Bình Phước mời gọi doanh nghiệp đầu tư 18 dự án nhà ở xã hội
Lê Quân - 15/09/2022 16:43
 
Từ nay đến năm 2030, tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với tổng diện tích 173 ha để giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho 133.000 người.

Ngày 15/9, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội. 

Ông Võ Tất Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh đã duyệt đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng 44.000 người, đến năm 2030 giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho 133.000 người.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, từ nay đến 2030, Bình Phước sẽ triển khai thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích 173 ha. Trong năm 2022, Bình Phước mời gọi đầu tư nhà ở xã hội vào 9 dự án với tổng diện tích hơn 62 ha, quy mô từ 12.600-16.900 căn hộ cho 41.000 - 50.000 người, chủ yếu là công nhân lao động.

Hội nghị
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước chủ trì hội nghị kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội. Ảnh: Mai Thanh 

Nói về thực trạng nhà ở cho công nhân hiện nay, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh Bình Phước hiện nay có 12/15 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với khoảng 73.000 lao động làm việc, nhu cầu nhà ở cho người lao động khoảng 22.000 người. Trong khi trên địa bàn tỉnh Bình Phước mới có 2 dự án nhà ở xã hội là quá ít so với nhu cầu thực tế.

Thực tế hiện nay hầu hết các khu công nghiệp chỉ tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và chú trọng tới lợi ích kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động.

Điều này đã bộc lộ trong đại dịch Covid-19 vừa qua, do không có nhà lưu trú cho công nhân nên không đảm bảo được việc thực hiện “3 tại chỗ”. Đó là chưa kể quỹ đất 20% để thực hiện xây nhà ở xã hội hay nhà lưu trú cho công nhân nhiều nơi không có hoặc không được triển khai.

Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước cho biết, một trong những yếu tố giúp khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chính là đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động, với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đây là bước cơ bản đầu tiên để cải thiện, nâng cao trình độ lao động.

Về phía các nhà đầu tư, Công ty cổ phần Sản xuất - Xây dựng - Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương kiến nghị, Bình Phước cần tạo cơ chế cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với quỹ đất “sạch” đã được đền bù, chuyển mục đích sử dụng hoặc đã đầu tư cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho việc xây dựng công trình.

Về thủ tục cần xem xét rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian phê duyệt dự án. Khi nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian và chi phí đầu tư, giá bán nhà ở xã hội tốt hơn, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp và công nhân có cơ hội mua nhà.

Về giá bán, doanh nghiệp kiến nghị, Nhà nước cần cho phép nhà đầu tư được tự quyết định giá bán vì trên thực tế, nhà ở xã hội được ưu đãi về thuế đất nhưng bị khống chế về giá, lợi nhuận, trong khi nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro trong suốt quá trình làm dự án  như trượt giá nguyên vật liệu, chi phí lãi vay, giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng.

Ngoài ra, Nhà nước cần cho phép tăng mật độ xây dựng và không cứng nhắc trong quy định mẫu thiết kế nhà, cho phép nhà đầu tư được tự quyết định số tầng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại khu vực thực hiện dự án để nâng cao hệ số sử dụng đất nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cuối cùng, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần triển khai thêm các chương trình tín dụng hỗ trợ nhà đầu tư vay vốn ưu đãi để đầu tư xây nhà ở xã hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản