Xi măng ít dự án đầu tư mới
Thế Hoàng - 01/02/2021 09:31
 
Dự án Xi măng Long Sơn, dây chuyền 4, công suất 2,5 triệu tấn, là một trong những dự án hiếm hoi của ngành xi măng được đầu tư trong năm 2021.
.
Tính đến cuối năm 2020, ngành xi măng có 90 dây chuyền sản xuất clinker, xi măng.

Ít dự án

Số lượng dự án xi măng mới được khởi công xây dựng ngày càng hiếm hoi do nguồn cung xi măng trong nước vẫn trong trạng thái dư thừa lớn và ngành xi măng đang tiếp tục tái cơ cấu theo hướng tập trung, hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, có đủ năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Năm 2020, toàn ngành xi măng có 2 dự án mới được đưa vào vận hành là Xi măng Tân Thắng (Nghệ An) và Dự án Xi măng Long Sơn, dây chuyền 3 tại Thanh Hóa.

Một dự án hiếm hoi được khởi công vào giữa năm 2020 là Tổ hợp Dự án Nhà máy Xi măng Đại Dương tại Thanh Hóa do Công ty cổ phần Khoáng sản Đại Dương làm chủ đầu tư.

Tổ hợp bao gồm Nhà máy Xi măng Đại Dương 1, Nhà máy Xi măng Đại Dương 2 và Nhà máy Sản xuất vôi công nghiệp Đại Dương. Công suất của 2 nhà máy xi măng khoảng 4,6 triệu tấn xi măng/năm, công suất nhà máy sản xuất vôi công nghiệp 600.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 9.120 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, năm 2021, cục diện đầu tư ngành xi măng sẽ không có nhiều thay đổi, dự kiến khởi công mới theo kế hoạch chỉ có Dự án Xi măng Long Sơn, dây chuyền 4, với công suất 2,5 triệu tấn. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Long Sơn đặt mục tiêu đưa dây chuyền 4 vận hành vào cuối năm 2021.

Tính đến cuối năm 2020, ngành xi măng có 90 dây chuyền sản xuất clinker, xi măng (tăng thêm 2 dây chuyền), với tổng công suất 106,6 triệu tấn, thực tế có thể sản xuất khoảng 122 triệu tấn xi măng.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho thấy, tổng sản lượng xi măng đạt trên 101,5 triệu tấn, tăng 1,5%; tiêu thụ xấp xỉ 100 triệu tấn, trong đó kênh nội địa hấp thụ 62 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2019. Nhưng xuất khẩu đạt mức kỷ lục 38 triệu tấn, tăng 10% so với năm trước.

Dự án nhỏ không có cửa

Theo Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, ngành xi măng chỉ đầu tư mới nhà máy sản xuất có công suất 1 dây chuyền 5.000 tấn clinker/ngày, gắn với vùng nguyên liệu và đầu tư đồng bộ hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải và thỏa mãn các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường.

Những nhà máy xi măng công suất nhỏ đang hoạt động cũng nhận được “tối hậu thư” khá rõ ràng về chuyển đổi công nghệ sản xuất. Đến năm 2025, nhà máy xi măng công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clinker/ngày bắt buộc phải đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng…

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA đánh giá, việc siết chặt quy định đầu tư xi măng, loại bỏ các dự án nhỏ, dồn sức cho các dự án lớn là hướng đi tất yếu của ngành xi măng sau một thời gian phát triển nóng và từng chịu hệ lụy đầu tư không hiệu quả của không ít dự án nhỏ.

Công ty cổ phần Chứng khoán FPT cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2019, ngành xi măng dư thừa công suất so với nhu cầu trong nước. Cùng với áp lực cạnh tranh cao giữa các doanh nghiệp, trong giai đoạn này, cung - cầu xi măng chịu ảnh hưởng đáng kể từ các chính sách điều tiết trực tiếp và gián tiếp của Chính phủ.

Có thể thấy, số lượng dự án xi măng đầu tư mới ít đi, nhưng theo chiều hướng chất lượng hơn và tập trung hơn. Quy mô dự án đều ở mức trên 2 triệu tấn mỗi dây chuyền và tập trung vào một số doanh nghiệp có tiềm lực làm xi măng, như Xi măng Long Sơn hiện đã có 3 dây chuyền, công suất 7,5 triệu tấn. Khi dây chuyền 4 hoàn thành đầu tư sẽ nâng tổng công suất của Long Sơn lên 10 triệu tấn, nhưng hoàn toàn có thể sản xuất vượt công suất thiết kế.

Với trường hợp Tổ hợp xi măng Đại Dương (gồm 2 dây chuyền 4,6 triệu tấn, theo kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2022) cũng có sự hậu thuẫn đáng kể, bởi cổ đông lớn của Công ty cổ phần Xi măng Đại Dương là Tập đoàn Xi măng The Vissai. The Vissai hiện là doanh nghiệp có năng lực sản xuất 15 triệu tấn xi măng/năm, với nhà máy từ miền Bắc vào miền Trung, cùng hệ thống đại lý đã được thiết lập, hàng năm xuất khẩu một lượng lớn clinker và xi măng sang 20 thị trường quốc tế.

Các yếu tố cạnh tranh chính giữa các doanh nghiệp xi măng trên thị trường là giá bán sản phẩm, mức chiết khấu cho người bán hàng, quy mô sản xuất của doanh nghiệp và khoảng cách vận chuyển đến thị trường tiêu thụ. Những doanh nghiệp nào sở hữu các yếu tố đó sẽ có nhiều ưu thế cạnh tranh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản