Hà Nội dồn lực xây dựng đô thị thông minh
 
Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng xây dựng thành phố thông minh đã trở thành phương thức phát triển tất yếu đối với các đô thị, nhất là những TP lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là với những TP có tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh như Hà Nội.

Mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân

Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, trong đó đến năm 2020 tại Việt Nam, ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh. Đây chính là cơ sở để TP Hà Nội nghiên cứu, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện phát triển đô thị thông minh.

Thủ đô Hà Nội hiện được coi là một siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số. Với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết. Những ứng dụng công nghệ mới, chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu giúp đáp ứng nhu cầu này.

Từ những kinh nghiệm quốc tế, đặc thù riêng, TP Hà Nội có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đồi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị. Đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trường và phát triển kinh tế - xã hội.

ên cạnh đó, Hà Nội đã xây dựng chiến lược, lộ trình xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và “Kiến trúc ICT thành phố thông minh của TP Hà Nội”. Trong đó xác định xây dựng hạ tầng thông tin số an toàn, khuyến khích cung cấp dữ liệu mở để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp DN giảm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trong nền kinh tế số. Bảo đảm mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp.

Thời gian qua, để hướng tới xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội bắt đầu với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. UBND TP đã định hướng thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn địa bàn TP; chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai theo mô hình tập trung, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Các hoạt động trao đổi hợp tác quốc tế về lĩnh vực công nghệ thông tin của Hà Nội được đẩy mạnh. TP đã tích cực làm việc với các DN nước ngoài để xây dựng các tổ hợp trung tâm dữ liệu lớn nhất toàn quốc tại Hà Nội, bao gồm 6 tổ hợp trung tâm dữ liệu với tổng công suất 1.200MW. TP đã tiếp xúc, trao đổi, kinh nghiệm với các Tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới, ký kết các thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Microsoft, Tập đoàn Công nghệ Dell về xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh.

Lấy người dân làm trung tâm

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh ASOCIO - Hà Nội 2018 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội mong muốn hướng tới mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Do đó, quan điểm nhất quán của chính quyền TP là lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu đề mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Hà Nội đang tập trung ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành theo hướng tập trung, tích hợp tại Trung tâm dữ liệu, hình thành dữ liệu lớn (Bigdata); đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định.

Đến nay, các thành phần cơ bản của chính quyền điện tử TP gồm: Trung tâm dữ liệu Nhà nước; Mạng diện rộng (WAN) kết nối tới 100% các sở, ban, ngành, quận huyện, thị xã và xã, phường thị trấn; Cổng Giao tiếp điện tử TP; Cổng dịch vụ công trực tuyến đã hình thành. Các hệ thống thống thông tin và cơ sở dữ liệu cốt lõi; Hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin; Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước của TP đang được hoàn thiện. Hà Nội cũng đã xây dựng những cơ sở dữ liệu cốt lõi phục vụ cho việc điều hành của TP như cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai…

TP Hà Nội đã triển khai và tiếp tục duy trì Cổng dịch vụ công cung cấp các dịch vụ trực tuyến dùng chung, phấn đấu hết năm 2019 có 80% dịch công trực tuyến mức độ 3, 4. Tiếp tục duy trì DN đăng ký thành lập qua mạng với tỷ lệ 100%, hải quan điện tử 100%, các lĩnh vực kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội trên 98%...

Trong lĩnh vực giao thông đô thị, TP đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị từ nhiều năm nay; đã triển khai ứng dụng quản lý hành trình trên hơn 100 tuyến xe buýt, cung cấp thông tin chính xác cho người dân đi xe về hành trình của từng tuyến. TP Hà Nội hiện đang hoàn thiện Đề án Giao thông thông minh, tập trung số hóa hạ tầng và phương tiện giao thông; xây dựng các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm tự động...

Cùng với lĩnh vực y tế, giáo dục, trong lĩnh vực tài nguyên và môi, TP Hà Nội đã cung cấp thông tin quan trắc môi trường cho người dân về chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng... TP cũng đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai TP...

Xây dựng đô thị thông minh ở Thủ đô Hà Nội trong cách mạng công nghiệp 4.0, TP dành nguồn lực nhất định từ nguồn ngân sách TP cho việc thực hiện. Bên cạnh đó, Hà Nội đã xác định sẽ huy động nguồn lực từ các DN công nghệ thông tin trên địa bàn. Cùng với đó, TP cũng đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ. Từ việc tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý có tư duy công nghệ, sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin, để hình thành một thế hệ công chức điện tử, cho tới việc kết nối với mạng lưới các nhà khoa học, trí thức trẻ để tập hợp trí tuệ xây dựng thành phố thông minh...

Trên cơ sở kinh nghiệm đã có, những nền tảng công nghệ đang dần định hình, yếu tố con người và nguồn lực tài chính, tin tưởng rằng Hà Nội hoàn toàn có đủ cơ sở để xây dựng thành phố thông minh trên cơ sở mục tiêu đã đặt ra là mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản