Bất động sản TP.HCM có biểu hiện mất cân đối
Quỳnh Giang - 17/08/2015 08:13
 
Thị trường bất động sản đang có biểu hiện phát triển mất cân đối, đặc biệt trong phân khúc bất động sản cao cấp.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), thị trường bất động sản TP.HCM 7 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà hồi phục mạnh hơn trên tất cả các phân khúc, đặc biệt trong phân khúc bất động sản cao cấp, với nhiều dự án được khởi công xây dựng, chào bán trên thị trường.

Trong phân khúc bất động sản cao cấp hiện nay đang có xu thế dịch chuyển phát triển sang phía Đông Thành phố, từ bờ Tây sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4), qua quận 2 và một phần quận 9 giáp ranh quận 2.

.

 

Hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A), hợp tác đầu tư bất động sản diễn ra rất mạnh giữa các doanh nghiệp, trong đó nổi bật là vai trò thống lĩnh của các doanh nghiệp trong nước, đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển bất động sản lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng như Vingroup, Novaland, Đại Quang Minh, SSG, Bitexco, Phú Mỹ Hưng, Him Lam, M.I.K, TNR Holdings, Nam Long, Hưng Thịnh, Phúc Khang...

Hiện nay, TP.HCM có 1.407 dự án phát triển bất động sản, trong đó có 689 dự án tạm ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư. Đây cũng là một nguồn dự án tiềm năng cho hoạt động M&A trong thời gian tới. Thông qua hoạt động M&A, các doanh nghiệp đã tự giải quyết một phần quan trọng hàng tồn, nợ xấu trên thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản đứng thứ 3 trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2015, với nhiều hoạt động hợp tác đầu tư như Công ty Đầu tư Nam Long đã hợp tác với Quỹ đầu tư IFC thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), với Công ty Hankyu Realty và Công ty Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản); Công ty An Gia hợp tác với Quỹ đầu tư CREED (Nhật Bản), với tổng mức 200 triệu USD; Tổng công ty Becamex tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản); Tập đoàn Gamuda Land Malaysia đã đầu tư vào Dự án Celadon City (quận Tân Phú); Quỹ đầu tư Vinacapital, Jen tiếp tục mở rộng đầu tư vào bất động sản...

Các nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện đầu tư vào các doanh nghiệp bất động sản trong nước thông qua các phương thức chủ yếu là mua lại cổ phần, góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án, hoặc cho vay.

Theo nhận định của HOREA, mặc dù thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục, nhưng chưa thật sự vững chắc. Cụ thể, sự phát triển của thị trường chưa đồng đều, chưa cân đối trên tất cả các phân khúc thị trường. Trong khi phân khúc bất động sản cao cấp tăng trưởng rất mạnh, thì phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô nhỏ và vừa, có giá bán hợp túi tiền của người thu nhập trung bình đang thiếu nguồn cung. Đáng lưu ý, hàng tồn kho, nợ xấu và tình trạng có quá nhiều dự án ngừng triển khai, bị thu hồi chủ trương đầu tư là những vấn đề nổi cộm cần được tiếp tục xử lý trong thời gian tới.

Mặt khác, một trong những “sức nâng” của thị trường là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì tốc độ giải ngân còn thấp, còn chậm và chưa đạt như kỳ vọng, nên chưa hỗ trợ được nhiều cho người tiêu dùng.

Với băn khoăn về nguy cơ bong bóng bất động sản trước sự bùng nổ nguồn cung bất động sản cao cấp, ông Lê Hoàng Châu cho biết: “Theo quy luật và thực tiễn ở nhiều nước thì bong bóng bất động sản thường chỉ có thể xuất hiện khi hội được các yếu tố: nền kinh tế phát triển quá nóng; có sự buông lỏng chính sách tín dụng, hạ chuẩn cấp tín dụng một cách dễ dãi; có sự phát triển lệch pha trên thị trường bất động sản, thường xảy ra tại phân khúc bất động sản cao cấp; có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, làm giá, kích động, tạo nhiều đợt sóng đẩy giá ảo trên thị trường bất động sản và thiếu sự can thiệp hợp lý bằng các đòn bẩy kinh tế của Nhà nước vào thị trường bất động sản. Đối chiếu với các yếu tố này thì hiện chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản trong năm 2015 và có thể cả năm 2016”.

Minh chứng cho nhận định của mình, ông Châu cho biết, nền kinh tế nước ta chỉ mới đang trên đà hồi phục, tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 12,51%, năm 2014 ở mức 12,62%, dự kiến năm 2015 cũng chỉ khoảng 16%, trong khi mức tăng trưởng tín dụng năm 2007 - năm đỉnh điểm của "bong bóng" bất động sản lên đến 37,80%. Trong khi đó, Chính phủ đang giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đang thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ và linh hoạt, đang tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại. Nợ xấu được kiểm soát và đang dần trở về mức hợp lý.

Tuy nhiên, ông Châu lưu ý rằng, một yếu tố đáng quan ngại là phân khúc bất động sản cao cấp đang có chiều hướng phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn trong tầm kiểm soát, giao dịch bất động sản vẫn đang diễn ra bình thường”, ông Châu nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản