Chuyên gia Nhật: "Phải nói thật là chất lượng xây dựng các tòa nhà tại Việt Nam quá kém"
Nhà tắm được đánh dốc không tốt khiến nước đọng; gió xuyên qua khung cửa với tường; chức năng cách nhiệt kém; nhà trên dội nước, nhà dưới nghe được… là tình trạng ở một số chung cư cao cấp tại Việt Nam được chuyên gia Nhật Bản chỉ ra.
Ông Akihiko Iwatani, quản lý cao cấp, kiêm Trưởng đại diện Văn phòng Haseko Corporation (Nhật Bản) tại Hà Nội
Ông Akihiko Iwatani, quản lý cao cấp, kiêm Trưởng đại diện Văn phòng Haseko Corporation (Nhật Bản) tại Hà Nội

Thực tế buồn

Là người có thời gian sinh sống ở Việt Nam 5 năm, đã sống ở nhiều khu chung cư lớn, cao cấp và có kinh nghiệm về thi công xây dựng chung cư cao cấp, ông Akihiko Iwatani, quản lý cao cấp, kiêm Trưởng đại diện Văn phòng Haseko Corporation (Nhật Bản) tại Hà Nội đánh giá: “Phải nói thật là chất lượng xây dựng các tòa nhà tại Việt Nam quá kém. Một số căn hộ tôi ở trước đây, thậm chí đứng ở cạnh cửa, gió còn xuyên qua khung cửa với tường”.

Theo ông Akihiko Iwatani, lý do là ở Việt Nam thường làm cửa bằng gỗ thịt, thời gian đầu không sao, nhưng qua một mùa, do ẩm mốc, co giãn khiến cửa khó, thậm chí không đóng được.

Hiện tại, chuyên gia này cũng đang ở một căn hộ trong khu chung cư hạng sang tại Hà Nội, nhưng theo đánh giá của ông, thì chất lượng khu chung cư này cũng vậy. Bồn tắm đánh dốc không tốt, nắp của ống thoát nước cũng không chuẩn, nên nước bị ứ đọng nhiều, phải nhấc nắp lên nước mới trôi nhanh.

Phải nói thật là chất lượng xây dựng các tòa nhà tại Việt Nam quá kém. Một số căn hộ tôi ở trước đây, thậm chí đứng ở cạnh cửa, gió còn xuyên qua khung cửa với tường.

“Một số tính năng cách nhiệt cũng đã làm trong các chung cư cao cấp ở Vệt Nam, nhưng thực tế, quá trình thi công quá ẩu nên tính năng này không được phát huy hoàn toàn. Ống thoát nước chẳng hạn, nếu tầng trên xả thì tầng dưới vẫn nghe. Đây là vấn đề cách âm, chi phí không đáng bao nhiêu, nhưng các nhà thầu thi công không làm được”, ông Akihiko Iwatani đánh giá và cho biết thêm, nếu các nhà thầu thi công ở Việt Nam thay đổi một chút, thì mặt bằng chất lượng chung cư Việt Nam sẽ không kém như bây giờ.

Đó là các chung cư cao cấp, còn chất lượng các chung cư thương mại bình dân, nhà ở xã hội thì khỏi phải nói. Nhiều chung cư, cư dân vừa chuyển về sinh sống một thời gian ngắn đã xuống cấp, mảng vữa ở trần rơi, tường bị nứt, thấm, dột…, gây bức xúc cho cư dân.

Lý do vì đâu?

Việc xây dựng các chung cư cao tầng, nhất là đối với phần nền móng và kết cấu chịu lực đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn nhiều so với nhà thấp tầng, không phải công ty xây dựng nào cũng có thể nhận thầu. Trong khi đó, phần trát, lát nội thất thường được giao cho các thầu phụ có năng lực không đồng đều, công tác giám sát cũng có phần lơi lỏng, nên dễ xảy ra sự cố do chất lượng thi công kém.

Sự cố về phần móng nếu xảy ra thường là do sai sót trong khâu khảo sát địa chất công trình hoặc do ăn bớt vật liệu, hoặc độ sâu của cọc. Sự cố thường xuyên hơn là không che chắn kỹ vách đất khi đào hố móng sâu, khiến vách bị sụt lở, gây sụt lún nghiêm trọng cho nền móng công trình kế cận...

Cũng có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình chung cư tại Việt Nam kém là do công nghệ của chúng ta còn lạc hậu, nhưng điều này chưa hẳn. Dù thế giới xuất hiện những công nghệ xây dựng mới, nhưng không phải cứ có công nghệ mới là tất cả các công nghệ cũ đều không hiệu quả. Trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, để có được công nghệ tiên tiến nhất và ứng dụng được nó vào xây dựng các công trình, trong đó có các tòa nhà chung cư không phải đơn giản.

Trong khi đó, công nghệ của chúng ta hiện nay cũng là học của thế giới và đã được các nước tiên tiến ứng dụng nhiều, nên hoàn toàn có thể áp dụng vào thi công hiệu quả. Chẳng hạn, bên cạnh công nghệ đo đạc, công nghệ hiệu ứng lực, sàn hiệu ứng lực cũng đã được ứng dụng rất hiệu quả tại Việt Nam trong việc xây dựng tòa nhà cao tầng, giúp làm nhẹ và tiết kiệm nguyên vật liệu. Hay như vấn đề ván khuôn để làm nhà, ngày nay chúng ta đã dùng ván khuôn thép, ván khuôn nhựa, nên rất phẳng và tốt, chứ không phải ván khuôn gỗ, dễ bị cong như ngày xưa.

Mặt khác, về khuôn khổ pháp lý giám sát chất lượng xây dựng đã được quy định rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, công tác giám định tư pháp ít được sử dụng để xác định trách nhiệm, khâu bảo hành bị coi nhẹ; khắc phục hậu quả thường chậm trễ; chế tài xử phạt còn chưa nghiêm, khiến các nhà thầu thi công, chủ đầu tư vẫn chưa chú trọng nâng cao chất lượng công trình.

Thiết nghĩ rằng, để có một điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn trong kiến trúc thượng tầng, góp phần xây dựng xã hội ngày một phát triển thịnh vượng, những nhà thầu thi công các công trình xây dựng cần nghiêm khắc hơn với mình. Nếu không tự nghiêm khắc với chính mình để nâng cao chất lượng thi công công trình, sớm hay muộn, các nhà thầu này sẽ bị đào thải, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản