-
Hà Nội bãi bỏ 2 quyết định quy định thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất -
Thị trường địa ốc Đà Nẵng kỳ vọng vào hiệu ứng khu thương mại tự do -
Bình Định chuẩn bị đấu thầu tìm nhà đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội -
Bất động sản Đông Nam Bộ lên ngôi -
Ninh Thuận có 3 dự án khu đô thị được phê duyệt nhưng chưa có nhà đầu tư -
Huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh sắp có thêm hơn 12.000 căn nhà ở xã hội -
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân: Chưa bao giờ giá nhà ở xã hội rẻ như bây giờ
Dưới đây là tổng hợp các tin tức bất động sản nổi bật trong tuần.
Bộ Xây dựng tái khẳng định lập trường đánh thuế các trường hợp sở hữu nhiều nhà đất
Tại họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng cao.
Yếu tố thứ nhất bắt nguồn từ việc chi phí đầu vào để phát triển dự án mới ngày càng tăng, đặc biệt là tiền sử dụng đất. Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ việc nguồn cung dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Đây chính là lý do được nhiều môi giới viên và tổ chức, cá nhân đầu cơ lợi dụng để thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường.
Ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản, phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Bộ Xây dựng |
Yếu tố thứ ba khiến giá nhà/đất tăng “phi mã" là việc các kênh đầu tư khác chưa thực sự khởi sắc. Điều này đã khiến nhiều người dồn tiền cho bất động sản như một kênh tích sản và đầu tư sinh lời, từ đó khiến mặt bằng giá thị trường tiếp tục bị đẩy lên.
Để kiểm soát giá bất động sản, ông Vương Duy Dũng cho biết Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ một số giải pháp để thực hiện hiệu quả bộ ba luật mới liên quan thị trường bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Ngoài ra, đại diện Bộ Xây dựng cũng tái khẳng định lập trường về việc nghiên cứu, thực thi chính sách đánh thuế đối với người sở hữu, sử dụng nhiều nhà/đất, nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ, “lướt sóng".
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng nhận định rằng, chính sách đánh thuế này sẽ không làm tăng giá bất động sản. Đây vốn là giải pháp phổ biến, được nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng để hạn chế đầu cơ. Tuy nhiên, cho đến khi quy định được ban hành, các cơ quan sẽ phải đánh giá kỹ, thấu đáo, toàn diện tác động của chính sách lên thị trường.
Bảng giá đất mới có thể tăng gấp 10 lần giá hiện tại
Tại Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản”, một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 được nhiều diễn giả và khách mời quan tâm là quy định về bảng giá đất hàng năm.
Để khẳng định sức “nóng" của giá đất, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho biết, Dự thảo Luật Đất đai 2024 ghi nhận hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý, riêng những vấn đề liên quan tới giá đất đã thu tới 1 triệu lượt ý kiến. Những con số này là bảo chứng cho thấy câu chuyện về bảng giá đất hàng năm nhận về sự quan tâm rất lớn từ dư luận.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng bảng giá đất mới có thể tăng gấp 2 - 7 lần, thậm chí gấp 10 lần khung giá hiện tại. |
Theo TS. Cấn Văn Lực, bảng giá đất hàng năm sẽ là tiền đề để việc định giá đất sát với giá thị trường, đồng thời tháo gỡ các bất cập, đặc biệt là hiện tượng hai giá. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, tính toán chi phí - hiệu quả đầu tư dự án…
Tuy nhiên, ông Lực cũng nhấn mạnh rằng, việc áp dụng bảng giá đất sát với thị trường hơn có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, tăng giá đất, giá bán, giá cho thuê bất động sản. Dự kiến, sau khi bảng giá đất chính thức được thực thi vào năm 2026, bảng giá đất tại một số địa phương dự kiến sẽ tăng từ 2 - 7 lần, thậm chí cao hơn 10 lần so với bảng giá đất hiện tại.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn bên lề hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Trường đại học Luật Hà Nội khẳng định, việc đưa bảng giá đất sát với thị trường chắc chắn sẽ khiến chi phí đất đai của doanh nghiệp tăng lên, từ đó khiến mặt bằng giá các dự án bất động sản cao hơn.
“Doanh nghiệp không phải nhà từ thiện, nên khó có thể yêu cầu họ hạ giá bán, trong khi các chi phí đầu vào tăng cao. Để có thể “hạ nhiệt" giá bất động sản, nhà nước cần chủ động dùng vốn ngân sách để gia tăng nguồn cung, cụ thể là các dự án nhà ở xã hội, để điều tiết thị trường", ông Tuyến cho hay.
Bảng giá đất TP.HCM chốt giá đất cao nhất 687,2 triệu đồng/m2
Ngày 16/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định bảng giá đất thành phố vừa ký thông qua báo cáo thẩm định về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn thành phố. Thời gian áp dụng bảng giá đất điều chỉnh bắt đầu từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2025.
Giá đất ở cao nhất tại TP.HCM là 687,2 triệu đồng/m2. Ảnh: Lê Toàn |
Theo tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, giá đất ở đô thị cao nhất của thành phố là 687,2 triệu đồng/m2 tại các tuyến đường trung tâm thành phố như Đồng Khởi, Lê Lợi… (quận 1). So với dự thảo bảng giá đất trước đây (810 triệu đồng/m2), giá đất được chốt đã giảm 122,8 triệu đồng/m2, nhưng cũng tăng 4,2 lần so với bảng giá hiện hành.
Tại các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi, giá đất dự kiến điều chỉnh tăng cao, nhưng so với dự thảo bảng giá đất điều chỉnh trước đây đã giảm mạnh. Chẳng hạn, giá đất tại đường Song hành quốc lộ 22 (đoạn Nguyễn Ảnh Thủ đến Lý Thường Kiệt) - nơi tăng 51 lần trong dự thảo cũ, thì nay đã điều chỉnh chỉ còn tăng 23 lần.
Đối với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ bao gồm: đất khu công nghiệp, khu chế xuất, công viên phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp, khoáng sản; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào các mục đích công cộng… sẽ có mức giá theo từng quận, huyện.
Cụ thể, tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận tính bằng 50% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ. Tại các quận 7, 8, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, TP. Thủ Đức tính bằng 60% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ.
Tại các huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ tính bằng 75% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ.
TP.HCM dự tính thu hơn 25.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Tài chính (Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể của TP.HCM) về các dự án dự kiến trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể trong quý IV/2024.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, việc này nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách năm 2024 cho TP.HCM từ các khu đất dự kiến thu tiền sử dụng đất. Số tiền dự kiến thu từ 22 dự án là 25.483 tỷ đồng.
Trong đó, dự án dự kiến có mức thu lớn nhất là Eco Smart City của Tập đoàn Lotte với 16.000 tỷ đồng, ước lượng theo chứng thư thẩm định giá. Tiếp đến là khu đất 14,8 ha thuộc phường An Phú (TP. Thủ Đức) của Công ty CP Bất động sản Nguyên Phương, dự kiến cần thu 3.500 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có Công ty TNHH Bất động sản T.N.T Trung Thủy với khu đất 230 Nguyễn Trãi (quận 1), dự kiến thu hơn 3.286 tỷ đồng. Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy với dự án khu căn hộ cao tầng Diamond Riverside (quận 8), dự kiến thu hơn 729 tỷ đồng…
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM ước thực hiện 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tiền thu sử dụng đất của TP.HCM trong 9 tháng qua chỉ khoảng 5.900 tỷ đồng.
Các căn nhà “không sổ" trên đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân được đền bù bao nhiêu?
Theo ông Đinh Văn Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân, đến cuối ngày 14/10, toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng trước thời điểm cưỡng chế thực hiện dự án mở rộng theo quy hoạch tuyến phố Nguyễn Tuân.
Trước đó, việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án đã gặp nhiều khó khăn, khi đơn giá đền bù chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là với trường hợp các hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc là đất lưu không, đất nông nghiệp, đất giao thông…
Dự kiến vào cuối năm nay, dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân sẽ được khởi công. Ảnh: Thanh Vũ |
“Những trường hợp này theo quy định của Nhà nước sẽ không được đền bù về đất. Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn cho người dân, UBND có đề xuất lên thành phố, đối với trường hợp sử dụng đất như vậy”, ông Bùi Đức Hùng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân, cho biết.
Theo đó, trong trường hợp người dân sử dụng đất chuyển đổi trước năm 1993, mức đền bù được hỗ trợ sẽ bằng khoảng 30% giá đất ở đô thị tính trong khung giá đất. Còn đối với trường hợp sử dụng đất từ năm 1993 - 2004, mức hỗ trợ sẽ là 20%.
Chiếu theo khung giá đất hiện hành, những căn nhà mặt đường Nguyễn Tuân được xếp loại vị trí 1 và đang có giá quy định là 32,2 triệu đồng/m2. Như vậy, mức đền bù sẽ lần lượt là 9,4 triệu đồng/m2 và 6,4 triệu đồng/m2. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các hộ dân trong khu vực cũng đã xác nhận về các con số trên.
Ngoài việc được đền bù tiền, các hộ bị giải phóng mặt bằng còn được chính quyền địa phương hỗ trợ mua các căn hộ tái định cư với giá khoảng 1,4 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, mở rộng theo quy hoạch tuyến phố Nguyễn Tuân được UBND quận Thanh Xuân phê duyệt vào năm 2018, với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, trong đó phần lớn là chi phí giải phóng mặt bằng.
Toàn tuyến đường được mở rộng có chiều dài 720m, điểm đầu giao với đường Nguyễn Trãi, điểm cuối đến ngõ 162 Nguyễn Tuân. Sau khi mở rộng, tuyến đường này có mặt cắt ngang 21m, lòng đường rộng 15m và 2 bên vỉa hè rộng 3m, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Phiên đấu giá đất Quốc Oai kéo dài gần 20 tiếng, giá cao nhất là 54 triệu đồng/m2
Đến 1 giờ 30 phút, sáng ngày 14/10, phiên đấu giá 54 thửa đất ở thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai mới có kết quả ngã ngũ. Theo đó, lô có giá trúng cao nhất lên tới 54,48 triệu đồng/m2, cao gấp 4,5 lần so với giá khởi điểm. Mặt khác, thửa có thấp nhất cũng đạt mức 44,48 triệu đồng/m2, cao gấp 3,6 lần giá khởi điểm.
Người tham gia bỏ phiếu đấu giá. Ảnh: UBND huyện Quốc Oai |
Trước đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai đã phát thông báo đấu giá 54 lô đất ở thôn Sơn Trung. Những thửa tại đây có diện tích khoảng 92,5 - 121,4 m2, giá khởi điểm đều từ 12,48 triệu đồng/m2. Khoản tiền đặt cọc các lô đất dao động từ 230 - 281 triệu đồng/thửa.
Hình thức đấu giá bằng phương thức bỏ phiếu trực tiếp qua nhiều vòng, tối thiểu là 5 vòng. Bước giá mỗi lần bỏ phiếu tối thiểu là 2 triệu đồng. Tuy nhiên, phiên đấu giá vừa qua đã ghi nhận tới 12 vòng đấu. Đây chính là lý do thời gian tổ chức bị kéo dài gần 20 tiếng và người tham dự phải đấu giá xuyên đêm.
Tham gia phiên đấu giá vừa qua có gần 300 khách hàng, đăng ký hơn 1.000 hồ sơ đấu giá. Tổng số tiền huyện Quốc Oai thu được từ phiên đấu giá đợt này là gần 242,6 tỷ tỷ đồng, nhiều hơn 63 tỷ đồng so với dự kiến.
Với các thửa đất trúng đấu giá, thời gian nộp 100% số tiền trúng sẽ là sau 45 ngày, kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo nộp tiền.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai, phiên đấu giá đã diễn ra bảo đảm công khai, khách quan, minh bạch, nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia.
Hơn 45.000 thửa đất ở vi phạm tại Bắc Ninh
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bắc Ninh đã làm việc với UBND tỉnh về việc xử lý các trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền; sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo kết quả rà soát, toàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 45.000 thửa đất ở được giao không đúng thẩm quyền; lấn, chiếm; tự chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích trên 976 ha. UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai phân loại và tổ chức xét duyệt hồ sơ các trường hợp trên. Đến nay, các xã, phường, thị trấn đã xét duyệt được hơn 10.00 hồ sơ với diện tích 252 ha.
Việc xử lý các trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền; sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn gặp một số hạn chế, khó khăn như công tác quản lý đất đai ở một số nơi chưa chặt chẽ, tình trạng lấn chiếm , tranh chấp đất đai chưa được giải quyết triệt để.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tập hợp lại số liệu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/10 để gửi đoàn giám sát; tham mưu UBND tỉnh thành lập 2 tổ công tác giải quyết, xử lý các trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền; sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.
Lượng giao dịch bất động sản tại Bình Định chủ yếu vẫn là đất nền
Sở Xây dựng tỉnh Bình Định vừa có báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh trong quý III/2024. Theo đó, lượng giao dịch trong quý chủ yếu là đất nền với 1.997 lô. Tiếp đến là nhà ở riêng lẻ với 1.053 căn và chung cư với 174 căn. Tổng giá trị giao dịch hơn 51 tỷ đồng.
Về dự án nhà ở thương mại, Sở Xây dựng Bình Định cho biết, trong quý có 2 dự án được cấp phép với số lượng 2.079 căn nhà riêng lẻ; 9 dự án đang triển khai với số lượng 8.333 căn chung cư; 1 dự án hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán (không đề cập số lượng căn); 1 dự án hoàn thành với số lượng 262 căn.
Ngoài ra, trong quý III/2024, Bình Định có 7 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng gồm 6 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị với tổng cộng 2.828 căn hộ; 1 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất với số lượng 378 căn.
Trong quý, về dự án cho phép chuyển nhượng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để xây dựng nhà ở (đất nền), Bình Định có 1 dự án được cấp phép mới và đang triển khai với số lượng 64 nền.
Đáng chú ý, hiện Bình Định không có dự án du lịch nghỉ dưỡng nào được cấp chủ trương đầu tư cũng như được cấp phép, đang triển khai hoặc hoàn thành trong quý III/2024.
-
Tuân thủ khoảng lùi 150 m từ mép nước, Dự án Shantira không bị ảnh hưởng bởi mưa bão -
Wyndham Hotels & Resorts thắp sáng di sản xanh Legacy Hill -
Thị trường bất động sản phía Tây bứt tốc: Điểm sáng từ Khu đô thị Dương Nội -
Quảng Bình: Nút thắt ở dự án gần ngàn tỷ đồng -
Mảnh ghép còn thiếu của thị trường bất động sản Lào Cai -
Khai Sơn Hill ra mắt bộ sưu tập chỉ 8 căn biệt thự giới hạn -
Định hướng tương lai qua tầm nhìn quy hoạch đô thị miền Trung - Tây Nguyên
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 22/11 -
2 Thời gian vận hành chính thức tuyến metro số 1 TP.HCM -
3 Lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt: Rõ dần phương hướng -
4 Công chức không ăn vài trăm năm mới mua được nhà, sao không mở rộng đất cho nhà ở xã hội? -
5 Làm rõ suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 35.940 tỷ đồng
- Ký kết hợp tác chiến lược Vietnam Land và CaraWorld: Khai mở những cơ hội mới
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024
- SeABank thông báo mời thầu
- Huawei Việt Nam chính thức khởi động cuộc thi ICT Competition 2024 - 2025