Doanh nghiệp Nhật Bản hướng vào phân khúc nhà ở tầm trung phía Nam
Gia Huy - 28/08/2024 08:26
 
Hướng đi mới của các “ông lớn” Nhật Bản khi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam là nhắm đến nhu cầu nhà ở thực tại các đô thị lớn như TP.HCM, Bình Dương.
Dự án TT Avio (Bình Dương) được doanh nghiệp Nhật Bản rót vốn xây dựng
Dự án TT Avio (Bình Dương) được doanh nghiệp Nhật Bản rót vốn xây dựng.

Đánh mạnh vào nhu cầu nhà ở thực, vừa túi tiền

Các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng, yếu tố hấp dẫn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là tính tăng trưởng. Ngoài ra, những nền tảng tốt để doanh nghiệp Nhật Bản bắt tay hợp tác là tiềm năng về dân số trẻ, thu nhập ngày càng được cải thiện, nhu cầu nhà ở tăng cao. Vì thế, hiện tại và sắp tới, chiến lược của một số doanh nghiệp Nhật là tìm đối tác và quỹ đất để hợp tác đầu tư, trong đó phân khúc nhà ở vừa túi tiền được ưu tiên.

Nếu như trước kia, hầu hết doanh nghiệp Nhật mua lại và phân phối, thì hiện nay, họ tích cực tìm dự án, nhất là những nơi có nhu cầu nhà ở thực, vừa túi tiền để bắt tay vào trực tiếp đầu tư. Theo đó, họ không chỉ tham gia đầu tư tài chính, mà còn tham gia toàn bộ quá trình xây dựng, thiết kế, thẩm định dự án…

Hiện tại và sắp tới, chiến lược của một số doanh nghiệp Nhật Bản là tìm đối tác và quỹ đất để hợp tác đầu tư, trong đó phân khúc nhà ở vừa túi tiền được ưu tiên.

Mới đây nhất, một doanh nghiệp có bề dày hơn 50 năm phát triển loạt dự án bất động sản cao cấp trên toàn cầu là Cosmos Initia (thành viên Daiwa House Group), liên doanh với Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital và Koterasu Group, khởi công xây dựng Dự án căn hộ TT Avio ngay trung tâm TP. Dĩ An (Bình Dương), nhằm cung ứng ra thị trường 2.000 căn hộ vừa túi tiền (đa phần có giá bán dưới 2 tỷ đồng/căn).

Đại diện Cosmos Initia, ông Shin Ogawa đánh giá cao tiềm năng thị trường nhà ở tại Việt Nam, với nhu cầu ngày càng gia tăng, trong khi nguồn cung đang thiếu hụt nghiêm trọng. Vì thế, Cosmos Initia tập trung vào việc phát triển phân khúc nhà ở giá vừa túi tiền, với chất lượng cao, nhiều tiện ích, ở vị trí trung tâm, hệ thống giao thông kết nối thuận tiện.

Ngoài ra, hai đối tác Nhật Bản là Cosmos Initia và Koterasu Group còn đầu tư khoảng 150 triệu USD cho TT Capital với mục tiêu trong 5 năm tới, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ vừa túi tiền, tiêu chuẩn Nhật Bản. 

Điểm chung của những dự án được các doanh nghiệp Nhật triển khai là cách làm và chất lượng sản phẩm. Theo ông Keisuke Muraoka, Giám đốc Bộ phận vận hành nhà ở, Chi nhánh kinh doanh quốc tế Cosmos Initia, dựa trên những kinh nghiệm vốn có và bài học từ nhu cầu nhà ở tại Tokyo, Cosmos Initia sẽ vận dụng triệt để và mang lại không gian, chất lượng sống phù hợp, tốt nhất cho cư dân.

“Nhà ở tại Nhật Bản đề cao việc tối ưu hóa vì không gian sống vốn chật. Vậy nên, quan điểm của chúng tôi là phải sử dụng hiệu quả không gian, tạo ra cảm giác thoải mái cho cư dân sống trong từng loại căn hộ. Chúng tôi lên kế hoạch cụ thể các công đoạn như thiết kế layout, xây dựng kết cấu một cách công phu, tỉ mỉ tại các dự án đầu tư ở Việt Nam”, ông Keisuke Muraoka nhấn mạnh.

Còn Tập đoàn NTT Urban Development, một trong 3 đối tác Nhật đầu tư vào Dự án Khu đô thị Một thế giới tại Bình Dương khẳng định, sẽ áp dụng những giải pháp công nghệ hiện đại, độc đáo để phát triển dự án, từ hạ tầng thông minh đến các dịch vụ kỹ thuật số hiện đại, giúp tạo ra không gian sống tiện nghi cho cư dân.

Kỹ tính trong chọn đối tác

Nhà đầu tư đến từ Nhật Bản khá khắt khe, “kỹ tính” trong việc lựa chọn đối tác, dự án. Vì thế, bên cạnh lợi thế sẵn có, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam phải chứng minh được năng lực, tiêu chí đáp ứng yêu cầu của họ.

Sau quá trình làm việc với doanh nghiệp Nhật, ông Nguyễn Đình Trường, CEO liên doanh Nhật Bản (TT Capital, Cosmos Initia và Koterasu Group) khẳng định, chậm rãi và chắc chắn là cụm từ khắc họa rõ nét đặc điểm của nhà đầu tư Nhật Bản khi rót vốn vào bất động sản Việt Nam.

“Các tiêu chuẩn về dự án được họ xem xét rất kỹ càng, có thể gọi là khó tính vì chỉn chu ở tất cả các khâu. Khi hợp tác dự án đầu tư với Nhật khá áp lực. Vì mọi khâu đều chuẩn chỉnh nên doanh nghiệp phải liên tục nâng cấp và cải tiến mới các mặt để có thể đi đường dài với đối tác này”, ông Trường cho hay.

Khẳng định điều này, ông Keisuke Muraoka cho biết, doanh nghiệp ông rất kỹ tính khi lựa chọn đối tác đầu tư. Thường trước khi hợp tác, hai bên sẽ có khoảng thời gian làm việc đủ lâu để đánh giá được sự tin cậy. Đơn cử, khi muốn đầu tư vào Việt Nam, Cosmos Initia đã lập một đội ngũ chuyên nghiên cứu thị trường Việt Nam tận 5 năm để tìm hiểu qua nhiều nguồn và dự án khác nhau.

Ngoài quỹ đất phải có pháp lý “sạch”, theo vị này, năng lực, kinh nghiệm của người đứng đầu doanh nghiệp hợp tác được phía Nhật Bản đánh giá rất cao. Không hẳn là đơn vị làm nhiều dự án trên thị trường, nhưng phải là người giàu kinh nghiệm trong quản lý, vận hành, phát triển dự án bất động sản và đạt được thành tựu cụ thể.

“Chúng tôi rất đề cao tiêu chí chất lượng của dự án. Khi tham gia liên doanh, không chỉ đầu tư tài chính, mà chúng tôi còn tham gia trực tiếp toàn bộ quá trình xây dựng, thiết kế dự án. Ở đó, các giải pháp, ý tưởng đều rất kỹ. Vì thế, không chỉ đối tác liên doanh, mà ngay cả tổng thầu xây dựng cũng phải lựa chọn kỹ càng vì liên quan trực tiếp đến khâu chất lượng khi thực hiện dự án”, ông Keisuke Muraoka nhấn mạnh.

Nói về tiêu chí trong quá trình lựa chọn doanh nghiệp để hợp tác, ông Oh Dong Kun, Tổng giám đốc Tokyu Corporation tại Việt Nam cho biết: “Đặc trưng của chúng tôi là phát triển đô thị, do đó buộc phải bám sát những yếu tố địa phương. Đối tác Việt Nam có thế mạnh về điểm này, họ có quỹ đất sạch và rành thủ tục hành chính, còn chúng tôi có kinh nghiệm và kỹ thuật, chứ không chỉ đơn thuần là góp vốn. Việc tham gia ngay từ khi có quỹ đất có thể mất nhiều thời gian, nhưng quan trọng là hai bên minh bạch mọi thông tin và cùng bàn bạc để nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản