FDI “sốt sắng” với bất động sản
Nguyên Đức - 30/08/2018 08:31
 
Dù chưa thể sánh bằng chế biến, chế tạo, nhưng bất động sản vẫn luôn là lĩnh vực thu hút được khá nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn. Kể cả nhìn ở góc độ 8 tháng đầu năm nay, hay nhìn tổng thể 30 năm thu hút FDI, đều cho thấy rõ điều đó.

“Sốt sắng” với bất động sản

Con số vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 8 tháng đầu năm, đã có 24,35 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này, vốn đăng ký cấp mới là 13,48 tỷ USD, vốn tăng thêm là 5,58 tỷ USD, còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 5,28%.

bất động sản luôn là lĩnh vực thu hút được khá nhiều Dự án FDI quy mô lớn. Trong ảnh: Dự án của CapitaLand tại quận 2, TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn
Bất động sản luôn là lĩnh vực thu hút được khá nhiều dự án FDI quy mô lớn. Trong ảnh: Dự án của CapitaLand tại quận 2, TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Con số trên không tăng nhiều so với mức gần 23 tỷ USD của 7 tháng đầu năm, chủ yếu do trong tháng 8, không có dự án quy mô lớn nào được cấp chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, dấu ấn của các dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản vẫn khá rõ nét.

Theo tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài, có tới 3/5 dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư trong 8 tháng qua thuộc lĩnh vực bất động sản. Trong đó, lớn nhất là Dự án Thành phố thông minh (Hà Nội), vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD của liên doanh nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) và BRG (Việt Nam). Tiếp đó là Dự án Laguna (Thừa Thiên Huế) nâng vốn đầu tư thêm 1,2 tỷ USD và Dự án Lotte Mall (Hà Nội), vốn đầu tư 600 triệu USD, với mục tiêu xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày…

Ba dự án trên đã góp phần quan trọng đưa tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản trong 8 tháng đầu năm lên 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Đồng thời, đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này lũy kế đến nay đạt 56,8 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các lĩnh vực hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhất ở Việt Nam.

Những con số trên đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam với các nhà đầu tư ngoại. Việc ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản cũng đã thêm một lần nữa chứng minh điều này.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 mới đây, Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn đã nhắc tới hàng loạt thương vụ lớn mà các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài, như Warburg Pincus, Mapletree, Keppel Land, Frasers Centrepoint, Hong Kong Land, Lotte E&C…, thực hiện trong thời gian qua để chứng minh điều này. Trong số này, chỉ riêng Quỹ đầu tư Warburg Pincus đã cam kết rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam, phần lớn trong số này đã được phân bổ đầu tư vào các danh mục bất động sản bao gồm thương mại, khách sạn và công nghiệp.

Nên hay không tiếp tục hút FDI vào bất động sản?

Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá say sưa với thị trường bất động sản Việt Nam, thì một câu hỏi được đặt ra đã vài năm gần đây, chứ không phải chỉ khi Việt Nam chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI. Đó là Việt Nam có nên tiếp tục hút FDI vào bất động sản hay không?

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư đã nhiều lần nhắc đến những cái tên như Phú Mỹ Hưng trước đây và sau này là Mapletree, Keppel Land… để khẳng định rằng, với sự góp mặt của các doanh nghiệp FDI, bộ mặt đô thị Việt Nam đã thay đổi, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam cũng đã phát triển.

Giám đốc Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương cũng từng nhắc đến 5 tác động quan trọng của làn sóng FDI trong lĩnh vực bất động sản. Đó là không chỉ mang tới nguồn lực, kinh nghiệm, mà còn góp phần gia tăng tính cạnh tranh, hỗ trợ phát triển một thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững…

Nhưng có một thực tế đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập khi báo cáo Quốc hội về thu hút FDI của Việt Nam, là trong 30 năm qua, đầu tư vào bất động sản còn cao, trong khi đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp còn thấp (hiện nay chỉ chiếm 1,6% vốn đầu tư nước ngoài đăng ký), số dự án trong lĩnh vực hạ tầng rất nhỏ. Như vậy là có sự “bất đối xứng” trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vào các ngành nghề.

Hơn nữa, nếu đánh giá một cách thẳng thắn, thì khá nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản là dự án ảo. Các dự án tỷ USD, nhất là được cấp phép trong giai đoạn 2007 - 2008 hầu hết trong lĩnh vực này và cho đến nay, nhiều dự án chưa được triển khai, hoặc đã bị thu hồi. Chẳng hạn, Dự án Saigon Atlantic 4 tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu; Dự án Bãi biển Rồng 4 tỷ USD ở Quảng Nam; hay Dự án New City ở Phú Yên… Ngay cả các dự án như Nam Hội An (Quảng Nam), Hồ Tràm Strip (Vũng Tàu), tuy đều đăng ký đầu tư 4 tỷ USD, nhưng giải ngân chưa nhiều…

Chưa kể, trong lĩnh vực bất động sản, đã từng tồn tại một thực tế là, không ít nhà đầu tư thuộc diện “vốn mỏng” kiểu “tay không bắt giặc”, đăng ký đầu tư vào Việt Nam nhưng thực tế lại vay vốn ngân hàng Việt Nam, hoặc huy động trong nước để triển khai dự án. Như vậy thì ít nhiều đã ảnh hưởng tới mục tiêu thu hút FDI của Việt Nam.

Chính vì vậy, khi tổng kết 30 năm FDI, đã có ý kiến của các chuyên gia cho rằng, nên hạn chế thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản, những dự án nào mà nhà đầu tư trong nước có thể thực hiện thì “dành phần” cho họ. “Nên ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thành phố thông minh, các dự án bất động sản nhưng thiên về phát triển xanh, tiết kiệm năng lượng. Đây vẫn là những dự án mà Việt Nam rất cần”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản