CEO Hưng Thịnh Land: Các trái chủ rất lo ngại doanh nghiệp có tồn tại được không
Trọng Tín - 08/02/2023 14:07
 
Lãnh đạo Hưng Thịnh Land kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét phương án hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại và phát triển tốt, để các trái chủ yên tâm đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào sáng 8/2, ông Lê Trọng Khương, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, kênh huy động trái phiếu bất động sản đang rất khó khăn, trong khi trái phiếu doanh nghiệp vốn là một kênh huy động nguồn tiền rất tốt cho doanh nghiệp.

Để giải quyết tình trạng này, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành xem xét có phương án để hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại và phát triển tốt. Có như vậy, các trái chủ mới cảm thấy yên tâm đầu tư.

“Câu chuyện nằm ở chỗ Ngân hàng Nhà nước nới lỏng room cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư, phát triển bất động sản. Lúc đó, doanh nghiệp mới phát triển lành mạnh và nhà đầu tư trái phiếu mới quay trở lại thị trường. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các trái chủ đang rất lo ngại về việc doanh nghiệp có tồn tại được hay không, có bán được sản phẩm không? Do đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới lỏng room và cơ cấu lại nhóm nợ”, ông Khương nói.

a

Lãnh đạo Hưng Thịnh Land đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới room cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh và đầu tư

Ông Khương cho rằng, việc gia hạn nợ cũng là điều kiện để hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo cho các doanh nghiệp.

Vấn đề thứ hai, lãi suất hiện nay đang ở mức rất cao. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ở tâm thế chờ đợi. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao cũng ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm được đưa ra thị trường.

“Hưng Thịnh Land cũng có kế hoạch xây nhà ở xã hội, cần huy động vốn, nhưng đang gặp bế tắc. Chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nghiên cứu mức lãi suất phù hợp, hỗ trợ cho doanh nghiệp tạo ra sản phẩm vừa túi tiền cho người dân”, ông Khương nói.

Ngoài ra, việc tháo gỡ ách tắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp xử lý vướng mắc về nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Theo ông Lê Trọng Khương, ách tắc pháp lý tại rất nhiều dự án, đặc biệt ở phía Nam, khiến chính các ngân hàng thương mại quan ngại và đặt ra nhiều biện pháp phòng ngừa. Do đó, nếu giải được bài toán pháp lý, không những giá thành bất động sản được điều chỉnh mà nguồn vốn cho doanh nghiệp cũng được khơi thông.

Liên quan đến vấn đề này, trong kiến nghị mới nhất gửi đến Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thông tin, hiện nay, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp bất động sản vay tín dụng phải có dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và tài sản bảo đảm cho khoản vay. Đây là yêu cầu theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại còn đòi hỏi doanh nghiệp bất động sản phải có giấy phép xây dựng.

"Giấy phép xây dựng là “giấy phép con” làm khó cho doanh nghiệp bất động sản và không nằm trong điều kiện để được vay vốn tín dụng", HoREA phân tích.

HoREA nhận định, năm 2023 là năm quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp bất động sản. Tình hình sẽ rất khó khăn nếu các doanh nghiệp không được hỗ trợ giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. Vì vậy, theo HoREA, nhu cầu và nguyện vọng của các doanh nghiệp bất động sản là được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản