Sự im lặng đáng sợ của 137 dự án "chết"
Gia Huy - 07/05/2016 08:47
 
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Thành phố hiện còn 137 dự án ngừng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư. Mặc dù đã có nhiều biện pháp, nhưng những dự án chết này vẫn im ắng đến đáng sợ.
Dự án cao ốc Saigon One
Dự án cao ốc Saigon One "đứng hình" suốt 3 năm nay

Những công trình bỏ dở

Nằm ngay tại chân cầu Khánh Hội (quận 1) là Dự án cao ốc Saigon One do Công ty cổ phần M&C làm chủ đầu tư. Dự án này được khởi công từ năm 2007, bao gồm khối trung tâm thương mại - dịch vụ cao 6 tầng, khối văn phòng đạt chuẩn quốc tế cao 34 tầng và khối căn hộ với 133 căn hộ cao cấp, cùng các dịch vụ tiện nghi khác. Tổng vốn đầu tư theo công bố ban đầu là 200 triệu USD. Tuy nhiên, Dự án ngừng thi công từ 3 năm nay.

Tại cửa ngõ phía Đông vào trung tâm Thành phố, trên đường Điện Biên Phủ thuộc quận Bình Thạnh có Dự án cao ốc hạng sang DB Tower với quy mô 3 tầng hầm và 22 tầng cao, được khởi công từ năm 2010. Đến giữa năm 2012, khi đã đổ xong phần sàn thô thì chủ đầu tư dừng thi công. Dự án này do Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Cận Viễn Đông làm chủ đầu tư.

Bên cạnh DB Tower là Dự án tòa nhà văn phòng V-Ikon, cũng xây xong phần thô, đang lắp kính thì dừng thi công 2 năm nay, do chủ đầu tư không còn khả năng tài chính. Theo thiết kế, đây là tòa nhà văn phòng hạng A, có chiều cao 125,8 m, gồm 4 tầng hầm và 26 tầng cao.

Tại quận 7 cũng xuất hiện khá nhiều dự án xây dựng dang dở rồi bỏ đấy, như Dự án Kenton Residences. Dự án này nằm gần ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Theo tìm hiểu, dự án này được xây dựng từ năm 2005 do Công ty TNHH Tài Nguyên làm chủ đầu tư, với tổng vốn khoảng 300 triệu USD. Sau thời gian xây dựng, công trình đã ngưng hoạt động từ năm 2008.

Tại tâm điểm của thị trường bất động sản quận 2 xuất hiện cao ốc PetroVietnam Landmark (phường An Phú). Dự án do Công ty Bất động sản xây lắp dầu khí (PVC Land) làm chủ đầu tư. Đây được coi như một “Tổ hợp công trình Chung cư cao cấp - Trung tâm Thương mại - Văn phòng”, được xây dựng trên khu đất 1,9 ha, triển khai từ năm 2009 - 2010, nhưng đã ngừng hoạt động.

Không chỉ dự án cao ốc chết, mà cả các dự án biệt thự, đất nền cũng trong cảnh tương tự. Chẳng hạn, Dự án khu biệt thự của Công ty Hà Đô tại khu Thạch Mỹ Lợi (quận 2) hay hàng chục căn biệt thự tại Dự án Khan An (quận 9) hiện đang bỏ hoang.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, các dự án dở dang có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất là doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn. Tuy nhiên, cũng có dự án do nhà đầu tư chủ động tạm dừng để đánh giá lại nhu cầu thị trường. Đây là hệ quả của giai đoạn thị trường nóng giai đoạn 2007 - 2008.

Sau khi thị trường bất động sản hồi phục, chủ đầu tư cũng như phía ngân hàng và Sở Xây dựng đã có nhiều biện pháp nhằm hồi sinh các dự án này, nhưng đều “bất khả thi”.

Chết vì không đủ năng lực tài chính

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, lỗi phần lớn do doanh nghiệp chạy theo thị trường. Nhìn tổng thể các dự án “chết” này, có thể thấy, đây là những dự án thuộc phân khúc căn hộ cao cấp. Thời điểm thị trường phát triển mạnh (2007), các chủ đầu tư đua nhau phát triển dự án phân khúc cao cấp, không đủ vốn thì tìm cách vay vốn để phát triển dự án nhằm kiếm lời. Thế nhưng, đúng lúc các dự án này đang xây dựng thì thị trường đóng băng, ngân hàng ngừng cho vay, những chủ đầu tư không còn tiền thực hiện tiếp dự án buộc phải ngừng thi công.

Một ví dụ điển hình của việc chủ đầu tư không đứng bằng đôi chân tài chính của mình là Dự án Kenton Residences. Để có tiền thực hiện Dự án, chủ đầu tư đã phải vay khá nhiều vốn từ ngân hàng, nhưng khi thị trường biến động, hàng không bán được, mà tiền vay ngân hàng sau nhiều năm đã biến thành con số khủng, khiến chủ đầu tư không thể chi trả.

Trường hợp khác, Dự án Saigon One đang bị thế chấp tại Ngân hàng BIDV. Dự án Dự án Saigon One chết đã để lại gánh nặng cho BIDV. Để có thể thu lại số tiền lớn mà chủ đầu tư đang nợ, BIDV phải tự mình đi tìm đối tác mua lại dự án đó.

Thực tế thời gian qua, các chủ đầu tư đua nhau xây dựng những dự án cao cấp, mà quên đi phân khúc nhà ở giá rẻ, dù các chủ đầu tư đều biết, nếu xây dựng những dự án nhà giá rẻ sẽ rất dễ bán do nhu cầu mua nhà của người dân ở phân khúc này đang rất lớn, vượt xa nguồn cung. Tuy nhiên, các chủ đầu tư ít nhiệt tình với phân khúc này bởi mức lợi nhuận không cao.

Theo ông Lê Hoàng Châu, với thực tế hiện nay, rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án, để vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.

“Muốn giải quyết được tảng băng này, Chính phủ phải vào cuộc để giúp doanh nghiệp bởi theo Luật Kinh doanh bất động sản, phải có sổ đỏ mới được chuyển nhượng, nhưng hiện nay, chủ đầu tư các dự án “chết” chưa có sổ đỏ vì chưa hoàn thành việc đóng tiền sử dụng đất”, ông Châu nói.

Nhằm tránh tình trạng dự án chết như hiện nay, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, đối với những dự án cao cấp, các chủ đầu tư phải có đủ nguồn lực tài chính để xây dựng và các ngân hàng không nên cho vay đối với các dự án này. Lý do là, nếu xảy ra biến cố thị trường thì những khoản vay này ngay lập tức biến thành những khoản nợ khó đòi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản