12 nhiệm vụ của ngành xây dựng trong năm 2016
Hà Quang - 15/01/2016 10:15
 
Sáng nay (15/1), Bộ Xây dựng thực hiện triển khai nhiệm vụ năm 2016. 12 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành này đặt ra cho năm 2016 bào gồm.
.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Quang Hưng

1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành, trong đó trọng tâm là hoàn thành việc ban hành các Thông tư hướng dẫn các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đảm bảo đồng bộ, kịp thời; nghiên cứu xây dựng đề cương, dự thảo Luật về quản lý phát triển đô thị.

2. Tập trung triển khai Luật Xây dựng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; tăng cường quản lý, giám sát trong hoạt động đầu tư xây dựng; nâng cao hiệu quả công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán các công trình xây dựng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế- kỹ thuật.

3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch xây dựng theo phân cấp, nhất là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

4. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ quán trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; triển khai có hiệu quả các định hướng, chiến lược, chương trình, đề án về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các địa phương trong việc huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng.

5. Triển khai thực hiện Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn. Hoàn thành phê duyệt chương trình phát triển nhà ở của các địa phương. Thực hiện tốt các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm, trong đó: Cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công (theo Quyết định 22), Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; tập trung triển khai Chương trình 167 giai đoạn 2, Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở khu vực thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 3 (bổ sung các dự án của giai đoạn 2 tiếp tục thực hiện đến năm 2020); đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị.

6. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; tăng cường quản lý, kiểm soát theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, đảm bảo để thị trường phát triển ổn định, bền vững; tiếp tục rà soát, phân loại, điều chỉnh hợp lý cơ cấu hàng hóa các dự án bất động sản; xây dựng hệ thống thông tin thị trường.

7. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng, nhất là xi măng và các vật liệu xây dựng chủ yếu, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường; tổ chức sơ kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh Chương trình phát triển vật liệu xây không nung; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

8. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, đặc biệt là TTHC trong đầu tư xây dựng; tích cực thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử.

9. Kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn về xây dựng các cấp, các ban quản lý chuyên nghiệp, đáp ứng với yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở.

10. Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng; xây dựng các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Ngành; hoàn thành cổ phần hóa các Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng, tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo lộ trình hợp lý.

11.Nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Ngành; tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ theo quy hoạch. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình cam kết của Chính phủ và của Ngành.

12.Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng, tích cực phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản