Tín dụng bất động sản: Thêm gói ưu đãi trên trời
- 24/09/2014 08:17
 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bổ sung đối tượng mua nhà được vay vốn ưu đãi
Tín dụng BĐS tăng gấp 8 lần mức chung
BĐS: Ngân hàng, chủ dự án chung tay... vợt khách

Tính kế cho người giàu được vay ưu đãi

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), dự kiến ngay trong cuối tháng 9 này, NHNN sẽ ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 11/2013/TT-NHNN về cho vay hỗ trợ mua nhà ở.

   
  Tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 5,82%  

Theo đó, đối tượng, điều kiện và thời gian vay gói hỗ trợ nhà ở 30.000  tỷ đồng sẽ được nới rộng hơn. Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng đã thông qua chủ trương về gói hỗ trợ mua nhà ở cho cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang. Gói hỗ trợ này hướng đến những người có thu nhập trung bình khá trở lên (với tổng thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng) vay để mua căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp và nhà liền kề, lãi vay 6-7,5%/năm, thời hạn vay tối đa 10 năm.  

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, đây là một trong những biện pháp để kích cầu tín dụng. “NHNN nên triển khai gói tín dụng này trong quý IV/2014, bởi thời gian không còn nhiều. Nếu ban hành trong năm nay, thì có thể đi vào cuộc sống ngay trong năm sau. Vấn đề đặt ra là, những người làm chính sách cần phải rút kinh nghiệm từ gói 30.000 tỷ đồng để đảm bảo gói tín dụng sắp ban hành đi vào thực tế, đặc biệt là vấn đề nguồn nhà và thủ tục pháp lý”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, gói tín dụng này chỉ để “làm hàng”, bởi nếu Thông tư 11/2013/TT-NHNN được ban hành, trừ cán bộ cao cấp, sẽ không có nhiều hộ gia đình công nhân viên chức và lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn mức thu nhập trên 25 triệu đồng/tháng. Còn với ngân hàng, mức thu nhập này không phải là cao để ngân hàng mạnh dạn chi ra 2 tỷ đồng.

Bà Đào Hải Ninh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) Chi nhánh Hà Nội cho rằng: “Mức thu nhập 25 triệu đồng/tháng được đánh giá là khá trong xã hội, nhưng có thể lại không cao với các ngân hàng khi cho vay tới 2 tỷ đồng để mua nhà. Để có được tiêu chí xác định đối tượng, các ban, ngành phải ngồi lại với nhau, đồng thời lấy ý kiến thêm của các tổ chức như hội doanh nghiệp, công ty chuyên nghiên cứu về thị trường, nghiên cứu của các tổ chức về thu nhập theo khu vực”.

Sự nghi ngại của nhiều người đối với gói tín dụng bất động sản sắp ban hành là có cơ sở, bởi đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giải ngân rất chậm (khoảng 10%), còn gói 50.000 tỷ đồng liên kết 4 nhà sau nửa năm tung ra vẫn án binh bất động.

Hãy để ngân hàng tự quyết định

Theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất vay mua nhà 6-7,5%/năm với người thu nhập khá là mức lãi suất hấp dẫn, nhưng không nên cố định mức lãi suất này trong vòng 10 năm, mà chỉ nên cố định trong năm đầu tiên, nếu không sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng.  

Bà Ninh cho rằng, nên áp dụng lãi suất mở. “Thông thường, với các sản phẩm khác, ngân hàng sử dụng lãi suất huy động bình quân trên thị trường cộng biên độ 3,5%, thì mới có lãi. Song, với gói ưu đãi này, lãi suất cho vay nên cố định ít nhất  6 tháng đến 1 năm khi bắt đầu triển khai. Sau đó, điều chỉnh theo thị trường, có thể lấy lãi suất bình quân trên thị trường cộng biên độ 2,5%. Ở mức này, ngân hàng có thể không có lãi, nhưng không bị lỗ, coi như ngân hàng thực hiện một hoạt động xã hội”, bà Ninh nói.

Tuy nhiên, nếu áp dụng cách làm trên, không nhất thiết phải tung ra gói ưu đãi mới, bởi trên thị trường, rất nhiều ngân hàng đã triển khai cho vay mua nhà lãi suất ưu đãi trong 6 tháng - 1 năm đầu tiên (thậm chí là 0%/năm) và thả nổi các năm tiếp theo.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, Nhà nước chỉ nên đưa ra chính sách tín dụng nhà ở ưu đãi với phân khúc nhà ở xã hội, còn với phân khúc nhà ở trung và cao cấp, nên để cho các ngân hàng tự quyết định.

Thực tế, hiện rất nhiều chủ đầu tư các dự án nhà ở cao cấp, trung cấp liên kết với các ngân hàng để cho vay ưu đãi và đạt kết quả rất tốt (việc Vingroup bắt tay Techcombank xây dựng gói vay ưu đãi 3-7% cho khách hàng là một điển hình).

Mặt khác, thời gian qua, dù các gói tín dụng ưu đãi chậm đi vào cuộc sống, song tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng khá tốt. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 5,82% so với cuối năm 2013, riêng tín dụng bất động sản tăng tới 9,85%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản