Trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), hàng loạt căn nhà đang trong tình trạng “cửa đóng then cài” và lặng lẽ treo biển “cho thuê mặt bằng”. Hình ảnh này đang diễn ra ngày càng nhiều trên các tuyến phố sầm uất của Hà Nội.
Trong bảng giá đất mới của Hà Nội, những căn nhà nằm ngoài mặt đường phố Tôn Đức Thắng có giá lên tới 264 triệu đồng/m2. Con số trên đã thể hiện lợi thế vị trí, khả năng khai thác kinh doanh và giá trị lịch sử của tuyến đường.
Tuy nhiên, chính khu “đất vàng” này lại đang rơi vào cảnh ế khách thuê mặt bằng. Dù phố Tôn Đức Thắng chỉ có chiều dài tuyến đường khoảng 1,4 km, nhưng trung bình cứ cách 100 - 200 m sẽ có một căn nhà đang treo biển “cho thuê mặt bằng”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Lê Anh Thái, Phó giám đốc Công ty Ngọc Nguyên Land, một đơn vị chuyên cho thuê mặt bằng kinh doanh tại Hà Nội cho biết những khu vực từng nổi tiếng một thời như phố Huế, Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn (quận Đống Đa), đang dần suy giảm cả về sức hút lẫn giá thuê mặt bằng.
“Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc những tuyến phố này gặp hạn chế khi dừng - đỗ xe ô tô, vỉa hè nhỏ, thường xuyên xảy ra tắc đường, từ đó gây khó khăn cho việc mua sắm tại cửa hàng. Bên cạnh đó, dù giá trị thương mại giảm nhưng giá trị mặt bằng tại đây lại ở mức cao khi so sánh với những tuyến phố lân cận, có hạ tầng và mức độ nhận diện tốt hơn”, ông Lê Anh Thái chia sẻ lý do nhiều đơn vị kinh doanh “tháo chạy” khỏi các tuyến phố lớn.
Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Để tiết kiệm chi phí, không ít đơn vị đã tìm tới các mặt bằng trong ngõ hoặc chuyển sang kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Khi ổn định lại tình hình, các doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục tìm kiếm mặt bằng đẹp để nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu.
“Tuy nhiên, những tuyến phố như Xã Đàn, Thái Hà (quận Đống Đa), Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông), Trung Hoà (quận Cầu Giấy), Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm)... vẫn được nhiều thương hiệu lớn đặt thuê và quan tâm. Ngoài ra, những khu phố gần hồ Gươm như phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung và khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm) cũng được nhiều doanh nghiệp lớn ‘săn’ mặt bằng. Động thái này đang diễn ra rầm rộ trở lại trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng mạnh và lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam tăng cao”, ông Lê Anh Thái nhận định.
|
Chủ nhà trong hình cho thuê mặt bằng tầng 1, diện tích 20 m2 với giá 10 triệu đồng/tháng.
|
|
Căn nhà này cho thuê tầng 1, diện tích 18 m2 và mức giá thuê cũng là 10 triệu đồng/tháng.
|
|
Ngôi nhà trong ảnh có diện tích 167 m2, mức giá thuê hàng tháng là 80 triệu đồng. Trước đây, căn nhà này được thuê bởi một cửa hàng kinh doanh xe máy dành cho học sinh.
|
|
Nhiều căn nhà khác trên mặt đường phố Tôn Đức Thắng cũng đang gặp khó trong việc tìm khách thuê.
|
|
Tuyến phố Tôn Đức Thắng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Đây là một trong những trục đường chính dẫn tới những địa điểm nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hồ Hoàn Kiếm…
|
|
Những áp phích trang trí ngày Tết đã bị thay thế bằng những tấm biển “cho thuê cửa hàng”.
|
|
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), phân khúc nhà phố cho thuê đang phải chịu áp lực cạnh tranh lớn với các trung tâm thương mại và sàn thương mại điện tử.
|
|
Đáng chú ý, một số nhãn hàng thời trang, phụ kiện đang không còn mặn mà với việc thuê mặt bằng nhà phố. Thay vào đó, các đơn vị này chuyển sang thuê nhà trong ngõ để mở rộng kho hàng và tập trung làm marketing trên các kênh online.
|
|
Vị chuyên gia của VARS cũng chỉ ra thêm một số nhược điểm của đa phần nhà phố tại khu vực trung tâm, chẳng hạn như mặt tiền và diện tích tương đối hẹp, không có chỗ đỗ xe. Điều này sẽ làm giảm trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
|
|
Tiếp nối phố Tôn Đức Thắng, tuyến phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) cũng chứng kiến nhiều nhãn hàng ồ ạt trả mặt bằng kinh doanh.
|
|
Trong bảng giá đất mới nhất của Hà Nội, những căn nhà mặt phố Nguyễn Lương Bằng có giá không thua kém phố Tôn Đức Thắng, lên tới 240 triệu đồng/m2.
|
|
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao của Savills Hà Nội, thay vì mặc định tìm đến vị trí trung tâm, các doanh nghiệp đang phải tính toán thêm nhiều yếu tố hơn trước khi xuống tiền thuê mặt bằng.
|
|
Cụ thể, các yếu tố gồm có khu vực đỗ xe dành cho shipper và khách hàng, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, tình trạng giao thông giờ cao điểm…
|
|
Phố Tây Sơn (quận Đống Đa) cũng ghi nhận nhiều cửa hàng âm thầm rời đi.
|
|
Làn sóng trả mặt bằng tại các khu “đất vàng” đã diễn ra từ năm 2023. Đến nay, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
|