Thị trường bất động sản: Yếu tố "xanh" phải được lượng hóa
Một điều rất đáng ngạc nhiên là theo khảo sát, điều tra của Bộ Xây dựng và Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC), có tới 70% đối tượng có liên quan trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng trong các dự án bất động sản không biết đến quy chuẩn này.
Chứng chỉ EDGE yêu cầu các công trình phải giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước ít nhất là 20% so với Dự án thông thường. Ảnh: Lê Toàn
Chứng chỉ EDGE yêu cầu các công trình phải giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước ít nhất là 20% so với dự án thông thường. Ảnh: Lê Toàn

Quy định có nhưng ít người biết

Tuần qua, Bộ Xây dựng và IFC đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 09:2013 về tiết kiệm năng lượng.

Quy chuẩn 09:2013 được ban hành năm 2013 quy định về việc các công trình dù là chung cư, khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại hay bệnh viện, trường học, cứ có diện tích sàn từ 2.500 m2 trở lên, thì khi xây dựng mới hoặc cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn 09 về sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng sẽ được áp dụng vào lớp vỏ công trình (mái, tường bao) và các trang thiết bị công trình như hệ thống thông gió và điều hòa, chiếu sáng, thang máy, thiết bị đun nước nóng, thiết bị quản lý năng lượng...

Hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng thể hiện ở nhiều mặt như là suất đầu tư, thời gian thu hồi vốn, giảm chi phí sử dụng năng lượng, gia tăng giá trị và khả năng định vị thương hiệu... Đây là một chỉ tiêu quan trọng trong việc đánh giá dự án xanh. Chẳng hạn như Chứng chỉ EDGE, một sáng kiến của IFC, yêu cầu các công trình phải giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu ít nhất là 20% so với một công trình điển hình. Khi các yếu tố “xanh” được lượng hóa thành các chỉ số, khách hàng sẽ có xu hướng lựa chọn các dự án “xanh” được cấp chứng chỉ.

Đánh giá lại thực tiễn áp dụng quy định này sau 3 năm triển khai, Bộ Xây dựng và IFC đã tổ chức khảo sát, điều tra thực tế tại 3 miền. Báo cáo kết quả khảo sát, TS. Nguyễn Trung Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, có khoảng 70% đối tượng liên quan như chủ đầu tư, nhà tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng, nhà thầu cung cấp thiết bị, cơ quan quản lý không nắm được quy chuẩn này.

“Quy chuẩn này là một văn bản pháp quy về kỹ thuật bắt buộc phải áp dụng trong xây dựng. Khi ban hành thì có thông báo đến các sở ngành ở địa phương và đăng công báo, sau đó là tập huấn, làm các dự án trình diễn, nhưng rất lạ là nhiều nơi không biết đến”, ông Hòa nói.

Trên thực tế, trung bình cả nước chỉ có khoảng 10% các công trình thuộc phạm vi phải tuân thủ Quy chuẩn. Có đến 9/41 tỉnh được khảo sát không có công trình có diện tích sàn từ 2.500 m2 trở lên. Trong đó, sự tuân thủ Quy chuẩn đối với lớp vỏ là 25,4%, chiếu sáng là 21%, thông gió và điều hòa là 11%, sử dụng điện năng 9,9%, thang máy 8,5% và hệ thống đun nước nóng 4,2%.

“Phần lớn chủ đầu tư thiếu thông tin và chưa quan tâm đến hiệu quả năng lượng thông qua giải pháp thiết kế, xây dựng. Nhà tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công mới chỉ quan tâm kiểm soát các yêu cầu của chủ đầu tư, quy hoạch. Cơ quan quản lý khi thẩm định thiết kế, nghiệm thu công trình xây dựng chủ yếu tập trung vào các quy định về quy hoạch, kiến trúc và sự an toàn chịu lực, an toàn môi trường, cháy nổ”, TS. Nguyễn Trung Hòa nói.

Có nhiều lý do từ phía cơ quan quản lý được đưa ra như là nội dung quy định phức tạp, năng lực của nhà tư vấn hạn chế, chưa có cán bộ quản lý chuyên sâu, số lượng cán bộ thẩm định ít trong khi số lượng công trình nhiều, chế tài chưa đủ mạnh.

“Xanh” không tốn kém!

Ông Poul E. Kristensen, cố vấn kỹ thuật của IFC chia sẻ, tại Đan Mạch, những thay đổi nhỏ trong quy chuẩn xây dựng có thể mang lại lợi ích lớn trong việc thực hiện dự án xanh - tiết kiệm năng lượng. Hiện tại, nhu cầu sử dụng năng lượng ở các tòa nhà tại Đan Mạch đã giảm tới 80% so với năm 1961 khi việc tiết kiệm năng lượng bắt đầu được đặt ra.

“Mặc dù chi phí đầu tư tăng thêm khi ‘xanh hóa’ khiến chủ đầu tư phải chi thêm khoảng 2 - 5% chi phí xây dựng. Tuy nhiên, khả năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 60% và chỉ mất từ 3 - 6 năm là chủ đầu tư có thể hoàn vốn”, ông Poul E. Kristensen cho biết.

Tại Việt Nam, từ sau khi được giới thiệu chính thức vào tháng 6/2015, Chứng chỉ EDGE đã được triển khai tại nhiều công trình chung cư cao tầng, văn phòng, khu thương mại, khách sạn và cả bệnh viện tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện có khoảng 500.000 m2 sàn xây dựng được cấp chứng chỉ (9 dự án) và 500.000 m2 khác đang trong giai đoạn đánh giá.

Theo IFC, sự quan tâm đến các tiêu chuẩn xanh nói chung đang ngày càng tăng, không chỉ các dự án cao cấp mà cả các dự án trung bình. Điển hình với công trình Ecohome Phúc Lợi của chủ đầu tư Capital House đã được cấp chứng chỉ EDGE trong giai đoạn thiết kế vào tháng 10 vừa qua. Chỉ trong 12 ngày mở bán, công trình đã bán được 220 căn hộ, vượt dự đoán trước đó của chủ đầu tư. Đặc biệt, để đạt được chứng chỉ EDGE, chủ đầu tư công trình này chỉ phải đầu tư thêm 1% so với mức đầu tư ban đầu.

Các công trình đạt chứng chỉ xanh tại Việt Nam và tại các nước lân cận có cùng điều kiện khí hậu và kinh tế đã cho thấy bài toán công trình xanh là hoàn toàn khả thi trong khoảng chi phí từ 1% đến dưới 5%. Tất nhiên, bài toán chi phí luôn phải đi đôi cùng bài toán lợi ích khi công trình xanh có thể giảm tới 60% chi phí điện nước để vận hành tòa nhà trong suốt 50 năm sau đó.

Chính vì vậy, ông Poul E. Kristensen cho rằng, các chủ đầu tư không nên e ngại vấn đề chi phí và nên nắm bắt cơ hội cải thiện các yếu tố tiết kiệm năng lượng của công trình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản