Bất động sản TP.HCM: Rầm rộ săn quỹ đất
Gia Huy - 08/04/2017 10:25
 
Cuộc đua săn quỹ đất đang được các doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM tiến hành rầm rộ, trong đó, đất của các công ty, xí nghiệp nhà nước được nhắm tới nhiều nhất.

Cuộc đua tìm quỹ đất

Thông tin từ Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) cho biết, đơn vị này đang muốn bán quỹ đất lớn mà doanh nghiệp này từng lập Dự án The EverRich 3 tại quận 7.Đây là khu đất được PDR có được nhờ vào dự án BT đã thực hiện trước đó.

Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, có khá nhiều doanh nghiệp địa ốc muốn M&A dự án này. Tuy nhiên, giá mà chủ đầu tư chào bán lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc, dù lô đất có vị trí thuận lợi khi đối diện Khu Thương mại tài chính quốc tế Phú Mỹ Hưng.

.
Bất động sản là một lĩnh vực có mức độ M&A sôi động nhất hiện nay.

Cuối năm 2016, PDR đã thực hiện xong một thương vụ M&A với HungThinhLand, thương vụ này được PDR thoát cảnh khó khăn về tài chính còn HungThinhLand có được quỹ đất đẹp gần Sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).

Bước sang năm 2017, cuộc đua tìm quỹ đất càng được các doanh nghiệp địa ốc đẩy mạnh, trong đó có những đơn vị chấp nhận mua cả những dự án “chết lâm sàng” để tái khởi động.

Đơn cử, giữa tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia Investment) cùng với Quỹ đầu tư Creed Group đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc Dự án Khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7) từ Tập đoàn Vạn Phát Hưng (VPH).

Ông Lương Sỹ Khoa, Phó chủ tịch HĐQT An Gia Investment cho biết, dự án này có quy mô khoảng 6 ha với 2.000 căn hộ bao gồm cả office-tel, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.

Những thương vụ M&A 2016, đầu 2017:

 Năm 2016: Keangnam Enterpres bán Dự án Keanam Landmark Tower cho Mirae Asset & AON BGN trị giá 382,5 triệu USD; Tập đoàn Bitexco bán 45% Dự án The Manor Centrel Park cho Tập đoàn Mitsubisshi với giá 300 triệu USD; Liên doanh Tiến Phước JV, Trần Thái và JV Gaw Capital bán Dự án Empire City cho Keppel Land Ltd giá 234,85 triệu USD. An Gia Investment bán nhiều dự án cho Greed Group giá 200 triệu USD…

Bước vào năm 2017 Công ty TNHH Keppel Land (Keppel Land) chi 845,9 tỷ đồng mua lại 16% cổ phần tại Keppel Land WATCO I đến V của các công ty liên doanh phát triển dự án Saigon Centre tại TP.HCM; An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group chi 910 tỷ đồng mua lại Dự án La Casa (quận 7).

“Dự án này đã ngưng trệ từ năm 2013, do ảnh hưởng của khủng hoảng thị trường giai đoạn 2009-2013. Dự án dự kiến sẽ được mở bán vào quý III/2017 và được triển khai theo từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn, từ lúc mở bán đến lúc bàn giao căn hộ, trung bình khoảng 2 năm”, ông Khoa nói.

“Đất sạch” lên ngôi trong M&A địa ốc

Trên cuộc đua tìm quỹ đất, nhiều doanh nghiệp ưu tiên  tìm mua quỹ “đất sạch” để phát triển dự án. Đây là đất do các doanh nghiệp nhà nước thuê 50 năm của TP.HCM, sau khi làm ăn khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa và bán quỹ đất.

Trong số doanh nghiệp tìm kiếm “đất sạch”, Đất Xanh được cho là doanh nghiệp mạnh với những thương vụ M&A dạng này. Đơn cử, những dự án đơn vị này đang phát triển tại quận Thủ Đức như Opal Garden, Opal Skyview…  

Không riêng Đất Xanh, ngay cả Vietcomreal, HungThinhLand, NovaLand… cũng đang săn tìm những quỹ đất này để thâu tóm.

Tổng giám đốc một công ty địa ốc lớn tại TP.HCM lý giải, quỹ đất này được ưu tiên lựa chọn là  do lợi thế không phải đền bù giải tỏa, vị trí cũng khá đẹp và đặc biệt là tính pháp lý tốt, dễ hoán đổi từ đất thuê sang đất phát triển dự án bất động sản.

“Những doanh nghiệp nhà nước phát triển mạnh trong những năm 90 thường xin thuê quỹ đất của Thành phố với thời gian hoạt động 50 năm. Sau này, các doanh nghiệp đó làm ăn khó khăn, phải đóng cửa và phá sản, nên quỹ đất này dư thừa nhiều.

Chẳng hạn quỹ đất mà Đất Xanh mua lại từ Xí nghiệp In nông nghiệp tại đường Phạm Văn Đồng; hay quỹ đất mà Vietcomreal mua lại từ Xí nghiệp Pin con Ó tại đường Gia Phú và Võ Văn Kiệt; và quỹ đất mà HungThinhLand mua của Công ty Xây dựng Bình Triệu tại Nguyễn Xí…”, vị tổng giám đốc này nói.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong năm 2017, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án sẽ phát triển mạnh hơn trước, trong đó, bất động sản là một lĩnh vực có mức độ M&A sôi động nhất hiện nay.

Tuy nhiên, cũng theo ông Châu, doanh nghiệp cũng sẽ gặp những khó khăn khi Luật Bất động sản mới có hiệu lực và khi việc định giá quỹ đất thay bằng đấu giá quỹ đất.

Đó là, nếu trước kia, doanh nghiệp địa ốc thực hiện M&A quỹ đất của các doanh nghiệp, xí nghiệp nhà nước thuê của Thành phố thông qua định giá mua với Sở Tài chính, thì nay, Chính phủ quyết định thay định giá bằng đấu giá quỹ đất. Khi đó, quỹ đất sẽ có giá cao hơn và sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản