Cà Mau: Chống sạt lở hiệu quả nhờ đê trụ rỗng
NT - 19/10/2017 08:12
 
Trong một năm qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai thí điểm đoạn kè đê trụ rỗng để phòng, chống sạt lở ở bờ biển Tây. Qua đánh giá bước đầu, loại kè này đang phát huy hiệu quả.
Đoạn kè đê trụ rỗng được đặt thử nghiệm tại đoạn từ Vàm Đá bạc đến Vàm Kênh Mới
Đoạn kè đê trụ rỗng được đặt thử nghiệm tại đoạn từ Vàm Đá bạc đến Vàm Kênh Mới

Nguyên lý hoạt động của đê trụ rỗng là sử dụng các lỗ trên bề mặt của hình trụ rỗng để tiêu sóng, có thể cắt sóng từ bên ngoài, vận chuyển nước phù sa vào bên trong để gây bồi.

Nguyên lý tiêu giảm sóng là khi sóng đến gặp đê trụ rỗng, các đường dòng hướng tâm va đập vào nhau, sóng bị tiêu năng ngay trong bụng đê nên giảm chiều cao leo, giảm sóng phản xạ, giảm lực tác động vào công trình do năng lượng đã bị tiêu hao.

Tải trọng tác dụng vào đê trụ rỗng hướng tâm, lực ngang chuyển thành lực nén. Vì giảm áp lực sóng tác động lên công trình, nên giảm tải trọng tác dụng lên kết cấu, độ ổn định được nâng cao.

Đê trụ rỗng được đúc sẵn trong nhà máy đưa ra lắp đặt nên kiểm soát được toàn bộ chất lượng. Khi cần chúng ta có thể di chuyển đến vị trí mới để tái sinh rừng phòng hộ.

Cụ thể, kết cấu đê trụ rỗng được chế tạo bằng bê tông cốt thép, chế tạo theo hình nguyên đơn. Chiều dài của một đoạn nguyên đơn khoảng 3 m, bè rộng thân đê tính từ mép mặt trước đến mặt sau rộng 3.5 m. Trên bản đáy đê bố trí dạng kết cấu hình sóng với chiều dài rộng bước sóng 50 cm làm tăng diện tích tiếp xúc giữa kết cấu đê và nền công trình. Chiều dài lớn nhất trên bản đáy đê tính từ mép trên xuống đáy răng liên kết dày 30 cm, chiều dày mỏng nhất trên bản đáy đê dày 15 cm. Mặt trước, tức phía biển, bố trí 30 lỗ. Mặt sau, tức phái trong bờ bố trí 9 lỗ, để giảm sóng.

Đê trụ rỗng dễ dàng vận chuyển lắp đặt
Đê trụ rỗng dễ dàng vận chuyển lắp đặt

Đê trụ rỗng đặt thí điểm ở đê biển Tây tỉnh Cà Mau có bề rộng đế 350 cm; cao 260 cm, giá thành thử nghiệm khoảng 22 tỷ đồng/km, tương đương với mức đầu tư kè ly tâm dự ứng lực đã được tỉnh Cà Mau đầu tư trong thời gian qua. Tuy nhiên, công nghệ kè đê trụ rỗng có ưu điểm hơn kè ly tâm dự ứng lực vì có thể dễ dàng di dời đến nơi khác để tận dụng lại.

Sau một năm thí điểm kè đê trụ rỗng ở đoạn từ Vàm Đá bạc đến Vàm Kênh Mới, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho thấy, phù sa đã bồi lắng bên trong đê trụ rỗng dày lên trung bình khoảng 7cm, góp phần ổn định đê và tái sinh rừng phòng hộ.

Hiện tại, tỉnh Cà Mau đang tiếp tục theo dõi để xác định kỹ hơn chất lượng, hiệu quả do công nghệ kè đê trụ rỗng mang lại. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu giảm giá thành xây dựng kè để trụ rỗng nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả công trình tiêu sóng, gây bồi, chống sạt lở và phục hồi rừng phòng hộ.

Nếu thật sự hiệu quả, tỉnh Cà Mau sẽ kiến nghị các Bộ và Chính phủ được áp dụng rộng rãi giải pháp công trình này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản