Hiểu thế nào về công trình xanh?
Dù đã nghe thấy nhiều nhưng khái niệm thế nào là công trình xanh không phải ai cũng hiểu.

Chúng ta thường nghe nhắc nhiều đến bất động sản xanh hay công trình xanh như một loại hình nhà ở thân thiện với môi trường. Trên thế giới, đã có khá nhiều công trình xanh được phát triển, song ở Việt Nam, khái niệm thế nào là công trình “xanh”  không phải ai cũng hiểu.

Thế nào là dự án xanh

Bất động sản xanh hay còn gọi là công trình xanh không chỉ là một công trình được trồng nhiều cây xanh, hay được sơn màu xanh mát mắt… như trước đây người ta thường nghĩ, mà xanh ở đây bao hàm ý nghĩa sinh thái và sự thân thiện với môi trường. Từ quy trình thiết kế, xây dựng, vận hành tòa nhà đều bảo đảm hạn chế và ngăn chặn các tác hại đến môi trường tự nhiên, hướng đến việc cải thiện hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải CO2.

Việc xóa bỏ ranh giới với môi trường tự nhiên trong các công trình xanh còn giúp nâng cao cảnh quan, tạo sự thoải mái và làm tăng chỉ số hạnh phúc cho cư dân. Môi trường sinh thái với không khí trong lành giữa những đô thị lớn sầm uất luôn là điều kiện sống lý tưởng để bảo vệ sức khỏe, tăng tuổi thọ và tạo cuộc sống bền vững. Riêng đối với chủ đầu tư và các nhà phát triển dự án, công trình xanh đã đáp ứng tốt nhu cầu về thương hiệu, nâng cao năng suất và nhận thức môi trường cho khách hàng, mang lại cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn cho cộng đồng.

.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu

Vì sao công trình xanh tại Việt Nam còn “khiêm tốn”?

Mặc dù được nhận thức rộng rãi trên thị trường, nhưng đa phần các chủ đầu tư và nhà phát triển dự án ít chú trọng đến lợi ích lâu dài và tính bền vững của công trình. Số lượng công trình xanh được chứng nhận trên toàn quốc mới chỉ dừng lại ở con số 40 công trình sau gần một thập kỷ triển khai. Đây là con số khiêm tốn so với hơn 200 công trình đã được chứng nhận tại Malaysia và gần 900 công trình xanh tại Singapore.

Ngoài những trở ngại thường được nhắc tới như thiếu chính sách khuyến khích hay quan ngại về chi phí đầu tư cao, việc thiếu các quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng làm nền tảng cũng cản trở phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tìm ra giải pháp xây dựng các kiến trúc xanh hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc quốc gia, phù hợp khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc thù của nước ta là một bài toán khó.

Việc xây dựng theo tiêu chuẩn xanh Leed (Mỹ) tại Việt Nam trong lĩnh vực căn hộ, nhà ở dân dụng là một hướng đi mới mẻ không chỉ đối với các nhà phát triển dự án, mà còn với các đơn vị xây dựng, quản lý. Đặc biệt, Phúc Khang đã kết hợp cùng các chuyên gia nước ngoài có nhiều năm tư vấn thiết kế, thi công, vận hành tòa nhà theo tiêu chuẩn quốc tế như Coteccons, Savills, Apave…, nên việc đạt mục tiêu cũng dễ dàng hơn…

Đồng thời, điểm thuận lợi lớn nhất với Phúc Khang đó chính là sự đồng lòng của tất cả các hệ thống, các đối tác khi cùng nhận ra mục tiêu xanh của công trình là đích đến cuối cùng cho một công trình bền vững, có giá trị cho đời sau.

Thân thiện với môi trường có làm giảm yếu tố tiện nghi ?

Chúng ta cần hiểu rằng, thân thiện với môi trường không tỷ lệ nghịch với sự tiện nghi. Với công trình xanh, việc thiết kế công trình có ban công rộng, thông gió tự nhiên, bóng nắng tự nhiên... giúp quản lý các tòa nhà thuận tiện hơn, lành mạnh hơn và sử dụng năng lượng ít hơn, nhưng vẫn hiện đại, đẹp, phù hợp với phong cách sống Việt Nam và không tốn chi phí nhiều hơn so với một tòa nhà căn hộ tiêu chuẩn.

Những nguyên vật liệu mới và phương án xây dựng thân thiện môi trường trên thế giới ngày nay vẫn luôn dựa trên tính hiện đại và ứng dụng. Một số vật liệu được khuyến khích sử dụng trong các công trình xanh là: xi măng, cốt thép tái chế hoặc tre… Chỉ riêng với tre, có thể thiết kế ra rất nhiều vật dụng tiện nghi, nhưng vẫn có độ bền và tính thân thiện môi trường.

Phối cảnh Dự án Làng Sen Việt Nam
Phối cảnh dự án Làng Sen Việt Nam

Nói đến các sản phẩm xanh là nói đến tiêu chuẩn sống cao và nhiều người lo ngại mức giá đầu tư tỷ lệ thuận với chất lượng. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, công trình xanh sẽ là giải pháp về tính kinh tế cho mọi người trong tương lai. Điển hình là, để đầu tư một hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời cho một căn nhà phố, chúng ta chỉ tốn một khoản chi phí ban đầu cho việc lắp đặt hệ thống này, nhưng chi phí tiền điện phải trả hàng tháng sẽ giảm hơn nhiều.

Chi phí đầu tư ban đầu cho một công trình xanh thường được nhìn nhận là cao hơn khoảng 10% so với việc xây dựng một công trình bình thường. Nhưng nếu nhận thức được vấn đề và bắt đầu áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn công trình xanh ngay từ khâu ý tưởng, thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành…, chúng ta sẽ nhận ra khoản chi phí phát sinh này sau khi phân bổ theo thời gian sử dụng sẽ không cao hơn một công trình tiêu chuẩn thông thường.

Ngoài ra, chúng ta lại có chất lượng cuộc sống tốt hơn, sức khỏe tốt hơn, chỉ số hạnh phúc cao hơn và đưa nhận thức bảo vệ môi trường nhân rộng trong cộng đồng và thế hệ tương lai. Do vậy, cũng không nên quá quan ngại về vấn đề chi phí, nếu muốn có một môi trường sống tốt hơn.

Xu hướng tất yếu

Hiện nay, trên thế giới, tình trạng nước biển dâng cao, hiệu ứng nhà kính đã lên mức báo động. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực chịu áp lực lớn của biến đổi khí hậu và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng khí thải nhà kính tăng nhanh trên thế giới (120%) và chỉ số ô nhiễm vượt quá mức an toàn theo kiến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Cùng với đó, mật độ xây dựng các công trình cao tầng tăng nhanh càng làm ách tắc hệ thống thoát nước tự nhiên, tác động nghiêm trọng hơn đến nguồn năng lượng và hao mòn “sức khỏe” môi trường.

Không những vậy, việc là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp tăng uy tín của Việt Nam. Sẽ có một nhu cầu lớn hơn cho việc phát triển các khu công nghiệp, các dự án thương mại và nhà ở, cũng như cơ sở hạ tầng trên toàn quốc để xây dựng hệ thống đường sá, cảng và các dịch vụ kết nối tốt hơn. Việc này cũng sẽ làm gia tăng nhu cầu về mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế; nhu cầu về căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê và căn hộ để bán cho người nước ngoài cũng sẽ tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, làn sóng tiêu chuẩn sống tiện nghi, hiện đại và ý thức bảo vệ môi trường của các quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng sẽ tác động nhiều hơn đến thị trường bất động sản xanh của Việt Nam. Và có thể nói, trong tương lai, việc phát triển bất động sản xanh ở nước ta sẽ là vấn đề tất yếu, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và thế giới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản