Điểm tên những chung cư "tụt hạng" sau đợt ngập lụt vừa qua
Kể từ trận lụt kỷ lục năm 2008, một lần nữa, thị trường địa ốc Hà Nội được định hình lại sau trận lụt diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, không chỉ về giá trị, mà còn về nhận thức của khách hàng với rất nhiều thay đổi.
Dự án Khu đô thị Dương Nội dù mới đưa vào sử dụng, nhưng đã bị cô lập nhiều ngày bởi trận mưa đầu mùa tháng 5 vừa qua
Dự án Khu đô thị Dương Nội dù mới đưa vào sử dụng, nhưng đã bị cô lập nhiều ngày bởi trận mưa đầu mùa tháng 5 vừa qua

Tụt hạng vì ngập nước

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, dường như năm nào Hà Nội cũng phải gánh chịu tình trạng ngập lụt, trong đó đáng kể nhất là trận lụt lớn năm 2008. Trận lụt kỷ lục này đã “nhấn chìm” hầu hết các khu đô thị mới, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.

Sau trận lụt lịch sử trên, nhiều ý kiến cho rằng, những dự án bất động sản bị ngập sâu không những bị khách hàng “xa lánh”, mà còn bị mất giá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, bong bóng bất động sản vẫn tái diễn sau năm 2008, nhiều dự án dù bị ngập nước, song giá bất động sản không những không giảm, mà vẫn tiếp tục tăng.

Tình trạng tăng giá chỉ chấm dứt vào cuối năm 2010, khi bong bóng địa ốc xì hơi, thị trường rơi vào suy thoái kéo dài. Một số dự án đô thị, tòa nhà hỗn hợp thường xuyên bị úng ngập như Khu đô thị Resco (Bắc Từ Liêm), Khu đô thị Mễ Trì (Nam Từ Liêm), Dự án Keangnam (Nam Từ Liêm)… đã không còn là những dự án “lý tưởng, đáng sống hàng đầu” tại Hà Nội. Đồng thời, giá bán căn hộ tại các dự án này cũng giảm đáng kể.

Chẳng hạn, giá căn hộ Dự án Keangnam lúc đỉnh điểm lên đến 3.000 USD/m2, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 2.200 USD/m2. Căn hộ Dự án The Manor có thời điểm lên đến 2.000 USD/m2, cũng đã giảm về 1.600 USD/m2 sau đó.

Thậm chí, tại Dự án Keangnam, nơi được coi là “đất lành, chim đậu” của người giàu có, thì việc thường xuyên bị cô lập sau mưa lũ, cộng thêm việc tranh chấp, khiếu kiện diễn ra liên miên, khiến dự án bị “mất điểm” nghiêm trọng đối với khách hàng từ vài năm nay… 

Chạy đâu cũng… lụt!

Có thể nói rằng, sau thời gian dài chịu cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lớn, tính đến năm 2016, người dân Hà Nội đã cơ bản có được “bản đồ” các dự án đô thị dễ bị ngập nước nhất.

Đại diện một số đơn vị phân phối bất động sản cho biết, ngoài yếu tố giá cả, vị trí dự án, uy tín chủ đầu tư, nhiều khách hàng mua nhà còn rất quan tâm đến khả năng chống úng ngập của dự án…

Những tưởng chỉ các dự án trong khu vực trung tâm mới dễ bị úng ngập bởi những hạn chế về hệ thống thoát nước, tuy nhiên, các khu đô thị nằm ngoài trung tâm cũng không thoát khỏi “thảm cảnh” này. Những trận mưa lớn cuối tháng 5 vừa qua đã nhấn chìm và cô lập nhiều dự án khu đô thị, trong đó, ngay cả những tổ hợp, khu đô thị mới vừa đưa vào sử dụng nằm ngoài trung tâm cũng chìm trong “biển nước”, khiến không ít người bất ngờ. 

Chẳng hạn, tại Dự án CT12 Văn Phú (Hà Đông), mới được bàn giao hồi đầu năm, nhưng nước đã tràn cả vào tầng hầm, khiến nhiều tài sản của cư dân bị hư hỏng. Ba mặt của tòa chung cư bị nước “bao vây” trong mấy ngày liền.

Tại Dự án Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông), hàng nghìn khách hàng mua nhà tại các tòa Xuân Mai Spark, dù nhận nhà chưa được bao lâu, nhưng đã phải đối diện với nhiều khó khăn vì bị nước cô lập trong nhiều ngày…

Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, hiện nhiều người mua nhà rất quan tâm đến việc dự án có khả năng bị ngập lụt hay không. Bởi nếu dự án dễ bị ngập lụt, ngoài cuộc sống bị ảnh hưởng, thì tài sản của cư dân cũng bị thiệt hại.

Tuy nhiên, trên toàn địa bàn Hà Nội hiện nay, kể cả khu vực ngoại ô, cứ hễ mưa lớn thì hầu hết các dự án đô thị đều bị ngập lụt, nên khách hàng không có nhiều lựa chọn.

“Vấn đề là người dân chỉ có thể chọn mua nhà ở dự án ngập nhiều hay ít”, ông Quyết nói và cho biết, với những dự án được khách hàng kỳ vọng cao, nhưng dễ ngập, thì giá trị của bất động sản cũng sẽ giảm đáng kể.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản