Doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam kiến nghị tỉnh tháo gỡ loạt khó khăn, vướng mắc
Linh Đan - 26/10/2024 08:58
 
Theo phản ánh của Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, việc căn cứ theo từng giai đoạn của dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận để giao đất là chưa phù hợp đối với các dự án thuộc diện chuyển tiếp.
Ảnh minh họa
Nhiều dự án bất động sản tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Ảnh: Linh Đan

UBND tỉnh Quảng Nam mới đây đã yêu cầu loạt cơ quan, gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Cục Thuế tỉnh, UBND thị xã Điện Bàn và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung kiến nghị, đề xuất của Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn về phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo phản ánh của Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn, trước đây, các dự án được giao đất nhiều đợt theo tình hình giải phóng mặt bằng, nhưng hiện nay căn cứ theo từng giai đoạn của dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận để giao đất là chưa phù hợp đối với các dự án thuộc diện chuyển tiếp.

Theo phản ánh của Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn, trước đây, tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đều không phân kỳ đầu tư. Do đó, hiện nay, các dự án phải chờ hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích mới được giao đất, cho thuê đất. Thực tế có nhiều dự án phải bố trí tái định cư tại chỗ, người dân phải được bố trí tái định cư trước mới đồng ý giao đất. Việc thực hiện giải phóng mặt bằng 100% trong một khoảng thời gian là bất khả thi, không thể thực hiện được….

Do đó, Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn đề xuất UBND thị xã kiến nghị UBND tỉnh cho phép giao đất theo từng lần phát sinh như trước đây, đặc biệt là đối với các dự án dở dang, tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục xây dựng hoàn thiện dự án, bàn giao đưa vào sử dụng.

Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn phản ánh, hiện nay, tỉnh đang dừng thực hiện việc chuyển nhượng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng nhận chuyển nhượng các nền đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số dự án chưa hoàn thành 100% hạ tầng, bàn giao đưa vào sử dụng.

Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, gây ra rất nhiều khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp của khách hàng. “Trong cùng một dự án, thậm chí trong cùng một block, 2 lô đất liền kề nhau nhưng 1 lô đã sang tên khách hàng thì được tự do mua bán, chuyển nhượng, thửa còn lại khách hàng đã thực hiện nghĩa vụ thuế, đã ký hợp đồng chuyển nhượng với chủ đầu tư thì lại bị ngăn cản việc thực hiện sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, đại diện Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn phản ánh và đề xuất UBND thị xã báo cáo UBND tỉnh cho phép tiếp tục được tách thửa, chuyển nhượng đối với các block đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn, hiện nay, chính sách tháo gỡ của tỉnh là cho cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất block đối với các dự án thi công cơ bản hạ tầng, tuy nhiên lại không cho phép tách thửa chuyển nhượng, phải khi nào hoàn thành 100% hạ tầng theo quy hoạch được duyệt thì mới được tách thửa chuyển nhượng.

“Cấp sổ nhưng không cho chuyển nhượng thì chủ đầu tư sẽ làm gì với cuốn sổ được cấp. Thế chấp ngân hàng cũng không nhận vì một cuốn sổ không có khả năng chuyển nhượng thì ngân hàng sẽ không cho vay. Trong khi đó, để được cấp sổ, chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách, vốn chôn lại trong ngân sách, trong đầu tư hạ tầng nhưng không biết khi nào mới được huy động vốn”, đại diện Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn băn khoăn.

Do đó, Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn đề xuất UBND thị xã Điện Bàn báo cáo UBND tỉnh cho phép cấp sổ đỏ và tách thửa chuyển nhượng đối với các dự án đã cơ bản hoàn thành hạ tầng.

Ngoài ra, đơn vị này cũng kiến nghị chính quyền địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá đất, việc tiếp nhận và bàn giao hạ tầng kỹ thuật các dự án, giá vật liệu xây dựng, khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp, tiếp cận nguồn vốn tín dụng...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản