Kịp tránh bão, Hải Phát “giương vây” trở lại
Hà Quang - 27/10/2016 10:17
 
Dứt khoát bán đi những khu đất đẹp để duy trì dòng tiền, cứu vãn hoạt động doanh nghiệp giai đoạn thị trường khủng hoảng, Hải Phát đang trở lại ngoạn mục với việc thôn tính và đầu tư mới nhiều dự án với vị thế ông lớn thực thụ.
Phối cảnh Dự án NOXH The Vesta của Hải Phát
Phối cảnh dự án NOXH The Vesta của Hải Phát

Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát vừa chính thức gia nhập đội ngũ các nhà đầu tư phát triển dự án bất động sản ngàn tỷ với việc khởi công Dự án Tổ hợp thương mại - dịch vụ và căn hộ Hải Phát Plaza (tên thương mại là Roman Plaza, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Khu đất có diện tích 35.900 m2, vị trí khá đẹp, nằm gần Trung tâm hành chính quận Hà Đông, trên tuyến đường huyết mạch của quận Hà Đông - đường Lê Văn Lương kéo dài - trục đường giao thoa giữa các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, được UBND TP. Hà Nội giao cho Hải Phát theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn 50 năm.

Trước đó, các dự án Hải Phát đầu tư phần lớn được mua lại từ các chủ đầu tư khác trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng như: một phần Dự án Khu đô thị Phú Lương (giá trị khoảng 700 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Việt) hay một phần Dự án Khu đô thị Usilk City, gồm các tòa CT1-104  và CT2-105 (thừa kế toàn bộ trách nhiệm và quyền lợi từ Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long, giá trị thương vụ không được tiết lộ), hay một phần Dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 thông qua việc sở hữu 23% vốn điều lệ của Cienco 5…

Những thương vụ đình đám của Hải Phát thời gian gần đây cho thấy bóng dáng của một đại gia bất động sản thực thụ với việc sở hữu một quỹ đất lớn, nhưng những ai biết về Hải Phát đều phải ngạc nhiên bởi sự trở lại một cách ngoạn mục của nhà đầu tư này, khi trước đó, giai đoạn 2011 - 2013, Hải Phát nằm trong số những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở vào tình thế vô cùng khó khăn. Giai đoạn đó, Hải Phát phải chấp nhận bán đi những khu đất vàng như số 36 - Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) và hàng loạt căn hộ các tòa CT2 và HH2 tại Khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng).

Sự rút lui một cách quyết liệt đó đã giúp Hải Phát thoát khỏi vũng lầy bất động sản trong các năm 2011 - 2013 mà nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản cùng thời không làm được. Trong khi Sông Đà Thăng Long cố gắng thương lượng với khách hàng và ngân hàng để tiếp tục xây dựng Dự án Khu đô thị Usilk City, nhưng không thành công, thì Hải Phát chấp nhận bán cho FLC khu đất số 36 - Phạm Hùng với mức giá rẻ đã giúp chủ đầu tư này có khoản tiền tươi thanh toán các khoản nợ phải trả.

Nhờ sự dứt khoát đó, cuối năm 2013, Hải Phát đã được Ngân hàng Quân đội (MB) ký thỏa thuận nguyên tắc, cung cấp 530 tỷ đồng để doanh nghiệp này hoàn thành nốt hàng ngàn căn hộ tại Tổ hợp The Pride (Hà Đông, Hà Nội) còn dang dở. Trong suốt cả năm 2013 vừa nửa đầu năm 2014, Hải Phát gần như dốc toàn lực cho việc hoàn thiện và bàn giao nhà cho khách hàng đăng ký mua căn hộ tại Dự án The Pride. Dự án một mặt cứu vãn niềm tin của người mua nhà, một mặt cứu chủ đầu tư Hải Phát thoát khỏi những rắc rối mà nhiều nhà đầu tư cùng thời như Sông Đà Thăng Long hay Housing Group đã không vượt qua được.

Đầu năm 2015, trong khi nhiều chủ đầu tư tiếp tục loay hoay với chiến lược phát triển, thì Hải Phát đánh dấu sự trở lại của mình bằng việc khởi công và tập trung phát triển dự án nhà ở xã hội lớn nhất miền Bắc với tên gọi The Vesta, có tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng. Sự thành công của The Vesta và The Pride trước đó đã mang đến dòng tiền mới cho Hải Phát để doanh nghiệp này thâu tóm hàng loạt khu đất và dự án bất động sản dang dở, trong đó có những doanh nghiệp đã từng ở thế “trên cơ” so với Hải Phát những năm trước.

Sau khi vượt qua khủng hoảng, Hải Phát đã quay trở lại thôn tính những dự án thậm chí còn đẹp hơn những khu đất mà doanh nghiệp phải bán đi trước đây như: một phần Khu đô thị Phú Lương, 7.200 m2 đất đấu giá tại Vạn Phúc (Hà Đông); thỏa thuận hợp tác cùng các chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư tài chính, thương mại dịch vụ FICO vào Dự án chung cư cao tầng A7 Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy); Công ty cổ phần Đại Đông Á tại Dự án tòa nhà Đại Đông Á (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai)…

Sự trở lại của Hải Phát cho thấy những thăng trầm mà doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải vượt qua những năm gần đây, mặt khác, việc giữ chữ tín với khách hàng, sự linh hoạt và sáng tạo mới là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp phải bán đi dự án của mình với giá rẻ ngày hôm nay có thể là tiền đề để mở rộng và phát triển trong tương lai, còn nếu không đưa ra bài toán đầu tư hợp lý thì việc sở hữu quỹ đất lớn có thể là cục nợ mà doanh nghiệp phải đối mặt trong tương lai.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về phương án tài chính cho các dự án bất động mà Hải Phát làm chủ đầu tư, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát cho biết, đối với Dự án ROMAN PLAZA, đơn vị này đã ký hợp đồng nguyên tắc với MBBank, đồng thời sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn sẽ huy động từ khách hàng khi dự án đủ điều kiện như Quy định của Pháp luật. Đối với Phú Lương, Hải Phát đã đầu tư góp vốn từ thời điểm 2010. Đối với phần giá trị góp vốn hiện nay có ngân hàng INDOCHINABANK tài trợ vốn. Đối với Dự án USILK CITY, do đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô đã ký Hợp đồng hợp tác toàn diện trên cơ sở xem xét từng tòa. Hiện nay, Công ty đã cho triển khai xây dựng tòa CT2 - 105. Dự án được huy động từ vốn chủ sở hữu và vốn của Ngân hàng MB.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản