Tạo lập thị trường xây dựng minh bạch
Quang Hưng - 05/04/2019 07:59
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế - Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc triển khai Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng đã hạn chế dự án đội vốn, tạo thị trường minh bạch, cạnh tranh trong đầu tư xây dựng.
.
Ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế - Xây dựng (Bộ Xây dựng).

Sau hơn 1 năm triển khai Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng theo Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, theo ông, những vấn đề gì cần tiếp tục bổ sung để hoàn thiện định mức giá xây dựng trong các dự án đầu tư?

Những năm qua, ngành xây dựng đã có những bước tiến trong tiếp cận công nghệ mới và hiện đại, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước phát triển. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh tế xây dựng và phát triển đô thị còn một số tồn tại, chưa phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đơn cử, hệ thống giá chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường. Giá nhân công được chia 2 nhóm, trong khi đó, thị trường có trên 50 loại công việc có giá nhân công khác nhau. Đối với giá vật liệu, chúng ta cũng mới quan tâm đến chất lượng, chứ chưa quan tâm đến giá theo số lượng và điều kiện cung cấp. Giá ca máy cũng tương tự. Như thế, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống giá để đảm bảo tính đúng, tính đủ và phù hợp với cơ chế thị trường.

Việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về định mức và giá xây dựng tác động như thế nào tới hiệu quả đầu tư công và việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thưa ông?

Tác động của Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng đến hiệu quả đầu tư là rất tích cực. Đó là, đảm bảo việc tính đúng, tính đủ và tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh với các dự án đầu tư công, bao gồm các dự án sử dụng vốn nhà nước, các dự án sử dụng vốn ngân sách và các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Việc tính đúng, tính đủ đòi hỏi phải điều tra thị trường, xử lý số liệu khách quan, phản ánh đúng năng suất, hiệu quả thực tế để thực hiện dự án xây dựng.

Khi chúng ta tính đủ chi phí, dự án sẽ thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đảm bảo môi trường và các yêu cầu khác về quản lý; tránh thất thoát, lãng phí; hạn chế việc trốn thuế, chuyển giá của nhiều dự án.

Thực tế, các doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc vì sự chồng chéo của hệ thống định mức và giá xây dựng. Ví dụ, có những định mức được Bộ Xây dựng đưa ra khác với Bộ Công thương... Vấn đề này được giải quyết như thế nào?

Cơ chế mới trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước, sau một thời gian, phải xem xét lại đơn giá nhân công, sau hai năm rà soát lại toàn bộ hệ thống định mức. Hàng năm, khi có công nghệ mới phải chủ động để xây dựng định mức và giá. Khi xét thầu cũng tính đến yêu tố giá với tiến độ, công nghệ thi công của nhà thầu.

Được biết, Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng sẽ có sự tham gia của 7 bộ, ngành và các địa phương. Để Đề án thực sự đi vào cuộc sống, theo ông, cần thực hiện những giải pháp gì?

Có thể thấy, hiện nay, sự vào cuộc của các bộ và các địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu.

Vì vậy, để Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng thực sự đi vào cuộc sống, cần thực hiện 2 nhiệm vụ lớn.

Thứ nhất, rà soát lại các định mức đã có, xây dựng các phương pháp định mức mới và giá mới và xây dựng cơ sở dữ liệu giá thị trường.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác truyền thông để những đối tượng chịu tác động của Đề án này hiểu và hiểu thấu đáo, từ đó giúp Đề án đi vào cuộc sống tốt hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản