Thị trường bất động sản: Còn nhiều dự án chờ được giải cứu
Gia Huy - 26/03/2020 15:39
 
Sau cuộc gặp giữa doanh nghiệp bất động sản với lãnh đạo UBND TP.HCM cuối tháng 2/2020, đã có nhiều dự án được giải cứu, nhưng danh sách dự án gặp khó khăn vẫn còn dài.
Dự án The Sun Avenue của Tập đoàn Novaland vừa được giải cứu. Ảnh: Gia Huy
Dự án The Sun Avenue của Tập đoàn Novaland vừa được giải cứu. Ảnh: Gia Huy

Nhiều dự án được giải cứu

Tại cuộc gặp với lãnh đạo UBND TP.HCM cuối tháng 2/2020, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành đã phản ánh khó khăn của doanh nghiệp tại Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (huyện Bình Chánh). Cụ thể, Công ty đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư Dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 3/2019, nhưng chưa được chấp thuận vì những bất hợp lý giữa các thông số kỹ thuật trong đồ án quy hoạch.

Ngay tại cuộc gặp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phải xử lý ngay khó khăn của Công ty Lê Thành. “Chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM như ‘giấy thông hành’ giúp dự án của chúng tôi thoát khỏi bế tắc”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, sau cuộc gặp, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã thống nhất với Công ty Lê Thành về phương án sử dụng mương thoát nước nội đồng cắt qua Dự án Lê Thành Tân Kiên và tầng cao xây dựng công trình, từ đó xác định các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc khác và tiến hành lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cho Dự án.

Ngoài ra, với chủ trương mỗi tuần, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố phụ trách mảng đô thị, xây dựng gặp mặt 3 doanh nghiệp bất động sản để giải quyết khó khăn của từng dự án, tới nay, đã có nhiều dự án của những doanh nghiệp như Phúc Khang, Quốc Cường Gia Lai được tháo gỡ một phần khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cho biết, 6 dự án trong số 12 dự án “đứng hình” trong năm 2019 của Công ty đã được giải quyết khó khăn để triển khai xây dựng.

Còn theo ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành đã dần tháo gỡ các vướng mắc tại một số dự án của Tập đoàn như Khu chung cư Cô Giang tại số 100 - Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1; Trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4; Khu cao ốc căn hộ thương mại tại phường Thảo Điền, quận 2 và Cao ốc Thương mại và căn hộ tại số 1W - Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh…

Phía Công ty Phúc Khang cho biết, dự án tại đường Lũy Bán Bích của doanh nghiệp này bị dừng triển khai từ năm 2017 đã được TP.HCM gỡ khó để hoàn thành thủ pháp lý và có thể triển khai trong năm nay…

Danh sách vẫn còn dài

Cho rằng, những động thái trên của Thành phố là tích cực, song ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho biết, thực tế còn rất nhiều vướng mắc, trong đó, lớn nhất là vướng mắc trong lĩnh vực đất công, thuộc thẩm quyền xử lý của Trung ương.

Theo ông Châu, loại đất công đầu tiên gặp vướng mắc là đất có nguồn gốc từ Nhà nước quản lý, theo quy định phải đấu giá, nhưng trước đây các cơ quan chức năng lại giao chỉ định, dẫn đến dự án bị dừng lại để xem xét lại pháp lý.

Đơn cử Dự án Water Bay nằm trên trục đường Mai Chí Thọ, phường Bình Khánh, quận 2 được Novaland giới thiệu ra thị trường năm 2018. Khu đất của dự án này được Novaland mua lại quỹ đất của Công ty TNHH Phát triển quốc tế thế kỷ 21. Dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư và từng bước hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan.

“Tuy nhiên, việc Dự án phải dừng lại đã và đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Tập đoàn, lợi ích của nhà đầu tư, cũng như môi trường kinh doanh của TP.HCM. Novaland đã gửi đơn thư giải trình đến Chính phủ và bộ, ngành để kiến nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong thời gian sớm nhất”, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết.

Tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản với lãnh đạo UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, vướng mắc tại dự án trên của Novaland thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương.

Được biết, trong tổng số 158 dự án thuộc diện đất công bị rà soát cơ sở pháp lý, các cơ quan chức năng đã cho phép 124 dự án vận hành trở lại.

Theo ông Châu, loại đất công thứ hai gặp vướng mắc là những kênh mương nội đồng, lối mòn… được xếp vào diện đất công nằm xen kẹt trong các dự án. Hiện vẫn chưa có phương án xử lý loại đất này, dù đã tốn rất nhiều giấy mực “kiến nghị”, “đề xuất”, “kêu cứu”…

“Thực tế có cách hiểu rất khác nhau về đất công, khi thuật ngữ này không có trong Luật Đất đai. Các cơ quan chức năng phải hướng dẫn thi hành, chứ không thể bắt cuộc sống dừng lại để chờ nghiên cứu luật được”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Hai dự án lớn chờ giải cứu

Trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ năm 2004, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long đã thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định và được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Tuy nhiên, đến nay, tại phân khu số 15 vẫn còn một số hộ dân không chịu di dời, khiến Công ty không thể triển khai dự án. Chủ đầu tư đã có nhiều văn bản gửi UBND TP.HCM, UBND huyện Nhà Bè và các sở, ngành kiến nghị giải quyết; UBND Thành phố cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về nội dung này.

Dự án Charmington Iris tại quận 4 do Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP (Sabeco HP) làm chủ đầu tư được UBND TP.HCM cấp phép xây dựng năm 2018. Khi Dự án đang làm móng và đã bán nhà hình thành trong tương lai cho khách hàng, thì UBND Thành phố lại thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp cho doanh nghiệp. Đến nay, Trung ương đã có kết luận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án này không có sai phạm, nhưng TP.HCM vẫn chưa cấp giấy phép xây dựng lại cho Dự án.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản