Giải phóng mặt bằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Những mảnh đất bị “lãng quên”
Hà Quang - 30/07/2016 08:11
 
Báo Đầu tư đã đề cập trong các số báo 84, 85 ra ngày 13 và 15/7/2016 về việc dang dở trong giải phóng mặt bằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trong khi UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) chưa có câu trả lời, chúng tôi tiếp tục nhận được kiến nghị về sự quên lãng của chính quyền địa phương nhiều diện tích đất của người dân.

Theo đơn kiến nghị của ông Hoàng Văn Cang ở thôn 5, xã Tân Xã (huyện Thạch Thất, Hà Nội), diện tích đất gia đình ông bị thu hồi để làm Khu công nghệ cao Hòa Lạc gồm 10 thửa đất trồng lúa và 3 thửa đất trồng màu, có đầy đủ bản đồ và diện tích từng thửa. Ngày 15/11/1999, UBND huyện Thạch Thất đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 0524494 cho gia đình ông, do Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất khi đó là ông Khuất Văn Thành ký.

Ông Cang cho biết, trong phần diện tích trên có thửa đất số 14, tờ bản đồ số 04 với nguồn gốc đất là đất trồng lúa tại khu vực Đồi Nhuốm (nằm trong quy hoạch Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Gia đình ông đã chấp hành việc kê khai, kiểm đếm từ năm 2012, nhưng đến tháng 4/2016 (thời điểm ông Cang có đơn kiến nghị), ông vẫn không nhận được văn bản thông báo đền bù cho diện tích trên.

.
.

Theo ông Hoàng Văn Hân, nguyên Trưởng thôn 5, xã Tân Xã, trong thời gian 10 năm (từ 2005 đến 2015) ông Hân làm Trưởng thôn, ông không nhận được một giấy tờ nào về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thửa đất số 14, tờ bản đồ số 04, khu vực Đồi Nhuốm của gia đình ông Hoàng Văn Cang.

Tương tự, một trường hợp khác cũng bị Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng “bỏ quên” một phần đất thu hồi không đền bù là bà Nguyễn Thị Chước, trú tại Đội 4, xã Tân Xã. Theo đơn kiến nghị của bà Chước, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất sau khi thu hồi 3.736,7 m2 đất (tờ bản đồ số 22, thửa số 108) đã để thiếu của gia đình bà một diện tích đất 350 m2 (dài 100 m, rộng 3,5 m). Đây là diện tích đất (nguồn gốc do ông cha để lại) gia đình bà Chước cho hộ ông Nguyễn Văn Thiệu (thôn 9) và ông Lê Đình Nhâm (thôn 4) mượn làm lối đi chung. Khi bị thu hồi làm Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bà Chước đã làm giấy xác nhận có chữ ký của người mượn đất và các hộ dân liền kề. Nguyên lãnh đạo thôn 4 và thôn 9, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Tân Xã cũng xác nhận việc gia đình bà Chước cho mượn là đúng sự thật, nhưng không được đền bù.

Trở lại câu chuyện của ông Nguyễn Đình Dũng ở thôn 5, xã Tân Xã, nguyên Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Tân Xã, được biểu dương tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi tại Hội nghị Doanh nghiệp trẻ toàn quốc năm 2002, ngoài các nội dung mà chúng tôi đã đề cập tại các số báo trước, ông Dũng còn kiến nghị hàng loạt nội dung khác, liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại thửa đất số 16, tờ bản đồ số 31 (bản đồ thu hồi đất Khu công nghệ cao Hòa Lạc).

Đó là, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng đã không bồi thường 406,45 m3 đào đất ao, hồ để đắp nền bờ chứa nước làm hồ cá; không bồi thường hệ thống cột đèn chiếu sáng khu hồ cá; không hỗ trợ giải thể doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động của Chi nhánh Công ty cổ phần Thiên Đức bị mất việc làm do bị thu hồi thửa đất có trụ sở Công ty hoạt động; Không được cấp đất tái định cư do hộ gia đình ông Nguyễn Đình Dũng đã bị thu hồi thửa đất số 16, tờ bản đồ số 31 từ năm 2007.

Trước những bức xúc của người dân tại các khu vực trên, ngày 5/7/2016, phóng viên Báo Đầu tư đã tìm đến UBND huyện Thạch Thất (theo Giấy giới thiệu số 34/BĐT, có photo gửi lại Văn phòng UBND huyện cùng các nội dung đề nghị phỏng vấn) để tìm lời giải đáp, nhưng cán bộ Văn phòng UBND huyện cho biết, lãnh đạo huyện đi vắng, hẹn trả lời sau. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã gần 1 tháng trôi qua, Báo Đầu tư vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản