Cãi kiểm toán, doanh nghiệp dùng chiêu đánh bóng báo cáo tài chính
 
Theo “chấm điểm” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), còn nhiều sai sót trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng. Điều này khiến tính minh bạch trên TTCK bị… “điểm trừ”.
Không ít doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ các quy định trong lập báo cáo tài chính
Không ít doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ các quy định trong lập báo cáo tài chính

Cần xử lý doanh nghiệp “cãi” kiểm toán

“Qua giám sát chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) của các công ty đại chúng, UBCK nhận thấy, vẫn có DN chưa đáp ứng đầy đủ các quy định trong lập BCTC. Cùng với đó, còn tồn tại không ít hạn chế cần khắc phục trong BCTC kiểm toán do các tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện”, bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch UBCK nói tại Hội nghị lưu ý các sai sót và vướng mắc thường gặp trong lập và kiểm toán BCTC của công ty đại chúng, do Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính), UBCK và VACPA vừa phối hợp tổ chức.

“Sai sót trong BCTC tác động xấu đến tính minh bạch trên TTCK”
Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước



Chất lượng BCTC của các công ty đại chúng còn nhiều điểm hạn chế, đang tác động không tích cực đến nỗ lực cải thiện tính minh bạch trên TTCK.

Với mục đích nâng cao chất lượng BCTC (chưa và đã kiểm toán), qua đó góp phần gia tăng tính minh bạch, khách quan trên TTCK, Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính), UBCK, VACPA nỗ lực tổ chức Hội nghị lưu ý các sai sót và vướng mắc thường gặp trong lập và kiểm toán BCTC của công ty đại chúng. Sự kiện này là một trong những hoạt động mang tính giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin công bố trên TTCK, qua đó bảo vệ NĐT tốt hơn, cải thiện sự phát triển lành mạnh của TTCK.

Các sai sót trong BCTC của các công ty đại chúng, theo TS. Hà Thị Ngọc Hà, Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn của VACPA, do lỗi của các DN và của cả kiểm toán viên.

Ở khía cạnh lỗi của DN, các sai sót hay xảy ra là DN chưa phân loại đúng tài sản và nợ phải trả ngắn hạn, dài hạn; chưa ghi nhận và thuyết minh đúng quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán DN; số liệu giữa các BCTC có những điểm sai, mâu thuẫn.

Các DN còn hay mắc phải sai sót trong ghi nhận doanh thu như: chưa phân biệt doanh thu kế toán và doanh thu, thu nhập khác chịu thuế. DN ghi nhận doanh thu theo tiến độ phát hành hóa đơn, trong khi lẽ ra phải theo tiến độ hoàn thành. Doanh thu và giá vốn không được ghi nhận cùng một thời điểm, hoặc hạch toán không chính xác giữa doanh thu chưa thực hiện với doanh thu đã thực hiện...

Một sai sót thường gặp nữa là DN hạch toán các khoản chi phí không được khấu trừ thuế vào lợi nhuận sau thuế, dẫn đến không phản ánh đúng chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh. Không ít DN còn không trích lập dự phòng, hoặc trích lập dự phòng không đầy đủ do quan niệm chỉ dự phòng khi không đòi được.

Liên quan đến các sai sót khi trình bày BCTC kiểm toán, bà Hà chỉ rõ, có sự nhầm lẫn giữa hai loại vấn đề là sai sót trong BCTC và không đủ bằng chứng. Nếu kiểm toán viên kết luận hạch toán trong BCTC là sai, nhưng không thể ước tính điều chỉnh, thì trường hợp này vẫn là BCTC có sai sót trọng yếu, chứ không phải thuộc trường hợp không đủ bằng chứng.

“Không ít BCTC kiểm toán của các công ty đại chúng có nhiều điểm ngoại trừ. Thậm chí, có BCTC kiểm toán viên đưa ra nội dung ngoại trừ dài đến 3 trang. Ngoại trừ như vậy là quá tràn lan”, bà Hà nói và cho biết thêm, khi phát hiện các sai sót trọng yếu trong BCTC như: chính sách kế toán sai, các khoản mục trên BCTC bị ghi thiếu hoặc thừa, thuyết minh sai sự kiện…, kiểm toán viên đề nghị lãnh đạo DN khắc phục, nhưng nhiều công ty không điều chỉnh. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi sự thay đổi của chính DN, cũng như cần tăng sức ép từ nhà quản lý.

“Tôi đến làm việc với một DN niêm yết, thì phát hiện họ có tòa nhà cao tầng vừa sử dụng làm trụ sở làm việc, vừa cho thuê đến 2/3 diện tích. Thế nhưng, trong BCTC của DN đó không có doanh thu từ hoạt động đầu tư bất động sản. Khi kiểm toán viên chỉ ra sai sót này, các DN cần tự giác điều chỉnh, để đảm bảo tính chuẩn xác”, bà Hà khuyến nghị.

Liên quan đến hướng tăng sức ép từ nhà quản lý đối với các DN “cãi” khuyến nghị của kiểm toán viên, giới chuyên gia cho rằng, với tư cách là cơ quan chấp thuận cho các công ty kiểm toán được phép kiểm toán cho các công ty có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, UBCK cần yêu cầu các công ty niêm yết tuân thủ các đề xuất hợp pháp của kiểm toán viên. Đây là giải pháp nhằm góp phần đảm bảo độ “sạch”, chuẩn xác cho các BCTC kiểm toán, tránh rủi ro cho các bên sử dụng loại báo cáo này. 

Nhiều chiêu “đánh bóng” BCTC

“Sắp ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 200/2014 về tỷ giá”

Ông Trịnh Đức Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ tài chính
Ông Trịnh Đức Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính

Dự kiến, ngay trong tháng 3 này, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán DN để giải quyết các bất cập về chênh lệch, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Trong phản hồi của các DN, không có ý kiến nào nói Thông tư 200/2014/TT-BTC có nội dung bất ổn lớn. Tuy nhiên, khi cân nhắc giữa chi phí DN phải bỏ ra để tuân thủ có thể lớn hơn lợi ích thu được, Bộ Tài chính nhận thấy, cần có phương án tối ưu hơn để giúp DN tiết kiệm chi phí, trong khi không làm sai lệch trọng yếu đến BCTC. Do đó, dự kiến Bộ sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 200/2014/TT-BTC trong vòng 10 ngày tới. Các hướng dẫn mới này chỉ liên quan đến nội dung về tỷ giá và sẽ áp dụng hồi tố cho BCTC năm 2015.

Theo lãnh đạo Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính, thời gian qua có tình trạng DN sử dụng một số chiêu lách quy định để “làm đẹp” BCTC. Chẳng hạn, DN có một khoản nợ quá hạn thanh toán, họ liền ký với đối tác hợp đồng gia hạn khoản nợ để từ chỗ phải trích lập thành không trích lập dự phòng. Điều này dẫn đến không ít trường hợp “bóp méo” BCTC, từ lỗ thành lãi. Tuy gia hạn nợ là quyền dân sự của DN, nhưng việc này không được phép thực hiện khi lập BCTC.

Không chỉ lách như vậy, theo bà Hà Thị Ngọc Hà, có DN còn không trích lập dự phòng cho tài sản và nợ phải trả; không phản ánh đúng tài sản và nguồn vốn, doanh thu, chi phí; thuyết minh BCTC không đầy đủ các nội dung theo quy định… đã biến DN từ lỗ thành lãi, gây rủi ro cho các bên sử dụng BCTC.

Một chiêu lách khác để “đánh bóng” BCTC, qua đó tác động “kích” giá cổ phiếu, là công ty mẹ tuyên bố sẽ thanh lý công ty con trong thời gian ngắn, với hàm ý họ chỉ kiểm soát công ty con tạm thời, từ đó loại trừ công ty con ra khỏi BCTC hợp nhất. Đại diện Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán khẳng định, hành vi này là sai trái, bởi theo quy định hiện hành, quyền kiểm soát của công ty mẹ chỉ là tạm thời phải được xác định ngay tại thời điểm mua cổ phần của công ty con, chứ không phải khi lập BCTC.

Nếu tại thời điểm mua mà công ty mẹ đã phân loại khoản đầu tư là công ty con, sau đó công ty mẹ dự kiến thoái vốn trong thời gian dưới 12 tháng, hoặc công ty con dự kiến phá sản, giải thể, sáp nhập, chấm dứt hoạt động trong thời hạn dưới 12 tháng, thì không được coi là quyền kiểm soát tạm thời.

Kết quả hoạt doanh của công ty con phải được đưa vào BCTC hợp nhất kể từ ngày công ty mẹ nắm quyền kiểm soát công ty con và chấm dứt vào ngày công ty mẹ thực sự chấm dứt quyền kiểm soát công ty con. Khoản đầu tư vào DN phải hạch toán theo Chuẩn mực kế toán “Công cụ tài chính” kể từ khi DN đó không còn là công ty con và cũng không trở thành công ty liên doanh, liên kết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản