Kiên Giang đầu tư dự án xoá điểm đen đô thị
Huy Thịnh - 18/02/2019 09:36
 
Hưởng ứng chủ trương đầu tư chỉnh trang đô thị của chính quyền địa phương, Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (Tập đoàn CIC) đã triển khai xây dựng Dự án Khu dân cư Nam An Hoà (TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Tuy nhiên, Dự án đang bị chậm tiến độ do vướng đền bù giải toả.
Tập đoàn CIC khởi công Dự án Khu dân cư Nam An Hòa.
Tập đoàn CIC khởi công Dự án Khu dân cư Nam An Hòa.

Tạo diện mạo mới cho đô thị

Do lịch sử để lại, đô thị TP. Rạch Giá phát triển không đồng đều, nhiều khu dân cư tự phát, khiến một số khu vực trong nội đô bị chia cắt, biệt lập với kết nối kỹ thuật hạ tầng đô thị.

Thực hiện quy hoạch phát triển mở rộng và chỉnh trang đô thị TP. Rạch Giá, năm 2015, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phê chuẩn danh mục dự án và thu hồi đất, giao Tập đoàn CIC làm chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Nam An Hoà ở Khu phố 2 - 3, phường An Hoà, TP. Rạch Giá. Đây là dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng.

Mục tiêu của Dự án không chỉ lấp chỗ trống và kết nối hạ tầng kỹ thuật đô thị, mà còn tạo ra diện mạo mới để chỉnh trang thành phố, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Theo quy hoạch, Khu dân cư Nam An Hoà có diện tích trên 39 ha, được kết nối với các tuyến đường hiện hữu xung quanh như Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Giàu, Lê Hồng Phong, Phan Thị Ràng, Lâm Quang Ky. Trong đó, đoạn đường xuyên tâm Trần Văn Giàu có chiều rộng trên 27 m, vỉa hè rộng trên 5 m và kết nối với đường Lê Hồng Phong, Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Cừ... Các loại cáp truyền dẫn trên các tuyến đường đều được ngầm hóa.

Riêng quy hoạch giai đoạn I với diện tích 14,5 ha có khả năng bố trí 288 nhà phố thương mại liền kề, 36 căn biệt thự vườn. Trong đó dành 4,3 ha với 300 nền tái định cư và nhà ở xã hội phục vụ cho các dự án khác bị giải toả ở địa phương. Đáng kể hơn, dự án còn tạo ra 51% diện tích đất công cộng như nhà trẻ, công viên, đường sá và các công trình công ích khác.

Thực hiện giai đoạn I, chủ đầu tư triển khai 14,5 ha với tổng vốn đầu tư 846 tỷ đồng. Đến nay, hơn 80% diện tích của giai đoạn I được chính quyền địa phương thu hồi, đền bù giải toả của dân với kinh phí khoảng 130 tỷ đồng và đã bàn giao cho chủ đầu tư. Khoảng 20% diện tích còn lại, UBND TP. Rạch Giá đang tiến hành đối thoại với 30 hộ dân để đền bù giải tỏa dứt điểm trong năm 2019. Hầu hết diện tích khu đất nông nghiệp này trước đây bị bao bọc bởi nhà dân và nhà xưởng sản xuất xung quanh, nên hiện trạng là ao hồ, ruộng lúa kém hiệu quả, không có lối đi và chưa có kết nối hạ tầng kỹ thuật với bên ngoài.

Vận động người dân giải toả mặt bằng

Tuy chỉ có 20% diện tích vướng đền bù giải toả, nhưng đã làm chậm tiến độ Dự án và cản trở việc chỉnh trang đô thị. Theo khiếu nại của một số người dân, giá đền bù và hỗ trợ thấp, với 1,4 triệu đồng/m2 (đất nông nghiệp), chỉ bằng 10% giá thị trường (đất ở) hiện nay và thấp hơn nhiều lần giá nhà đất mà chủ dự án định bán. Bởi vậy, các hộ dân này đề nghị, một là, bồi thường hỗ trợ theo giá thị trường đất ở hiện nay (15 triệu đồng/m2); hai là, chính quyền cho phép một số hộ dân có đất trong dự án này được phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt; ba là, cho phép một số hộ này mua lại toàn bộ dự án để tiếp tục đầu tư.

Trước các ý kiến này, đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Hôn, Phó chủ tịch UBND TP. Rạch Giá cho biết, giá đất đền bù và chính sách hỗ trợ giải toả là do Hội đồng Thẩm định tham mưu cho UBND tỉnh quyết định trên cơ sở khảo sát giá thị trường tại thời điểm thu hồi. Người dân lấy giá đất nông nghiệp khi thu hồi so với giá đất khi có dự án và đang triển khai hạ tầng hiện nay là khập khiễng. Nếu so sánh giá đất khi có quyết định đền bù so với giá thị trường khi chưa có dự án thì người dân hưởng lợi rất nhiều, bởi khi chưa có dự án, giá chuyển nhượng đất nông nghiệp khu vực này thấp xa so với mức giá 1,4 triệu đồng/m2 mà Nhà nước đền bù hỗ trợ.

Về ý kiến người dân tự đầu tư xây dựng trong dự án, hay mua lại toàn bộ dự án để tiếp tục triển khai, ông Nguyễn Văn Hôn cho rằng, chưa có quy định nào của pháp luật cho phép làm vậy. Đây là dự án chỉnh trang đô thị nhằm phát triển kinh tế - xã hội và cải tạo môi trường đô thị đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua và kêu gọi doanh nghiệp có đủ năng lực vào đầu tư. Thay vì Nhà nước đầu tư, nhưng do ngân sách hạn hẹp, nên chính quyền kêu gọi nhà đầu tư theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng.

Việc UBND TP. Rạch Giá quy hoạch xây dựng khu dân cư mới này là hết sức cần thiết. Bởi đây không phải là dự án thương mại, thuần tuý về kinh tế, mà là dự án góp phần xóa khu dân cư “ổ chuột” tự phát, giúp người dân bị giải tỏa được tái định cư với giá ưu đãi và có môi trường sống tốt hơn, khang trang và khả năng sinh lợi nhiều hơn. Khu dân cư Nam An Hoà sắp hình thành sẽ được kết nối hạ tầng kỹ thuật và giao thông đồng bộ, tạo ra diện mạo mới khang trang, xoá khu vực “điểm đen” ô nhiễm và hoang hóa trong nội đô TP. Rạch Giá.

Cũng theo ông Hôn, chính quyền địa phương sẽ tăng cường thuyết phục, vận động người dân để sớm bàn giao đất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án đúng tiến độ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản