Định đoạt số phận Xi măng Hạ Long và Thăng Long
Thế Hoàng - 02/07/2020 14:30
 
Theo Bộ Xây dựng, dự án xi măng Hạ Long và Thăng Long cần được duy trì hoạt động với dây chuyền 1 hiện có và được đầu tư tiếp dây chuyền 2 theo quy hoạch đã phê duyệt.
Nhà máy Xi măng Thăng Long, một trong 2 nhà máy đang bị tỉnh Quảng Ninh yêu cầu không đầu tư tiếp giai đoạn II.
Nhà máy Xi măng Thăng Long, một trong 2 nhà máy đang bị tỉnh Quảng Ninh yêu cầu không đầu tư tiếp giai đoạn II.

Về đâu 2 dự án xi măng?

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét 2 dự án dây chuyền 2 của Nhà máy Xi măng Hạ Long và Thăng Long. Cụ thể, địa phương này đề xuất dừng triển khai dự án đầu tư giai đoạn II với dây chuyền 2 của Xi măng Thăng Long và dây chuyền 2 của Xi măng Hạ Long nằm bên bờ vịnh Cửa Lục. 

Không chỉ vậy, với 2 dây chuyền 1 đang hoạt động bình thường của 2 nhà máy này cũng sẽ được di dời đi nơi khác. Đây không phải lần đầu tiên địa phương này có ý kiến về 2 dự án xi măng trên.

Thực tế, chủ trương di dời 2 dự án xi măng Hạ Long và Thăng Long đã được UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị từ nhiều năm trước để phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, bảo vệ môi trường cho khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Dây chuyền 1 của Nhà máy Xi măng Thăng Long tại xã Lê Lợi đi vào hoạt động năm 2008, với công suất 2,3 triệu tấn/năm, còn dây chuyền 1 của nhà máy Xi măng Hạ Long tại xã Thống Nhất, với công suất thiết kế 2,07 triệu tấn/năm. Về địa giới, cả 2 nhà máy này đều nằm ở huyện Hoành Bồ, thuộc vùng phụ cận của vịnh Hạ Long.

Ngoài dây chuyền 1 đang hoạt động, cả 2 nhà máy này đều được phép đầu tư giai đoạn II với công suất tương đương với các nhà máy hiện nay, đã có tên trong Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định 1488/QĐ-TTg).

Chưa hết, vùng nguyên liệu cho nhà máy giai đoạn II cũng đều được các cấp, ngành liên quan phê duyệt. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đề xuất điều chỉnh việc đầu tư giai đoạn II của 2 nhà máy ra khỏi Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; tiến tới chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy hiện nay vào năm 2030.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, sau năm 2030, khi các nhà máy xi măng ngừng hoạt động hoặc thực hiện di dời, quỹ đất các nhà máy hiện có sẽ được sử dụng để tái thiết, phát triển đô thị, công nghiệp sạch phù hợp.

Bộ Xây dựng nói gì

Sau khi xem xét đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh, căn cứ vào các quy định hiện hành, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu về đề nghị của Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long và Thăng Long, để 2 công ty này được phép tiếp tục duy trì sản xuất ổn định dây chuyền 1, tiếp tục đầu tư giai đoạn II.

Quy hoạch Phát triển TP. Hạ Long là mới, trước kia 2 nhà máy nằm trên địa bàn huyện Hoành Bồ. Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị cho triển khai đầu tư dây chuyền 2 của hai nhà máy và tiếp tục vận hành dây chuyền 1 của các nhà máy để thu hồi vốn doanh nghiệp đã đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, một dây chuyền xi măng có vốn đầu tư vài ngàn tỷ đồng, doanh nghiệp đã đầu tư rồi, cần thời gian để khấu hao, thu hồi vốn, khi chính quyền quyết định di dời phải thương thảo với doanh nghiệp cho phù hợp.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng không cho phép đầu tư dây chuyền 2 của 2 nhà máy này và dây chuyền 1 cũng đề nghị chỉ cho phép hoạt động đến năm 2030, sau đó di chuyển, để phù hợp với Quy hoạch Phát triển TP. Hạ Long, nhất là không ảnh hưởng đến du lịch. Đó là quan điểm của địa phương.

Song, ông Bắc nhấn mạnh, qua nghiên cứu, theo dõi thực tiễn, các dây chuyền 1 của 2 nhà máy này đều đang hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật; các dây chuyền 2 đang được triển khai đầu tư đảm bảo các quy định pháp lý và đúng trình tự thủ tục cấp phép.

Hơn nữa, việc đầu tư giai đoạn II sẽ giúp phát huy tối đa hạ tầng, các hạng mục của giai đoạn I. Đến nay, một số công đoạn của cả 2 dự án giai đoạn II đã được các chủ đầu tư triển khai.

Ông Bắc cũng cho biết, Quảng Ninh nêu lý do di dời 2 nhà máy xi măng để triển khai Quy hoạch Phát triển TP. Hạ Long, nhưng thực tế khi đầu tư xây dựng, 2 nhà máy này nằm ở huyện Hoành Bồ. Quy hoạch Phát triển TP. Hạ Long bây giờ là quy hoạch mới, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ với TP. Hạ Long, 2 nhà máy xi măng trên mới nằm trong địa bàn TP. Hạ Long.

Căn cứ trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, việc đầu tư dây chuyền 1 và 2 của hai nhà máy xi măng Hạ Long và Thăng Long đều đúng theo quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu cho phép dây chuyền 2 của 2 nhà máy được tiếp tục đầu tư theo quy định và dây chuyền 1 tiếp tục được hoạt động để cung cấp sản phẩm xi măng cho thị trường, đồng thời đảm bảo quy định doanh nghiệp đã đầu tư phải để họ thu hồi vốn.

“Quyết định thế nào là do UBND tỉnh Quảng Ninh, còn ý kiến của Bộ Xây dựng là như vậy”, ông Bắc nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản