Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ ưu tiên vốn cho các dự án nhà ở xã hội
Quang Hưng - 07/12/2016 07:58
 
Sáng nay (7/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trước đó 1 ngày, khi khảo sát mô hình nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ ưu tiên dành nguồn vốn cho các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới.
.
Sáng nay (7/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Ảnh minh họa

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả tóm tắt việc thực hiện các chính sách, chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, đến nay chương trình đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp. Trong đó, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, giai đoạn 1 (2013-2016) có 80.000 hộ người có công được triển khai hỗ trợ nhà ở, với nguồn kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng. Theo báo cáo của các địa phương, đến hết tháng 11/2016 đã hoàn thành hỗ trợ cho 91.302 hộ (trong đó có 51.064 hộ xây mới và 40.238 hộ sửa chữa, cải tạo); đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho khoảng 6.800 hộ.

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn: Giai đoạn 1 (2008 - 2012) đã hoàn thành hỗ trợ 531.000 hộ (đạt 107% so với kế hoạch); hiện nay đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg), với khoảng 311.000 hộ, theo đề án của các địa phương có 268.000 hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ đã đăng ký vay vốn. Tính đến tháng 10/2016 đã có 8.800 hộ dân được hỗ trợ vay vốn, với dư nợ khoảng 220 tỷ đồng/394 tỷ đồng mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã giao chỉ tiêu cho 57 địa phương...

Các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp: từ 2009 đến nay, cả nước đã hoàn thành  đầu tư xây dựng 179 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu m2, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỷ đồng (gồm: 97 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp); hiện nay các địa phương trên cả nước đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng (gồm: 70 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, 121 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp).

Về kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đến 31/10/2016, đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 32.841 tỷ đồng và đã giải ngân 28.588,7 tỷ đồng (đạt 87,05%). Trong đó, đã ký hợp đồng cam kết cho vay 56.181 hộ, với số tiền là 27.480 tỷ đồng; đã giải ngân cho 56.181 hộ, với số tiền là 23.226 tỷ đồng (đạt 84,52% cam kết cho vay); đã cam kết cho vay 51 dự án, đã giải ngân với số tiền là 5.361 tỷ đồng. Trong giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản, với việc thực hiện gói hỗ trợ tín dụng này và triển khai đồng bộ các giải pháp của Chính phủ theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-CP, đã góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường bất động sản hồi phục tích cực, thể hiện qua các yếu tố: giá cả ổn định; thanh khoản tăng; cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường; hàng loạt nhà ở xã hội khu vực đô thị và khu công nghiệp được triển khai trên phạm vi cả nước.

Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, giai đoạn 2009-2015, Nhà nước đã dành nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ hơn 12.600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 95 dự án nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo tại 29 địa phương và các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (tổng mức đầu tư là 19.000 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là 17.000 tỷ đồng, sau hoàn thành sẽ giải quyết chỗ ở cho khoảng 330.000 sinh viên). Đến nay đã có 88/95 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng gần 200.000 sinh viên, 7 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 82%.

 Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, nhiều doanh nghiệp đã tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đã có một số dự án trở thành mô hình tốt cả về đầu tư, chất lượng nhà ở và dịch vụ; quản lý, vận hành... Một số doanh nghiệp tiêu biểu là: Tổng công ty Becamex Bình Dương, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty IDICO, Công ty Samsung Thái nguyên, Công ty địa ốc Hoàng Quân, Công ty cổ phần thương mại Thủ đô... Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình, cá nhân cũng đã tích cực tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp thuê.

.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: baoxaydung.vn

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (tương đương 71.150 căn hộ); như vậy, so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.

Nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: Tổng hợp báo cáo của các địa phương đến năm 2020, nhu cầu khoảng 1 triệu căn hộ tương đương với khoảng 50 triệu m2. Một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn là: Hà Nội khoảng hơn 110.000 căn; Thành phố Hồ Chí Minh: 134.000 căn; Đà Nẵng: 11.500 căn; Đồng Nai: 36.700 căn; Bình Dương: 41.250 căn…

Nhu cầu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp: Theo số liệu tổng hợp của các địa phương, đến năm 2020 nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động khoảng 1,6 triệu người, (tương đương khoảng 12,8 triệu m2).

 "Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành có lúc chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, như: chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo quy định của pháp luật; trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội; chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương; thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn rườm rà, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài...", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản