Giấc mơ mua nhà giá rẻ không chênh!
Tuần vừa qua, một lần nữa câu chuyện về thương hiệu nhà giá rẻ Vincity của Tập đoàn Vingroup lại làm nóng thị trường. Lần này câu chuyện không phải xoay quanh việc đại gia này có xây hay không mà là giá cả khi đến tay người mua có bị đội lên hay không?
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ

Cộng đồng băn khoăn, vì chuyện nhà giá thấp bị môi giới, bị các sàn đội tiền chênh đã trở thành câu chuyện “thường ngày ở huyện”. Thậm chí, một đại gia nhà giá thấp còn dính “nghi án” bắt tay với cò nâng giá căn hộ giá ăn để ăn chia?

Trả lời nội dung này, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, đơn vị sẽ quản lý giá minh bạch, giá sẽ do Vingroup đưa ra, có thể có nhiều đơn vị môi giới tham gia phân phối hàng cho Vingroup nhưng giá sẽ công khai, minh bạch… để sản phẩm nhà giá rẻ đến tay người mua đúng với giá công bố.

Ông Hiệp cho biết thêm, nếu như trước đây người ta nghĩ nhà giá rẻ là nhà có chất lượng xây dựng không được tốt, nằm ở vùng sâu vùng xa, tiện ích hầu như không có gì thì cái mà Vingroup muốn thay đổi là những người có nhà giá rẻ vẫn được sử dụng những dịch vụ, tiện ích như nhà ở khu vực dành cho người có thu nhập cao, mà không phải chênh…giá.

Dù còn chưa tưởng tượng ra 200.000 – 300.000 căn nhà giá rẻ thương hiệu Vincity của Vingroup sẽ ra sao, bởi lẽ cho tới thời điểm này, doanh nghiệp này chưa công bố cụ thể. Thế nhưng, là "ông trùm" số 1 với uy tín đã được khẳng định, việc bán nhà mà không có chênh tiền chắc chẳng phải nói "suông". Và vì thế nhiều người mua nhà…như được "mở cờ trong bụng".

Từ xưa đến nay, "chả ai nói thì cả làng đều biết" chênh giá là chuyện đương nhiên có. Như cách nói của giám đốc một sàn môi giới: "Đối với cả chủ đầu tư  cũng như sàn giao dịch, lợi nhuận không nhiều mà chi phí ngoài sổ sách rất lớn, nếu không tìm cách “lách” thì không thể trụ được”.

Những chi phí ngoài sổ sách theo như cách nói trên là đến từ việc trả lương, chi phí hoa hồng cho đội ngũ bán hàng, chi phí truyền thông, quảng bá dự án và nhiều nhiều chi phí khách quan khác… Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, giá được chủ đầu tư ấn định theo tim tường, nhưng bán cho khách lại phải thông thủy, nên phải bán chênh để bù đắp khoản "vênh"…

Thế nhưng, cũng vì cái lý "khó nói" chi phí ngoài sổ sách, mà tại nhiều dự án, môi giới với chủ đầu tư bắt tay nhau thổi giá, làm tiền chênh tăng lên chóng mặt.

Hai dự án chào bán với giá thấp nhất 14,7 triệu đồng/m2 với diện tích dao động từ 50 - 110 m2, nhưng khi đến gặp thì căn nhỏ đã hết, muốn mua lại thì chỉ cần đặt chênh thêm 3 giá là sẽ có người chuyển lại. Nếu không thì chỉ có cách mua căn to, nhưng cũng phải chi cho cò thêm 1 – 2 giá mới có căn đẹp!

Tương tự, một dự án căn hộ mới mở bán tại quận Hoàng Mai, Hà Nội với quảng cáo giá rẻ "bậc nhất" thị trường, nhưng chỉ sau vài ngày ra mắt, gọi đến hotline đã thấy báo hết hàng. Giờ chỉ có thể mua lại các “suất ngoại giao” với giá chênh lên tới gần 100 triệu đồng/căn.

Ở một dự án khác tại Tứ Kỳ, Hoàng Mai, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhằm hỗ trợ người mua nhà, chủ đầu tư cho biết, đã cùng ngồi lại với các nhà băng để xây dựng các chương trình với ưu đãi 0% hấp dẫn không kém gói ưu đãi của nhà nước. Thế nhưng, để tham gia chương trình này, thì người mua cũng phải chịu đến gần 200 triệu phí chênh. Lý giải của đại diện sàn, một phần trong này sẽ trả lại cho chủ đầu tư, vì để có 0%, chủ đầu tư đã phải tư đã phải tự bù lãi suất, chứ ngân hàng không thể làm được.!!!

Trên đây mới chỉ là một vài trường hợp điển hình cho lý do "khó nói" khi bán chênh giá nhà tại nhiều dự án bất động sản. Thực tế, còn hàng trăm lý do khác cho việc bán chênh giá chỉ để biện hộ cho việc "làm giá" khi bán nhà.

 Lợi dụng tâm lý người dân vì nhu cầu nhà ở, vì chán cảnh "nay đây, mai đó" ở các nhà trọ kém chất lượng, mà phải nhắm mắt trả thêm tiền để sở hữu căn hộ, nên các sàn cứ thản nhiên mà "làm giá" nếu chủ đầu tư không cấm. Một nguyên nhân khác khiến cho các chủ đầu tư chênh giá lên mà vẫn "tự tin" vẫn có khách hàng quan tâm đó là tâm lý đám đông của người Việt Nam. Người dân thấy cảnh chen lấn, xếp hàng để mua nhà cũng cố bằng mọi giá mua cho bằng được, kể cả tiền chênh vài trăm triệu.

Vì vậy, nếu Vingroup làm được như điều đã khẳng định, thì đó sẽ là một bước ngoặt trong việc minh bạch hóa thị trường!  .

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản