HoRea: Doanh nghiệp bất động sản đang ngộp thở, lo đứt gẫy dòng vốn đầu tư
T.L - 14/07/2022 16:21
 
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lo lắng cảnh báo về các dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản hiện tại và đề nghị Chính phủ sớm gỡ khó, trong đó có vấn đề vốn.
f
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoRea).

Thiếu nguồn cung trầm trọng; lệch pha phân khúc; giá nhà đã tăng liên tục trong hơn 5 năm qua; giao dịch bất động sản trầm lắng, khách hàng mua nhà và cả chủ đầu tư rất khó khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm 79% trong quý 2/2022... là những dấu hiệu bất thường của thị trường bất động sản, theo cảnh báo của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoRea).

Theo HoRea, thời gian qua, bên cạnh những kết quả và thành tựu đã đạt được, thị trường bất động sản phát triển chưa minh bạch, chưa lành mạnh, chưa ổn định, chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để thị trường bất động sản trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả, đòi hỏi cần phải xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, khắc phục tình trạng đầu cơ nhà, đất.

Chính vì vậy, ông Châu mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch thông thoáng, công bằng, lành mạnh, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi pháp luật phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp. Theo Horea, vốn tín dụng có vị trí rất quan trọng là “bà đỡ” để thực hiện dự án. Nhưng, do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản và nhất là hiện nay các ngân hàng thương mại đang có xu hướng “siết” tín dụng đối với bất động sản, nên các doanh nghiệp bất động sản đặt kỳ vọng vào việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bù đắp thiếu hụt nguồn vốn tín dụng ngân hàng. 

“Nếu Nhà nước “siết” cả tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ “đứt gẫy” dòng vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ “ngộp thở”, nhất là trong lúc thanh khoản bị sụt giảm. Nếu thị trường bất động sản bị đình đốn, suy thoái thì có thể kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế vì bất động sản có liên quan mật thiết đến hơn 35 ngành, lĩnh vực tạo việc làm cho hàng triệu người lao động, đồng thời có thể tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho tầng lớp người yếu thế trong xã hội”, ông Châu nói.

Horea đề nghị, không vì một số ít doanh nghiệp có sai phạm, vi phạm pháp luật mà “siết quá chặt, siết quá đà, siết cả doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật” đang chiếm đa số trong nền kinh tế.

Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và “nắn” dòng vốn tín dụng chứ không nên “siết” tín dụng và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với các chủ đầu tư có uy tín và dự án có tính khả thi và cho các cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở, để xây dựng, sửa chữa nhà ở, đồng thời tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro trong đó có bất động sản, theo đó đến tháng 09/2023 (mà nên kéo dài đến hết năm 2023) thì các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa không quá 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn.

Đồng thời, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng chấn chỉnh, uốn nắn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ, nhằm làm tăng tính minh bạch, lành mạnh và bổ sung các biện pháp về đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu, để thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động vốn xã hội hoá hiệu quả, lành mạnh cho nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản