D&B - “chiếc áo quá khổ” hay “cuộc đua” mới của các nhà thầu Việt?
T.H - 19/04/2018 18:08
 
Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản trong năm qua, D&B (thiết kế và thi công) đang được cân nhắc để trở thành mô hình hoạt động mang tính cạnh tranh của các công ty xây dựng Việt Nam.

D&B - cũ của thế giới, mới của Việt Nam

Nổi lên trong ngành công nghiệp xây dựng của thế giới từ đầu thế kỷ XXI, D&B là một mô hình trọn gói, kết hợp giữa việc thiết kế và thi công. Những năm qua, khi nhiều dự án xây dựng ở Việt Nam thường xuyên bị chậm tiến độ, vượt chi phí hoặc bị đình hoãn - mà phải đến năm 2017, tình hình mới được cải thiện, D&B đã xuất hiện nhằm thay thế phương thức truyền thống là D&B&B (thiết kế & đấu thầu & thi công).

.
D&B là mô hình mang tính thời đại - hiện đại và đa năng, mang lại lợi ích lớn cho các nhà thầu, các công ty xây dựng và cả chủ đầu tư.

Không khó để lý giải tại sao các nhà thầu hiện nay lại ưa chuộng D&B đến vậy. Là một mô hình mang tính thời đại - hiện đại và đa năng, D&B mang lại lợi ích lớn cho các nhà thầu, các công ty xây dựng và cả chủ đầu tư.

Thứ nhất là tính chủ động trong khâu thiết kế, quản lý tiến độ dự án. D&B giúp giảm thiểu những công đoạn không còn cần thiết như phải phân chia ra nhiều gói thầu nhỏ để quản lý hay tranh chấp trong quá trình thực hẹn, gây ảnh hưởng tới tiến độ chung.

Thứ hai, giúp tối ưu hóa quá trình thiết kế. Nói cách khác, D&B sẽ là cầu nối gắn kết giữa người thiết kế và nhà thi công một cách chặt chẽ, nhờ thế mà tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, thậm chí tiết kiệm cả thời gian khi có những điểm mà người thiết kế làm chưa hợp lý.

Thứ ba, giúp tiết kiệm chi phí. Rõ ràng, việc đảm bảo áp dụng đúng mô hình giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí như phí thiết kế, tư vấn, điều hành..., qua đó, vừa đảm bảo được lãi gộp, vừa có giá thành cạnh tranh.

Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên, số doanh nghiệp làm D&B ở nước ta hiện nay lại ít đến vậy và nếu có thì chủ yếu là những nhà thầu uy tín như Coteccons Group, Hòa Bình Corp...

Lý do là, đối với trình độ phát triển của ngành ở Việt Nam, ứng dụng D&B vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt khi áp dụng vào những dự án có quy mô lớn và phức tạp. Đó là hạn chế đến từ thực trạng thiếu kinh nghiệm, nhất là khi các dự án xây dựng thường chịu sự tác động lớn của điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội, của truyền thống văn hóa và đặc biệt là con người. 

Hơn nữa, thực tế là, những doanh nghiệp nội địa còn thiếu bộ máy quản lý chuyên nghiệp, hầu hết vẫn chỉ quen thuộc với mô hình D&B&B, mặc dù xu hướng D&B đã xuất hiện trên thế giới từ lâu. Điểm này khác với những nhà thầu nước ngoài đã làm D&B nhiều, do họ có bộ máy sản xuất và những tiêu chí về vật liệu, thiết kế rất chuyên nghiệp, mang lợi thế cạnh tranh lớn hơn các nhà thầu Việt.

“Cuộc đua” mới và những nguyên tắc thiết yếu

Từ đầu năm ngoái, đã xuất hiện cuộc “chạy đua” giữa các nhà thầu lớn khi liên tục ký kết thực hiện những dự án có giá trị hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng theo phương thức D&B. Chẳng hạn, Coteccons Group làm hai dự án mới là khách sạn Hilton Sài Gòn và Nhà máy Paihong (giai đoạn I); Unicons, công ty thành viên của Coteccons Group với Dự án quần thể Đại học Văn Lang cơ sở 3 (giai đoạn I); Hòa Bình Corp trúng tổng thầu sân golf Đầm Vạc và khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm - Đầm Vạc... 

Mặc dù cuộc đua này mới chỉ diễn ra giữa số ít công ty xây dựng lớn và uy tín, song sự trưởng thành trong lĩnh vực D&B của nhóm doanh nghiệp tiên phong sẽ đánh thức tiềm năng cạnh tranh bình đẳng với các nhà thầu nước ngoài, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa với các đối tác tư vấn thiết kế, kỹ thuật giàu kinh nghiệm trên thế giới.

Tuy nhiên, để thực sự phát huy được thế mạnh của D&B, các nhà thầu không những cần sở hữu trực tiếp nhà xưởng, mà còn phải quản lý trực tiếp các nguồn vật tư, nhân sự và kinh nghiệm đặc biệt trong quá trình thực hiện song song hai công việc: thiết kế và thi công. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, tích hợp các chức năng và lĩnh vực hoạt động cũng đang là xu hướng của các chủ đầu tư và nhà thầu lớn, nhất là dưới sự hỗ trợ từ công nghệ và kỹ thuật hiện đại. 

Tuy nhiên, nguyên tắc quan trọng nhất đối với các nhà thầu - một nguyên tắc không mới, nhưng luôn cần thiết - chính là ý thức đạo đức và tinh thần trách nhiệm khi đứng trước những cám dỗ. Khi được giao dự án D&B, nhà thầu có vai trò rất lớn. Họ có thể yêu cầu hoặc đề xuất những phương án thiết kế tối ưu cho mình, nhưng phải tránh được những cám dỗ về lợi nhuận bởi có vai trò, tiếng nói nhất định trong khâu thiết kế.

Với những bước tiến như hiện nay và kết quả đạt được của nền kinh tế năm 2017, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, “chiếc áo D&B” khổ lớn vẫn còn, song đã không còn “ngoại cỡ”. Và có thể không bao lâu nữa, D&B sẽ trở thành cuộc đua tranh quyết liệt trên thị trường giữa các nhà thầu trong và ngoài nước. 

Khi ấy, bên cạnh các yếu tố về nguồn lực, tài chính, nhân sự hay hợp đồng, bề dày kinh nghiệm và uy tín đã được khẳng định của doanh nghiệp chắc chắn sẽ là giá trị cốt lõi để các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng” đối với những nhà thầu có đủ khả năng triển khai mô hình trọn gói D&B chất lượng nhất, có trách nhiệm nhất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản