Cửa hẹp với tín dụng bất động sản năm 2019
Thùy Vinh - 17/01/2019 14:59
 
Với việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản, tín dụng bất động sản trong năm nay được dự báo eo hẹp hơn.

Siết dần vốn vào lĩnh vực rủi ro

Kể từ đầu tháng 1/2019, các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN. Đồng thời, Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành ngày đầu tiên của năm 2019 của Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng phải giảm nợ xấu nội bảng, kiểm soát tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng trưởng tín dụng cần đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, Thủ tướng giao tỷ lệ nợ xấu nội bảng ngành ngân hàng hết năm 2019 về 2%.

Thực tế, không phải đến năm 2019, tín dụng lĩnh vực rủi ro mới được siết lại, mà trước đó, chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn kiểm soát tín dụng ở lĩnh vực này, nhất là với bất động sản. Năm nay, vốn vào bất động sản sẽ được siết chặt hơn, bởi vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% xuống 40% theo Thông tư Thông tư 19/2017/TT-NHNN, trong khi hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%. Điều này sẽ khiến van tín dụng bất động sản hẹp dần.

Thêm vào đó, theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, hệ số an toàn vốn (CAR) dự kiến giảm từ 9% xuống 8% theo chuẩn Basel II, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Các điều kiện quy định trong Basel II khắt khe hơn, liên quan đến tổng tài sản có, rủi ro về lãi suất, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Trong đó, tổng tài sản có liên quan đến hoạt động cấp tín dụng của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Vì thế, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thị trường bất động sản sẽ đối mặt thách thức khi dòng vốn từ ngân hàng càng siết chặt hơn trong năm 2019 và sau đó.

Kiểm soát chặt để tránh “bong bóng”

Trong thời gian sắp tới, NHNN sẽ tiếp tục siết chặt dòng vốn đổ vào bất động sản, đồng thời hướng quản trị rủi ro theo chuẩn mực của thế giới. Vì thế, không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà cá nhân vay mua nhà cũng khó khăn hơn trong tiếp cận vốn. Dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng cũng đã tăng chậm lại.

Thống đốc NHNN, ông Lê Minh Hưng cho biết, NHNN thực hiện nhất quán và kiên định với chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thông qua ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản, kiểm soát chặt chẽ dư nợ và tập trung thanh tra cảnh báo các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro.

Thậm chí, khả năng tiếp tục giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là điều được lãnh đạo NHNN cho biết sẽ sớm được thực hiện. Theo đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể giảm từ 40% năm 2019 xuống còn 35% từ đầu năm 2020 và tiến tới tỷ lệ 30% trong thời gian sau đó.

Trong khi đó, hệ số rủi ro trong cho vay bất động sản sẽ tăng dần đối với các khoản vốn cho vay kinh doanh, đầu tư bất động sản tiềm ẩn rủi ro cao, theo hướng tăng từ 150% lên 200% và lên 250 - 300%, nếu cần thiết. Ngược lại, sẽ xem xét giảm dần hệ số này đối với các khoản vốn cho vay bất động sản rủi ro thấp…

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc siết dần vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và xem xét tăng, giảm hệ số rủi ro đối với cho vay bất động sản là cần thiết, nhằm tránh “bong bóng” tín dụng bất động sản.

Các nhà phân tích tài chính cũng nhận định, việc thắt chặt tín dụng nói chung và tín dụng bất động sản nói riêng trong năm nay sẽ có những tác động tới các nhà kinh doanh bất động sản. Đồng thời, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng vay mua nhà. Dẫu vậy, việc thắt chặt tín dụng bất động sản được cho là điều cần thiết để sàng lọc các chủ đầu tư, giúp thị trường bất động sản tăng trưởng bền vững hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản