Tranh chấp ở chung cư, chính quyền ở đâu?
Trong hàng trăm vụ tranh chấp chung cư, có rất nhiều vụ diễn ra căng thẳng và kéo dài. Tình trạng này có thể được hạn chế nếu chính quyền địa phương nâng cao vai trò của mình.

“Cuộc chiến” không có hồi kết

Về sinh sống ổn định từ đầu 2018 và đã có giấy tờ bàn giao của chủ đầu tư, nhưng cư dân Chung cư Trương Định Complex, 129D Trương Định, phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn không được thừa nhận một cách hợp pháp. Cư dân ở đây không được nhập khẩu, đăng ký tạm trú với lý do chủ đầu tư vi phạm thiết kế và chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Do đó, các hộ dân không thể xin xác nhận các giấy tờ sinh hoạt, không xin được học đúng tuyến cho con. Việc chuyển sinh hoạt Đảng, làm bảo hiểm, kê khai nhân khẩu…, cũng gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc sai phạm của chủ đầu tư diễn ra từ lúc xây dựng, nhưng chính quyền địa phương lại không có biện pháp xử lý dứt điểm, giờ lại đẩy khó cho người dân.

Tương tự, mới đây nhất, nhiều hộ dân tại Chung cư Thống Nhất Complex (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã treo băng rôn để phản đối chủ đầu tư vì cho rằng, chủ đầu tư khai khống diện tích sử dụng. Trước tranh chấp này, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân đã qua làm việc với chủ đầu tư để nắm tình hình, nhưng sau khi cơ quan chức năng ra về, chủ đầu tư vẫn cắt nước của các cư dân có tranh chấp giữa thời tiết nắng nóng.

Đại diện dân cư và chủ đầu tư sau đó đã có nhiều buổi làm việc với sự tham dự của lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, nhưng kết quả các bên vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết và xử lý dứt điểm.

"Khi quyền lợi cư dân liên tục bị ảnh hưởng bởi chủ đầu tư, tôi phải đại diện các hộ lên UBND phường báo cáo sự việc để các cấp chính quyền cùng vào cuộc. Kết quả, sau nhiều buổi đối thoại cùng sự tác động của cả phường và quận, chủ đầu tư mới cấp nước trở lại cho cư dân", anh Lê Việt Anh, cư dân Chung cư Thống Nhất Complex cho biết.

Hồi đầu năm nay, cư dân Athena (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bức xúc phản đối chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển đô thị và Xây dựng 379 vì không trả sổ hồng sau nhiều lần hứa hẹn. Theo nhiều hộ dân sống tại chung cư này, dù đã thanh toán toàn bộ chi phí mua nhà cách đây gần 2 năm, nhưng đến đầu năm nay, họ vẫn chưa nhận được sổ hồng như đã cam kết do dự án xây dựng sai thiết kế tại tầng 1.

Hồi tháng 3/2020, UBND quận Nam Từ Liêm đã có văn bản chỉ đạo phường Phương Canh chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận tham mưu, đề xuất UBND quận thực hiện cưỡng chế, phá dỡ phần công trình vi phạm xây dựng sai thiết kế tại tầng 1 của tòa nhà Chung cư Athena Complex Xuân Phương. Tuy nhiên, theo cư dân tại đây, những sai phạm tại dự án vẫn “chình ình”, chính quyền địa phương không có biện pháp quyết liệt xử lý.

Chính quyền cần thể hiện vai trò rõ nét hơn

Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP. Hà Nội có gần 2.600 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, trong đó có gần 1.580 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư. Trong đó, có 86 chung cư có tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Mâu thuẫn chủ yếu là việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, một số chủ đầu tư không bàn giao cho ban quản trị tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân... Bên cạnh đó, số lượng dân số đang sinh sống tại các dự án nhà chung cư chiếm tới 14% tổng dân số của Thủ đô.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, từ năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về tăng cường hiệu lực trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố. Trong đó, đề nghị UBND quận, phường, xã, thị trấn phải thường kiểm tra, xử lý, giải quyết kịp thời các tồn ở, hạn chế phát sinh trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn, phối hợp có Sở Xây dựng giải quyết các trường hợp phức tạp kéo dài; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND Thành phố xin ý kiến chỉ đạo giải quyết theo quy định.

 

Tôi cho rằng, các cơ quan nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền cần có suy nghĩ thấu đáo về việc tại sao người dân lại làm thế kia để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay, vai trò của chính quyền địa phương trong giải quyết tranh chấp cư dân là rất mờ nhạt.

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, hiện Luật Nhà ở 2014 cũng như các văn bản liên quan đều đã quy định các nội dung cơ bản về giải quyết tranh chấp tại các chung cư.

Trên thực tế, có thể nảy sinh một số tranh chấp mang tính tình huống nên có thể gặp một số vướng mắc. Tuy nhiên, theo ông Hà, tất cả các bên, thay vì sử dụng những biện pháp tiêu cực để ứng phó với nhau, thì nên dùng công cụ pháp lý để bảo vệ quan điểm, lợi ích chính đáng của mình.

"Với mỗi vấn đề mâu thuẫn cần phải xem xét kỹ lưỡng dưới góc độ pháp lý, hợp đồng và cam kết giữa các bên. Nếu mọi việc để xử lý theo cảm tính thì tôi cho rằng, cuộc chiến này sẽ dai dẳng và khó có hồi kết, bởi trong khi chủ đầu tư có cái lý về mặt lợi ích kinh tế, thì cư dân khi đứng ở tâm thế là 'thượng đế' nên cũng luôn mong muốn được đáp ứng mọi yêu cầu", ông Hà nói và cho biết, để giải quyết dứt điểm tranh chấp này, thì chính quyền địa phương cần thể hiện rõ vai trò của mình hơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, ở những chung cư có tranh chấp, chắc chắn giá trị dự án sẽ giảm xuống. Cả cư dân, chủ đầu tư dự án đều sẽ bị thiệt và sâu xa hơn là tâm lý sợ chung cư, ngại chung cư của người mua nhà.

Do đó vai trò trọng tài của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng trong việc giải quyết dứt điểm cuộc chiến chung cư.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, cần phải có những giải pháp kịp thời để hóa giải những mâu thuẫn đang xảy ra ở các chung cư, tránh trường hợp để câu chuyện đi quá xa sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng.

"Tôi cho rằng, các cơ quan nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền cần có suy nghĩ thấu đáo về việc tại sao người dân lại làm thế kia để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất", ông Võ cho biết.

Vai trò trung gian của chính quyền cần được nâng cao hơn nữa trong việc quan tâm, lắng nghe và giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân một cách nhanh chóng, thỏa đáng để tránh đẩy mâu thuẫn lên cao, lúc đó tranh chấp sẽ rất khó được giải quyết, ảnh hưởng tới cả người dân, chủ đầu tư và môi trường, an ninh trật tự của địa phương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản