Khoảng 800.000 tỷ đồng sẽ chảy vào bất động sản trong năm 2022
Hữu Tuấn - 16/08/2022 18:10
 
Đó là dự báo của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV tại Diễn đàn Bất động sản 2022: Những vùng đất tiềm năng”.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thị trường bất động sản đang bị điều chỉnh giảm và đây cũng là thời điểm vàng để chấn chỉnh thị trường. Bởi trong 2 năm vừa qua có hiện tượng, nhà nhà, người người đầu tư đất đai, điều này rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

TS.Cấn Văn Lực
TS.Cấn Văn Lực Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

Theo ông Lực, thời gian vừa qua, có ít nhất 4 dòng vốn vào bất động sản.

Thứ nhất, số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 30/6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái, cao hơn mức tăng tín dụng 9,35% chung toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản hiện chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%). Còn lại là tín dụng cho vay mua nhà ở.

Thứ hai là vốn tư nhân (vốn góp) với khoảng 60.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2022).

Thứ ba là vốn FDI với hơn 3,21 tỷ USD tính đến ngày 20/7.

Và cuối cùng là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng lượng phát hành 7 tháng qua.

“Theo thống kê của chúng tôi, tổng lượng vốn tung ra cho thị trường bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2022 ước khoảng 420.000 tỷ đồng. Nếu như từ nay đến cuối năm thuận lợi, con số cả năm sẽ rơi vào khoảng 800.000 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ so với toàn bộ lượng vốn đầu tư cho nền kinh tế”, ông Lực tính toán.

Cũng theo thông tin từ ông Lực, trong tháng 8/2022, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định 153/2020/NDD-CP sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Qua đó, kênh trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng sôi động trở lại, dù không bùng nổ như hai năm vừa qua, nhưng mức tăng trưởng khả thi có thể đạt 30 - 35%.

Ông Lực cho biết thêm, dòng vốn đang tồn đọng trong thị trường bất động sản hiện nay tương đối lớn, tức là doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau. Cụ thể, có khoảng 30 - 40% các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, xây lắp đang nợ đọng lẫn nhau. Trước đây họ gia hạn cho nhau 45 ngày, nhưng hiện nay đã lên tới 90 ngày. Do đó, vòng quay tiền chậm đi và đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.

Ông Lực khuyến nghị, các doanh nghiệp bất động sản cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác (phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chương trình ESOP, cổ phiếu quỹ, quỹ REIT, trái phiếu công trình; thuê tài chính…). Ngoài ra, cần hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết, chuẩn hóa đội ngũ quản lý và nhân sự bán hàng, dịch vụ…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản