Hải Phòng cần 6.780 tỷ đồng xây 5 dự án nhà ở xã hội
Thanh Sơn - 01/09/2024 08:15
 
Những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ lớn trong kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng cho giai đoạn hoạt động từ nay đến hết năm 2024.

Tại buổi đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải năm 2024 của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA) mới đây, nhiều nội dung được doanh nghiệp, người lao động quan tâm như hỗ trợ giải pháp tuyển dụng nhân lực; cho phép tăng giờ làm thêm để tăng thu nhập, thanh toán ngày phép không sử dụng cho người lao động; hỗ trợ cải tạo hệ thống điện, hệ thống thoát nước trong khu công nghiệp… đã được nêu ra.

Đặc biệt, trong buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp đề nghị, TP. Hải Phòng xem xét giảm giá nhà ở xã hội cho người lao động, vì giá nhà ở xã hội hiện nay còn khá cao, chưa phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của công nhân lao động. Hiện giá nhà ở xã hội tại Hải Phòng ở mức từ 14 triệu đồng đến 19,5 triệu đồng/m2, vẫn là rào cản để nhà ở xã hội đến gần với người dân hơn.

Hiện nay, Điều 30, Nghị định 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã nới rộng điều kiện về thu nhập so với trước đây, nhưng so với mức sống tại đô thị như TP. Hải Phòng, thì vẫn còn bất cập. Nhiều lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở xã hội có mức lương vừa chạm ngưỡng 15 triệu đồng sẽ khó mua được. Việc hoàn thiện các thủ tục xác nhận về tình trạng nhà; thu nhập và thông tin về cư trú còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian; có trường hợp không xin được xác nhận.

Trả lời vấn đề này, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, đến nay, TP. Hải Phòng đã có văn bản công khai thông tin dự án, giá bán, số lượng căn hộ đã bán, số lượng căn hộ còn lại, danh sách người mua đã ký hợp đồng. Thành phố ưu tiên các hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ, xuống cấp; công nhân, lao động là người ngoại tỉnh, cư trú xa nơi làm việc, đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và người thu nhập thấp trên địa bàn…

Hải Phòng đã có 3 văn bản đối với 5 dự án nhà ở xã hội thực hiện gói vay tín dụng với tổng nhu cầu vay vốn là 6.780 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Xây dựng, số kinh phí mà phía ngân hàng cam kết chỉ là 3.820 tỷ đồng, trong đó 3.330 tỷ đồng vay thương mại và 490 tỷ đồng vay từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn vay thương mại mới giải ngân được 415 tỷ đồng; vay gói 120.000 tỷ đồng được 39,1 tỷ đồng.

“Về vấn đề giá cả và vị trí nhà ở xã hội, HEZA cũng sẽ có các kiến nghị, sau đó phản hồi nhanh chóng với chủ đầu tư để làm sao giá bán ra sẽ phù hợp với mức lương hiện tại của công nhân lao động, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, đời sống cho người lao động”, ông Kiên nhấn mạnh.

Ngoài ra, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, UBND TP. Hải Phòng nói chung và HEZA nói riêng sẽ cố gắng vận hành các vấn đề về điện năng, xây dựng hạ tầng nhanh chóng, giải quyết các vấn đề hải quan, nguồn nhân lực, thuế, an toàn giao thông một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư tại địa phương.

Theo ông Noma Suguru, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH Công nghiệp nhựa Kyowa (Khu công nghiệp Tràng Duệ), Kyowa mong muốn TP. Hải Phòng xem xét tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp lắp đặt, sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời, giảm phát thải khí thải CO2, tiết kiệm điện lưới quốc gia.

Về vấn đề này, ông Kiên cho hay, HEZA đã có Văn bản số 1912/BQL-QHXD ngày 4/5/2024 báo cáo UBND TP. Hải Phòng cho phép các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và các khu công nghiệp tiếp tục được thực hiện việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các mái nhà xưởng, công trình theo hình thức tự sản, tự tiêu tại chỗ theo các quy định hiện hành có liên quan. Đồng thời, HEZA cũng có Văn bản số 2342/BQL-QHXD ngày 29/5/2024 đề nghị Sở Công thương nghiên cứu, hướng dẫn, tạo điều kiện các doanh nghiệp thực hiện.

Tuy nhiên, Chính phủ đang xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời trên các mái nhà tự sản, tự tiêu. Bộ Công thương đã thực hiện lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với dự thảo Nghị định nêu trên. Sau khi Nghị định được ban hành, HEZA sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp quy định cụ thể về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản