Bất động sản Bình Thuận còn “ngủ đông”
Gia Huy - 17/06/2024 07:57
 
Trong khi các tỉnh lân cận rầm rộ triển khai dự án mới, cũng như tái khởi động dự án cũ, thì thị trường bất động sản Bình Thuận chưa có dấu hiệu hồi phục.
Dự án Thanh Long Bay của Nam Group sau nhiều năm mở bán, nhưng tới nay vẫn chưa xây dựng xong và bàn giao nhà cho khách hàng 	Ảnh: Gia Huy
Dự án Thanh Long Bay của Nam Group sau nhiều năm mở bán, nhưng tới nay vẫn chưa xây dựng xong và bàn giao nhà cho khách hàng.  Ảnh: Gia Huy

Thị trường trầm lắng

Còn nhớ, những năm 2019 và 2020, Bình Thuận nổi lên với hàng trăm dự án bất động sản lớn do các tập đoàn đầu ngành phát triển. Đơn cử, Tập đoàn Novaland với 2 dự án lên tới hơn 1.000 ha, Tập đoàn Nam Group với dự án cả trăm ha, hay như Hưng Lộc Phát với 4 dự án…

Thế nhưng, từ năm 2023 tới nay, thị trường bất động sản địa phương này rơi vào tình trạng “ngủ đông” khi không có dự án mới nào được triển khai mở bán. Các dự án trước đó dù còn nhiều sản phẩm, nhưng doanh nghiệp buộc phải tạm dừng phát triển.

Chẳng hạn, tại Dự án Thanh Long Bay, do Tập đoàn Nam Group là đơn vị phát triển, mở bán từ năm 2019. Dự án này xây dựng trên diện tích 90 ha, tại huyện Hàm Thuận Nam, được quảng cáo là dự án nghỉ dưỡng cao cấp với các dòng sản phẩm như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, từ năm 2023 tới nay, Dự án đã dừng xây dựng và bán hàng. Đại diện Nam Group cho biết, trong năm 2024, Dự án không triển khai xây dựng cũng như mở bán mới các sản phẩm.

Hiện chưa có tín hiệu quan tâm của khách hàng với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tại tỉnh Bình Thuận, chính vì vậy, việc triển khai xây dựng và bán hàng tại đây phải tạm hoãn.

Cũng mở bán từ năm 2019, Dự án Summerland Mũi Né, do Công ty Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư, quảng cáo là khu phức hợp nghỉ dưỡng, tổ hợp giải trí 5 sao tại Phan Thiết. Dự án gồm nhà phố, nhà phố thương mại (shophouse), biệt thự biển song lập, biệt thự đơn lập, căn hộ… Hiện nay, dù sản phẩm còn khá nhiều, cũng như nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, nhưng dự án cũng phải dừng việc bán hàng và xây dựng.

Ngoài ra, các dự án được mở bán rầm rộ những từ năm 2019 tới năm 2022 như Dự án Aloha Beach Village, được xây dựng trên diện tích 15 ha; Tropical Ocean Villa & Resort, với diện tích hơn 57.791 m2; Dự án Hamubay, diện tích 122 ha; Queen Pearl Mũi Né có diện tích 27 ha; NovaHill Mũi Né, với 40 ha… dù mới mở bán số lượng nhỏ, song tới nay, các chủ đầu tư đều dừng triển khai xây dựng và bán hàng.

Chuyển động hiếm hoi tại thị trường Bình Thuận đến từ Dự án NovaWorld, do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư. Dự án này được xây dựng trên diện tích 1.000 ha, mở bán từ năm 2019, tới năm 2023 thì dừng triển khai bán hàng và xây dựng, nhưng từ đầu năm 2024, Novaland liên tục bàn giao nhà cho khách hàng. Dù số lượng không nhiều, song đây là dự án duy nhất có thông tin về việc triển khai.

“Ngủ đông” đến bao giờ?

Trao đổi với các doanh nghiệp là chủ dự án tại Bình Thuận, họ đều cho biết, hiện chưa có kế hoạch triển khai xây dựng cũng như bán hàng.

Với BCG Land, năm 2020, doanh nghiệp này có mua bán - sáp nhập (M&A) một dự án tại Mũi Né, nhưng theo lãnh đạo doanh nghiệp thì chưa có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển dự án tại đây. Lý do là vì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận chưa có dấu hiệu của việc khách hàng quan tâm, nên chưa thể triển khai xây dựng và bán hàng.

Phía Nam Group thì cho biết, do ảnh hưởng về tài chính cũng như thị trường không có khách hàng quan tâm, nên trong năm 2024 chưa triển khai bán hàng tại Dự án Thanh Long Bay.

Tập đoàn Novaland cũng không khả quan hơn, khi trong những tháng còn lại của năm 2024, Novaland chưa có kế hoạch bán hàng mới tại Bình Thuận, tất cả phụ thuộc vào việc “giải cứu” pháp lý của Bộ Xây dựng và lãnh đạo tỉnh.

Tương tự, nhiều chủ đầu tư khác cũng tiếp tục “ngủ đông”, chưa có kế hoạch nào cho việc triển khai xây dựng và bán hàng mới tại Bình Thuận trong nửa cuối năm 2024.

“Chúng tôi chưa thấy có tín hiệu quan tâm của khách hàng với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tại tỉnh Bình Thuận, chính vì vậy, việc triển khai xây dựng và bán hàng tại đây phải tạm hoãn”, ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh Group chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản phân tích, thị trường Bình Thuận đang gặp vấn đề. Trước đây, khi thị trường được đẩy lên nóng sốt, nhà đầu tư đua nhau đổ bộ về các dự án tại đây để đầu tư. Thế nhưng, khi thị trường đi xuống, do ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính năm 2022, nhà đầu tư đã mắc kẹt tại các sản phẩm đã mua và không thể thoát được hàng để thu hồi vốn. Vì vậy, tạo ra một cuộc tẩy chay thị trường trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, ông Hoàng cho rằng, năm 2022, Bình Thuận liên tục bị thanh tra việc cấp phép các dự án. Pháp lý tại nhiều dự án cũng chưa thông cho doanh nghiệp, nên việc triển khai xây dựng dự án mới là điều rất khó trong năm 2024.

“Thị trường không có dự án mới mở bán, đồng nghĩa với việc không có giao dịch và không có sóng để hồi phục”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Nói về câu chuyện thị trường chưa thể “thức tỉnh”, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu DKRA Group cho rằng, trong chu kỳ phát triển trước, Bình Thuận không tận dụng được nhiều lợi thế để phát triển bất động sản một cách đồng bộ và bền vững. Quy hoạch tổng thể chưa rõ ràng, các bãi biển bị băm nát, không có nhiều dịch vụ để giữ chân khách. Một số dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn triển khai, nhưng chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, quy hoạch cục bộ không phân bổ đều cũng để lại hậu quả nhất định cho thị trường bất động sản của địa phương.

“Thị trường bất động sản Bình Thuận phục hồi chậm hơn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh. Tôi cho rằng, ít nhất 2 - 3 năm nữa, phân khúc bất động sản nhà ở mới có thể phục hồi và khoảng 4 - 5 năm nữa, bất động sản nghỉ dưỡng mới có thể phục hồi”, ông Thắng dự báo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản