Thị trường bất động sản: “Chuẩn ngoại” cho các dự án nội
Thời gian qua, nhiều dự án từ chung cư cho đến bất động sản nghỉ dưỡng rầm rộ quảng bá được tư vấn thiết kế và vận hành bởi các đối tác ngoại.

Trào lưu ngoại

Trong hai năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2017, làng bất động sản rộ lên trào lưu “đính kèm” yếu tố ngoại với dự án nội. Phần lớn các dự án được khởi công từ cuối năm 2016 hoặc trong năm 2017 đều đang trong quá trình triển khai, nên chất lượng cụ thể vẫn đang đợi câu trả lời ở thì tương lai.

Nhận định về xu hướng này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc các chủ đầu tư lựa chọn đối tác ngoại về tư vấn thiết kế, quản lý vận hành là điều dễ hiểu, vì họ có uy tín thương hiệu, kinh nghiệm tổ chức quản lý, huấn luyện, đào tạo cho các nhân viên. Cái bắt tay này sẽ giúp các dự án nội có được chất lượng thực và doanh nghiệp nội học hỏi được kinh nghiệm quản lý, tận dụng uy tín thương hiệu của các đối tác.

Chất lượng dịch vụ tại các khu nghỉ dưỡng luôn có  vai trò gần như quyết định đến sự hài lòng của du khách.
Chất lượng dịch vụ tại các khu nghỉ dưỡng luôn có vai trò gần như quyết định đến sự hài lòng của du khách.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, người có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Mỹ cũng cho biết, việc nhiều chủ đầu tư mượn danh tiếng của các đối tác ngoại là điều dễ hiểu. Bởi ngoài việc hợp tác và mang lại các giá trị thực, thì luôn có một điều mà các chủ đầu tư nhắm đến đó là lợi thế thương hiệu. Dự án gắn mắc ngoại bao giờ cũng được cho là sang trọng, uy tín.

Theo các chuyên gia, hiện nay, hạn chế của phần đông các doanh nghiệp Việt Nam là trình độ quản lý, vận hành và thiết kế các dự án còn có khoảng cách so với các nước có thị trường bất động sản phát triển. Trong khi đó, khách hàng ngày càng kỹ tính hơn, đòi hỏi cao hơn để hưởng thụ môi trường sống xứng đáng với số tiền bỏ ra khi mua các sản phẩm bất động sản.

Áp lực này cùng với việc thị trường bất động sản trong nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, khiến các chủ đầu tư buộc phải tính đến phương án nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Trong đó, phương án bắt tay khối ngoại là giải pháp được ưu tiên.

Nhân tố tích cực

Sự tham gia của các đơn vị tư vấn thiết kế, quản lý, vận hành tòa nhà quốc tế đã mang đến nhiều yếu tố tích cực cho thị trường khi góp phần cùng chủ đầu tư kiến tạo nên các sản phẩm chất lượng, hiện đại và văn minh. Không chỉ mang đến trình độ quản lý, vận hành dự án một cách hiệu quả, các đối tác ngoại còn mang đến một phong cách quản trị, đào tạo nhân sự chuyên nghiệp. Với các trường hợp hợp tác nghiêm túc, doanh nghiệp Việt sẽ học hỏi, tiếp cận được nhiều kiến thức, tư duy phát triển mới, theo chuẩn quốc tế.

Hợp tác với đối tác ngoại đang là mốt của các doanh nghiệp bất động sản.
Hợp tác với đối tác ngoại đang là mốt của các doanh nghiệp bất động sản.

Chia sẻ với phóng viên Đặc san Bất động sản về vai trò của dòng vốn ngoại cũng như việc các đơn vị tư vấn, thiết kế nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam nhận xét: “Với góc nhìn là người sử dụng sản phẩm, sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại chính là động lực giúp thúc đẩy thị trường trưởng thành nhờ vào kinh nghiệm và chuyên môn mà họ mang đến. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy các bên tham gia phải đặt nhiều tài nguyên vào chiến lược phát triển dài lâu, nghiên cứu cải tiến sản phẩm, năng lực quản trị để tránh bị đào thải. Một thị trường mở, phát triển tích cực như vậy sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng”.

Cũng theo các chuyên gia, một lý do khác khiến việc lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, quản lý, vận hành nước ngoài trở thành mốt là bởi tâm lý sính ngoại của người Việt đã ăn sâu vào mọi mặt, từ mặt hàng tiêu dùng, cho đến cả lĩnh vực bất động sản.

Theo Ths. Trang Minh Hà, Giám đốc điều hành Trường Quản lý khách sạn Toàn Cầu GlobalHM, tâm lý cho rằng hàng ngoại chất lượng tốt hơn hàng nội xuất hiện từ lâu, với nhiều lĩnh vực, trong đó bất động sản cũng không ngoại lệ. Với các dự án ở Việt Nam, hoàn toàn có thể thiết kế theo phong cách nhiệt đới, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chuộng phong cách kiến trúc châu Âu, châu Mỹ và La tinh. Cách quản lý khai thác và vận hành tòa nhà, khu du lịch cũng diễn ra tương tự như thế.

Có “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”?

Bên cạnh các doanh nghiệp hợp tác với đơn vị tư vấn thiết kế, quản lý vận hành nước ngoài để sử dụng dịch vụ, sự quản lý theo tiêu chuẩn cao, thì cũng có không ít doanh nghiệp chỉ mượn danh tiếng của đối tác với mục đích chính là quảng cáo dự án, như một chiêu trò truyền thông.

“Hiện nay, có một số chủ đầu tư chỉ sử dụng bản quyền của các thương hiệu ngoại chứ không sử dụng dịch vụ thực sự. Tuy nhiên, trường hợp này cũng không nhiều và đa phần các thương hiệu ngoại chấp nhận điều này cũng không hẳn là các thương hiệu thực sự nổi tiếng hay có bề dày thương hiệu. Các tập đoàn lớn có chế độ hợp tác và bảo vệ thương hiệu rất chặt chẽ, sẽ không dễ để các doanh nghiệp Việt mượn tên chỉ để sử dụng cho mục đích truyền thông đơn thuần”, ông Đính nhận xét.

Ngoài việc hợp tác và mang lại các giá trị thực, thì luôn có một điều mà các chủ đầu tư nhắm đến đó là lợi thế thương hiệu.

Năm 2017 ghi nhận trường hợp một chủ đầu tư lớn bắt tay hợp tác cùng một tập đoàn danh tiếng quốc tế để phát triển một dự án bất động sản nghỉ dưỡng (gồm hạng mục khách sạn, condotel). Tuy nhiên, cái bắt tay này đã không suôn sẻ khi chủ đầu tư Việt mượn tên đối tác ngoại để PR cho dự án condotel của mình. Đối tác ngoại không đồng ý và cho rằng, thương hiệu của họ chỉ gắn với mảng khách sạn. Trong hệ thống thương hiệu của đối tác này không hề có loại hình condotel và họ coi hành động này làm “rẻ rúng” thương hiệu tập đoàn, dọa sẽ chấm dứt hợp tác nếu doanh nghiệp Việt tiếp tục dùng thương hiệu tập đoàn để PR cho sản phẩm condotel.

Câu chuyện này cũng nhùng nhằng một thời gian và chỉ đi đến hồi kết khi chủ đầu tư Việt đành phải bỏ tên đối tác ngoại ra khỏi dòng sản phẩm condotel và các hoạt động truyền thông liên quan.

Trường hợp khác, trước mỗi dịp công bố dự án ra công chúng, không ít chủ đầu tư đều trải thảm đỏ để mời những nhân vật nước ngoài có tiếng trong lĩnh vực tư vấn thiết kế hoặc quản lý dự án về hợp tác. Tuy nhiên, sau giai đoạn truyền thông dọn đường, giới thiệu dự án ra công chúng, thì sự hợp tác này cũng lập tức dừng lại.

Hợp tác chớp nhoáng, sử dụng ngắn hạn nhưng hiệu ứng truyền thông, quảng cáo cho dự án lại khá rõ rệt và đây cũng đang là một thực tế, vẫn diễn ra đâu đó trong làng bất động sản Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản