Bất động sản TP. HCM: Khách hàng sợ ăn "quả đắng"
Nguyễn Gia - 17/06/2016 09:10
 
Giữa lúc việc bán hàng tại các phân khúc bất động sản đều rất chậm, thì cuối tháng 5, đầu tháng 6, thị trường TP.HCM lại nhận thêm những thông tin không tốt, gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người mua, đó là việc chủ đầu tư mang căn hộ của người mua đi cầm cố tại ngân hàng, thậm chí có chủ đầu tư còn đuổi người dân ra khỏi chung cư đang sinh sống.

Điển hình là vụ hàng trăm hộ dân sống tại chung cư The Harmona (quận Tân Bình, TP.HCM) đứng ngồi không yên, vì sau một thời gian họ mua nhà và dọn về sinh sống, bỗng nhiên phía Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Sài Gòn phát đi văn bản yêu cầu Công ty Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (chủ đầu tư dự án) thực hiện bàn giao tài sản thế chấp là chung cư Harmona. Nháo nhào đi kiểm tra, họ mới phát hiện thêm, căn hộ mà mình đổ cả tỷ đồng ra mua đã bị chủ đầu tư mang cầm cố 2 lần, chứ không chỉ một lần.

Vụ việc chưa lắng xuống thì tiếp đó, hàng trăm hộ dân tại chung cư RubyLand (quận Tân Phú) và Cao Ốc Xanh (quận 9, TP.HCM) cũng bị chủ đầu tư mang căn hộ của mình đi cầm cố ngân hàng cùng toàn bộ tài sản trong chung cư. Chưa hết, sáng 1/6, các cư dân tại chung cư Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình, TP.HCM) do Công ty Long Hưng Phát làm chủ đầu tư lại nháo nhác khi toàn bộ chung cư bị cắt điện, nước và được chủ đầu tư mời… rời khỏi nhà ngay trong ngày.

.
Những sự cố nêu trên giống như “gáo nước lạnh” tạt thẳng vào thị trường vừa mới hồi phục.

Tất cả những vụ việc trên diễn ra liên tục khiến nhiều người dân có ý định mua nhà chung cư cảm thấy hoang mang và mất lòng tin. Anh Ngô Văn Tuấn, ngụ quận 9 cho biết, vợ chồng anh có ý định mua nhà chung cư vì hợp túi tiền và điều kiện sinh sống. Tuy nhiên, sau khi đọc báo thấy những thông tin trên, họ đã thay đổi ý định. “Tôi sẽ chọn mua đất phân lô thay vì chung cư như dự định ban đầu. Tôi thấy nhiều người mua chung cư hiện nay theo kiểu cầm dao đằng lưỡi rất nguy hiểm”, anh Tuấn nói.

Tại các sàn giao dịch bất động sản lớn tại quận 2, quận 7, quận 8, nhân viên môi giới cho biết, từ đầu tháng 6 tới nay, hoạt động giao dịch trầm hẳn. “Người mua tới tìm hiểu dự án chung cư đã giảm khoảng 30% so với tháng 5, dù công ty tôi mới mở bán dự án tại vị trí đẹp trên đường Trung Sơn, quận 8, kèm theo nhiều ưu đãi. Việc chủ đầu tư mang căn hộ của người dân đi cầm và đuổi người dân ra khỏi chung cư đã làm ảnh hưởng không tốt tới những chủ đầu tư lớn, có uy tín”, Giám đốc Sàn giao dịch Công ty cổ phần Bất động sản HT tại quận 8 cho biết.

Tại một sàn giao dịch trên đường Trần Lão, quận 2, cảnh nhân viên đông hơn khách hàng đã diễn ra từ ngày 2/6 tới nay. Các nhân viên tại đây cho biết, khách hàng mua chung cư giảm hẳn, thay vào đó, nhiều người tới hỏi mua dự án nhà liền kề hay đất nền.

Theo ông Nguyễn Huy Vũ, Trưởng phòng Maketing, Công ty Bất động sản Đất Xanh, những vụ việc nêu trên thể hiện sự thiếu tôn trọng người dân của các chủ đầu tư, gây ảnh hưởng xấu tới toàn bộ thị trường bất động sản vừa mới “qua cơn nguy kịch”. Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, những sự cố nêu trên giống như “gáo nước lạnh” tạt thẳng vào thị trường vừa mới hồi phục.

Theo ông Châu, những chủ đầu tư trên là những chủ đầu tư thiếu năng lực về tài chính, quản trị doanh nghiệp và giao tiếp với khách hàng. Lỗi lớn trong những vụ việc này cũng thuộc về ngân hàng, khi “nhắm mắt làm ngơ”, buông lỏng quản lý trong cho vay, không giám sát tài sản hình thành. Việc chủ đầu tư thế chấp toàn bộ căn hộ cho ngân hàng và người mua nhà cũng đem căn hộ thế chấp mà phía ngân hàng vẫn làm ngơ là không thể chấp nhận được. “Đây là bài học lớn cho các chủ đầu tư. Họ cần phải gắn bó, tôn trọng lợi ích của khách hàng. Văn hóa kinh doanh cũng cần phải thay đổi thì mới có thể lấy lại lòng tin của thị trường”, ông Châu nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản