm chí còn bị ngấm nước. Người dân nhiều lần kiến nghị lên ban quản lý và nhận được câu trả lời, còn phải chờ gửi lên trên để duyệt, rồi cũng chẳng thấy đâu.

Cùng chung số phận là Chung cư 10 Mẫu nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Tân Lập (quận 2). Khu nhà này đã được xây dựng từ lâu, nay đang đang xuống cấp trầm trọng. Người dân đã nhiều lần đưa ý kiến lên ban quản lý và chính quyền để tu sửa, nhưng đều bị phớt lờ.

“Lúc chúng tôi mua nhà ở đây cũng đã đóng đủ 2% phí bảo trì tòa nhà, nay khu nhà xuống cấp, khi có ý kiến về tu sửa lại hệ thống cơ sở hạ tầng, thì ban quản lý cho hay, phí bảo trì đến nay đã sử dụng hết, muốn tu sửa thì phải đóng thêm tiền”, một người dân sống tại Chung cư 10 Mẫu cho hay.

Không chỉ có vậy, tại khu chung cư này không có nơi để xe, người dân phải tự lợp mái, quây lối thông gió của tòa nhà lại để làm thành chỗ để xe. Nhiều khi người dân còn để tràn lan ra lòng đường, vỉa hè, dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống công trình ở đây đều bị chủ đầu tư bỏ ngỏ.

Chị Hương, người dân sinh sống tại khu chung cư 10 Mẫu cho biết, toàn bộ nền trong nhà và ngoài hành lang đều bị phồng rộp, khi đi lên thì có cảm giác lùng nhùng, có thể sụt lún bất cứ lúc nào. Hệ thống đường nước, vệ sinh đã bị trục trặc. Nước bẩn ở các căn hộ đã tràn xuống cả phía dưới, bốc mùi hôi rất khó chịu, hệ thống nắp ga cũng không có, hệ thống nước cứu hỏa được chôn ngầm bên dưới, do lâu ngày không được bảo dưỡng, thay thế nên dẫn đến tình trạng ống dẫn nước bị mục, bị hư hỏng hết...

“Mọi người ở đây ai cũng sợ, nếu xảy ra hỏa hoạn thì cũng chẳng biết làm sao. Vì hệ thống cứu hỏa lâu nay đã không hoạt động. Những ai có điều kiện đều đã bán nhà để tìm chỗ ở khác, còn lại những người điều kiện khó khăn đành phải cam chịu sống ở đây thôi”, một người dân ở khu chung cư này chia sẻ thêm.

 Những mảng vỡ và nứt toác trên trần nhà khiến ai cũng cảm thấy lo sợ
Những mảng vỡ và nứt toác trên trần nhà khiến ai cũng cảm thấy lo sợ

Là địa bàn giải tỏa nhiều nhất của Thành phố, những năm qua, quận 2 phải thu hồi đất cho 152 dự án. Để có quỹ nhà tái định cư cho người dân quận 2, TP. HCM đã đồng ý cho xây dựng 16 khu tái định cư với 10.255 căn hộ và 2.931 nền đất. Song chỉ có hơn một nửa số hộ dân bị giải tỏa đăng ký nhận nhà, đất tái định cư, số còn lại yêu cầu nhận tiền đền bù để tự lo chỗ ở mới. Tại huyện Bình Chánh, với 35 dự án phải giải tỏa khiến 5.766 hộ bị ảnh hưởng, nhưng cũng chỉ có 1.271 hộ có nhu cầu được tái định cư.

Làm việc với Sở Lao động Thương Binh và Xã hội mới đây, đoàn công tác của HĐND TP. HCM cũng không khỏi giật mình về thực trạng đời sống người dân sau khi tái định cư. Cụ thể, theo kết quả khảo sát, sau tái định cư, chỉ có 36% số hộ thu nhập có cải thiện, 64% còn lại đời sống như cũ hoặc giảm sút. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tái định cư không hài lòng với nơi ở mới cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Những người được tái định cư bằng nền đất cũng chẳng khá hơn, khi số đông không đủ điều kiện xây dựng theo quy hoạch.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng TP. HCM, trong số 88 dự án tái định cư đã hoàn thành 5 năm gần đây, đa số đều bảo đảm các điều kiện tối thiểu về kết nối các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Về các công trình hạ tầng xã hội như chợ, trường học, trạm y tế, công viên cây xanh…, nhiều chủ đầu tư hoặc quận huyện để lại đó, chờ dân vào ở đông mới tiến hành xây dựng nhằm khỏi phải tốn kinh phí cho việc bảo trì, vận hành khi chưa sử dụng(?).

Lâu nay, các khu nhà tái định cư đều xây dựng theo cơ chế bao cấp. Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho đơn vị khác quản lý và vận hành. Câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm của chủ đầu tư tới đâu với các chung cư xuống cấp nhanh này và có chế tài gì để xử lý tình trạng này hay không?

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản