Xây dựng khu công nghiệp sinh thái: Cần sự ủng hộ hơn nữa của cơ quan quản lý
Thu Lê - 29/10/2020 20:36
 
Việc xây dựng khu công nghiệp (KCN) sinh thái được thí điểm triển khai từ năm 2014, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (là KCN được xây dựng theo mô hình sinh thái), để quá trình này thành công, cần sự ủng hộ hơn nữa của cơ quan quản lý nhà nước.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được xây dựng theo mô hình sinh thái, rất thu hút nhà đầu tư.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được xây dựng theo mô hình sinh thái, rất thu hút nhà đầu tư.

KCN Nam Cầu Kiền được bắt đầu xây dựng cách đây 12 năm. Vậy ông đã tiếp cận với khái niệm KCN sinh thái từ khi nào?

Thực ra, khái niệm về KCN sinh thái đã có từ lâu trên thế giới và đã có nhiều mô hình KCN sinh thái thành công. Cá nhân tôi khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư hạ tầng KCN Nam Cầu Kiền đã tìm hiểu về các mô hình KCN. Thời điểm đó, tôi khá quan tâm đến mô hình KCN sinh thái. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho mô hình KCN này tại Việt Nam chưa hình thành.

Phải đến năm 2014, khi Dự án Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) được triển khai, thì khái niệm này mới được nhà đầu tư hạ tầng KCN, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp quan tâm nhiều hơn.

Theo tổng kết sau 3 năm thực hiện dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO, 72 doanh nghiệp tham gia chương trình tại 3 KCN thí điểm đã áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), giúp tiết kiệm điện nước, nguyên vật liệu hàng năm tương ứng 75 tỷ đồng thông qua cắt giảm khoảng 17,8 triệu kWh điện, 429.000 m3 nước và một lượng đáng kể nguyên liệu, nhiên liệu. Đáng chú ý, lợi ích môi trường từ chương trình này là mỗi năm giảm được 24,89 tấn CO2; 4 tấn hóa chất, 3.335 tấn rác thải rắn và 429 m3 khối nước thải...

.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec.

Trên cơ sở các kết quả tích cực từ sáng kiến KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (Nghị định 82) quy định về quản lý KCN và khu kinh tế.

Tại nghị định này, các khái niệm KCN sinh thái, các tiêu chí xác định KCN sinh thái, khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp áp dụng và phát triển theo mô hình KCN sinh thái đã được đưa ra. Cụ thể, Nghị định 82 quy định một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được như: có ít nhất 25% diện tích là cây xanh, giao thông; hạ tầng dịch vụ được dùng chung; tối thiểu 90% doanh nghiệp trong KCN có nhận thức về RECP; tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp RECP; ít nhất 10% doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp...

Từ khi có Nghị định 82, tôi đã điều chỉnh việc đầu tư để hoàn thiện việc xây dựng KCN Nam Cầu Kiền thành KCN sinh thái.

Vậy đến nay, sau 12 năm xây dựng, KCN Nam Cầu Kiền đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chí theo Nghị định 82 chưa, thưa ông?

Tuy không tham gia vào nhóm các KCN thí điểm xây dựng theo mô hình sinh thái, nhưng KCN Nam Cầu Kiền ngay từ ngày đầu đã được định hình xây dựng theo hướng này. Khi có Nghị định 82, chúng tôi điều chỉnh để phù hợp với các tiêu chí mà nghị định này đưa ra.

KCN Nam Cầu Kiên có quy mô 263 ha. Trong đó giai đoạn I rộng 103 ha đã được lấp đầy 100% với 55 doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động ổn định, đã hình thành một hệ sinh thái cộng sinh giữa các doanh nghiệp với nhau theo hướng tuần hoàn.

Đến nay, KCN Nam Cầu Kiền đã cơ bản hoàn thiện được 8 tiêu chí quy định trong Nghị định 82. Đơn cử như diện tích dành cho các công trình cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung là 82,01 ha, chiếm tỷ lệ 31,1% (theo Nghị định 82 thì mức tốt nhất là 25-30%). Yếu tố cộng sinh công nghiệp trong KCN Nam Cầu Kiền cũng đã được hình thành với 3 nhóm chính gồm: liên kết cộng sinh ngành luyện kim, cơ khí; liên kết cộng sinh ngành điện tử và phụ trợ điện tử; liên kết cộng sinh ngành sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa. Các nhóm cộng sinh này đã sử dụng tối đa vật liệu tái tạo theo hướng chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia, nên không còn chất thải ra bên ngoài KCN.

Nam Cầu Kiền còn đi đầu trong việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng các nguồn năng lượng sạch trong phát triển công nghiệp. Trong đó, phải kể đến dự án điện áp mái nối lưới cho các nhà xưởng trong KCN; tuần hoàn xử lý nước thải toàn bộ KCN quay trở lại thành nước cấp cho hoạt động sản xuất của nhà đầu tư, từ đó tạo thành hệ sinh thái tuần hoàn năng lượng trong KCN. Các doanh nghiệp áp dụng mô hình này có thể giảm 5 - 10% đơn giá điện sử dụng và 20% chi phí sử dụng nước sạch.

Năm 2018, không dừng lại ở việc đáp ứng các tiêu chí KCN sinh thái trong nước, Nam Cầu Kiền đã triển khai hợp tác chiến lược với Trung tâm giảm thiểu các-bon khu vực châu Á, TP. Kitakyushu (Nhật Bản) và Khu Ecotown Center, cùng ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác xây dựng thí điểm mô hình KCN sinh thái tại Nam Cầu Kiền. Từ đó, chúng tôi đã từng bước hoàn chỉnh những tiêu chuẩn KCN sinh thái khắt khe, nhằm mục tiêu thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.

Nhằm tạo dựng, tích lũy thêm giá trị sinh thái Nam Cầu Kiền, tháng 8/2020, Nam Cầu Kiền đã khởi công xây dựng công trình vườn Nhật Kyosei-no-niwa.

Trước đó, tháng 12/2019, KCN Nam Cầu Kiền đã được TP. Hải Phòng lựa chọn là đơn vị thí điểm xây dựng KCN sinh thái tại Hải Phòng, thuộc Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh của thành phố.

Với vai trò là nhà đầu tư hạ tầng KCN sinh thái, cá nhân ông nhận thấy còn những bất cập, khó khăn gì về chính sách khi triển khai xây dựng?

Xây dựng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức, do khá thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện; thiếu bộ tiêu chuẩn đánh giá để xem xét và công nhận KCN sinh thái. Chỉ riêng Nghị định 82 thì chưa đủ.

Việc chuyển đổi các KCN truyền thống theo Nghị định 82 đang vướng về một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được, như các tiêu chí liên quan đến tỷ lệ cây xanh, hay thành lập liên kết cộng sinh công nghiệp đòi hỏi phụ thuộc nhiều vào chính sách thu hút đầu tư của địa phương nơi KCN đó hình thành.

Việc đầu tư một KCN sinh thái đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn bình thường và thời gian thu hồi vốn cũng chậm hơn do hệ số sử dụng đất bị giảm, để dành quỹ đất cho cây xanh, cảnh quan, cũng như giảm mật độ xây dựng. Việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để hình thành các liên kết cộng sinh cũng đòi hỏi sự chọn lọc, nên cần có định hướng tổng quan về phát triển công nghiệp của địa phương, định hướng xây dựng các KCN theo hướng cộng sinh, sinh thái để tránh sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các KCN trên cùng địa bàn.

Theo tôi, các KCN sinh thái xây dựng được hệ sinh thái doanh nghiệp theo hướng tuần hoàn sẽ giúp gia tăng lợi nhuận 10-15% cho các nhà đầu tư thứ cấp, từ đó các doanh nghiệp này sẽ đóng góp về thuế tăng lên. Như vậy, nhà đầu tư - doanh nghiệp - chính quyền địa phương đều “win - win”. Do đó, việc xây dựng các KCN sinh thái rất cần sự vào cuộc và sự khuyến khích, hỗ trợ về cơ chế, chính sách của chính quyền địa phương.

Từ kinh nghiệm xây dựng KCN Nam Cầu Kiền thành KCN sinh thái, tôi nhận thấy, để hình thành và vận hành một cách hiệu quả thì cần phải xây dựng hệ thống thông tin đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp thứ cấp. Hệ thống thông tin về doanh nghiệp đòi hỏi được thiết kế tốt, chứa đựng đầy đủ các thông tin cần thiết, có sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp trong KCN, đồng thời đảm bảo bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Hệ thống này sẽ hiệu quả hơn nếu được xây dựng ở quy mô quốc gia, như thế các nhà đầu tư hạ tầng, các nhà đầu tư thứ cấp sẽ chủ động trong việc lựa chọn nhà đầu tư, cũng như địa điểm đầu tư phù hợp với mình. Việc này cần sự vào cuộc của cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý và phát triển KCN sinh thái.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản