Đề xuất phương án phục hồi thành Điện Hải
Hoàng Anh - 11/05/2018 23:11
 
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, nhiều đoạn tường hào và nền móng của Thành Điện Hải ngày xưa đã phát lộ trong quá trình tu bổ, phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt này.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Công ty CP Đầu tư phát triển VISHNU Huế - đơn vị đang tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải đã hoàn thành xong việc đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án tu bổ, phục hồi hạng mục đoạn tường rào phía Tây, phía Nam sau khi phát lộ.

Trong quá trình triển khai thi công công trình, các đơn vị thi công, giám sát đã phát hiện nhiều đoạn tường hào, nền móng nguyên bản ở phía Tây và phía Nam thành Điện Hải.

Đoạn phần tường hào đoạn tiếp giáp đoạn tường hào từ cầu phía Nam đến giữa hào phía Tây sau khi đào xuất lộ có chiều dài 126m, được xây bằng gạch vồ truyền thống, vữa Tam hợp với nhiều loại kích thước khác nhau...

 Bên cạnh đó, các đơn vị thi công, giám sát cũng phát hiện một phần móng gạch nối giữa tường hào và tường thành phía Tây có chiều dài 14,2m, rộng 4,2m. Nền móng có cấu tạo là móng dưới và hai bên xếp bằng đá Ong, đá cuội; một phần nền xây bằng gạch vồ truyền thống.

Trong quá trình tu bổ, nền móng xưa của Thành Điện Hải đã phát lộ.
Trong quá trình tu bổ, nền móng xưa của Thành Điện Hải đã phát lộ.

Đối với đoạn phần tường hào phía Tây sau khi đo vẽ, định vị phần móng tường hào được xuất lộ và đối chiếu với vị trí, cấu tạo của tổng thể di tích cùng những luận cứ về lịch sử, các đơn vị thi công khẳng định rằng đây là một phần cấu tạo nên tường hào thuộc di tích Thành Điện Hải - là yếu tố gốc đã bị vùi lấp, xâm lấn theo thời gian.

Căn cứ vào số liệu khảo sát, đánh giá hiện trạng phần tường hào còn lại đồng thời căn cứ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc bảo tồn tính chân xác cho di tích, Công ty CP Đầu tư phát triển VISHNU Huế đề xuất giữ nguyên trạng vị trí của yếu tố gốc cho di tích; đo vẽ, đánh giá cấu tạo, chất lượng từng đoạn cụ thể và tháo dỡ phần gạch bị mục mủn, nứt vỡ do thời gian và xâm thực, xây phục hồi phần tường hào về nguyên trạng. Bên cạnh đó, tiến hành các công tác thi công tu bổ, phục hồi cho phần tường hào tiếp theo đúng như hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di tích, di sản văn hóa.

Đối với phần móng gạch nối tường hào và tường thành phía Tây, sau khi đối chiếu về hướng, vị trí phần móng gạch so với cầu phía Đông: Theo trục Đông - Tây, cầu phía Đông hiện hữu gần chính giữa trục, phần móng gạch phía Tây hơi chếch về phía Nam.

 Vì vậy, trên cơ sở hiện trạng, sau khi đo vẽ, đối chứng với các thành phần khác của di tích, Công ty CP Đầu tư phát triển VISHNU Huế đề nghị xuất phương án tu bổ, tôn tạo Thành Điện Hải trên cơ sở giữ lại phần tường hào phía Tây, phía Nam sau khi đào xuất lộ. Đồng thời,  tiến hành công tác tu bổ, phục hồi theo đúng quy định hiện hành trên cơ sở hồ sơ bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt, tôn trọng yếu tố gốc và đảm bảo tính chân xác cho di tích.

Riêng với phần móng gạch giữa hào phía Tây sau khi đào xuất lộ, nhận thấy đây là yếu tố quan trọng mà trong các tài liệu lịch sử, họa đồ về Thành Điện Hải ít đề cập (chỉ đề cập đến cầu và cổng phía đông, phía nam) nên cần thận trọng, xem xét, đánh giá nhiều chiều, cần có sự nghiên cứu và đóng góp ý kiến từ các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia...trước khi có kết luận chính thức về vấn đề này.

Thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải.
Thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải.

Thành Điện Hải trước gọi là Đồn Điện Hải, được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn vào năm 1812, dưới thời Vua Gia Long. Đến năm 1823, đời vua Minh Mạng, Đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay và đến năm 1835, được đổi tên là Thành Điện Hải. Trải qua gần 200 năm lịch sử, chịu sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh, Thành Điện Hải đã bị xuống cấp trầm trọng.

Năm 1988, Thành được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia, tuy nhiên, Thành đã không được bảo vệ, tu bổ mà còn bị xâm hại nặng nề hơn. Từ năm 2016, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp như giải tỏa khu nhà làm việc Trung tâm Thể thao Người lớn tuổi, CLB Thái Phiên; dừng hẳn dự án xây dựng Trung tâm lưu trữ thành phố ở phía Bắc, vận động 80 hộ dân chuyển dời nhà cửa ra khỏi tường thành ở phía Tây, quyết định chuyển Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay ra khỏi di tích... để bảo vệ Thành Điện Hải.

Với những động thái như vậy, Thành Điện Hải đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. TP Đà Nẵng cũng tiến hành dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản