Sống bất an tại chung cư thiếu chuẩn
Chung cư vốn là một nơi cư trú có độ an toàn cao, nhưng sự bất cẩn của người sử dụng và việc chưa có một quy chuẩn an toàn chung cư khoa học khiến nhiều tai nạn xảy ra.
Các tòa chung cư ở Linh Đàm đã chủ động lắp lưới bảo vệ sau hàng loạt vụ tai nạn thương tâm xảy ra
Các tòa chung cư ở Linh Đàm đã chủ động lắp lưới bảo vệ sau hàng loạt vụ tai nạn thương tâm xảy ra

Những tai nạn thương tâm

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại một số khu chung cư trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM khiến nhiều người dân sống trong các khu chung cư lo lắng về sự an toàn cho con cái và chính bản thân mình.

Chẳng hạn, ngày 27/5/2017, một bé trai 5 tuổi sinh sống tại tầng 17 của Chung cư New Sky Line thuộc Khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội do HUD làm chủ đầu tư  đã trèo lên ghế và cúi xuống rồi lộn qua lan can cửa sổ, rơi xuống sân chung cư tử vong.

Ngày 12/12/2018, sau khi đưa tiễn người ông vừa qua đời, bé L.H.H (5 tuổi) được mẹ để ở nhà một mình rồi đi chợ. Bé đã chạy ra ban công Khu tập thể 137 Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM để chơi và bị rơi xuống vỉa hè tử vong.

Ngày 23/12/2018, bé gái 5 tuổi tử vong tại chỗ khi rơi từ tầng 9, căn hộ Block A, Chung cư Thủ Thiêm Sky, đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. Ngày xảy ra tai nạn, cha mẹ của bé do bận việc nên đưa con đến gửi ông bà nội đang sống tại chung cư Thủ Thiêm Sky. Nhưng do ông bà cũng đang bận việc, chưa về nhà ngay được nên người mẹ mở cửa căn hộ, để con lại rồi khóa cửa đi. Theo nhận định của cơ quan điều tra, nhiều khả năng bé gái hiếu động đã leo lên bệ đỡ ở gần ban công căn hộ và trượt chân rơi xuống đất.

Ngày 1/1/2019, một bé trai 4 tuổi người nước ngoài đã tử vong sau khi rơi từ tầng cao xuống ban công tầng 8 chung cư River Gate, quận 4, TP.HCM.

Tối 3/3, một bé trai 5 tuổi đã bất ngờ rơi từ cửa sổ một căn hộ tầng 3 tòa nhà Rice City - Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) xuống dưới sảnh, tử vong…

Gần đây nhất là tối 31/3 một bé trai 3 tuổi rơi từ tầng 6 Chung cư 5B Khu đô thị Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tử vong.

Theo ông Hồ Trọng Thắng, Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn, được biết, người bố trong lúc đi ra ngoài đã để cậu con trai lớn khoảng 10 tuổi và bé trai 3 tuổi ở trong nhà. Sau đó, cháu trai lớn sang nhà hàng xóm chơi và khóa cửa để em bé ở nhà một mình. Trong lúc ở nhà một mình, cháu bé 3 tuổi đã trèo qua ô thoáng nhà vệ sinh rồi rơi xuống đất.

Những vụ việc đau lòng này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn cho trẻ nhỏ tại các chung cư, nhà cao tầng, đặc biệt là ở khu vực lan can, ban công, cửa sổ, ô thoáng.

Sự việc cũng khiến nhiều người e ngại về mức độ “chuẩn” an toàn xây dựng của các chung cư, tòa nhà cao tầng, cũng như nhận thức của người lớn trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ nhỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Hồng Thắng, ở Chung cư B4 Khu đô thị Mỹ Đình 1 cho biết, rất nhiều người dân ở các chung cư cao tầng rơi vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”, không lo phòng ngừa để tránh các vụ tai nạn đáng tiếc. Ngay tại Khu đô thị Mỹ Đình 1, sau vụ tai nạn thương tâm tại Chung cư B5 hôm 31/3 vừa rồi, thì mọi người mới hò nhau đi hàn lan can, lắp lưới bảo vệ an toàn hành lang và các ô thoáng, cửa sổ cho gia đình mình.

“Hầu hết các lan can, ô thoáng ở chung cư hiện nay rất nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là trẻ nhỏ. Mặt khác, người dân không được tiếp cận các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng chung cư, nhà cao tầng, nên khi mua không biết được để từ chối những dự án sai quy định hoặc yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy định”, ông Thắng cho hay.

Anh Hùng, ở CT4 Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, khi mua nhà, đa số người dân chỉ quan tâm đến giá cả, mà bỏ quên đi yếu tố quan trọng là chất lượng và an toàn khi sử dụng.

“Thật xót xa cho những vụ tai nạn thương tâm gần đây xảy ra trong khu vực chúng tôi sinh sống. Qua đó, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho mọi người khi lựa chọn mua chung cư. Người dân nên chủ động lắp đặt các lan can, song sắt, lưới bảo vệ gia đình ở các khu vực có ô thoáng, hành lang”, anh Hùng khuyên.

Nhiều chủ đầu tư bỏ qua quy chuẩn

Trong QCXDVN 01:2008/BXD Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng đã có một số quy định về chỉ tiêu số tầng cao, mật độ xây dựng và khoảng lùi, khoảng cách giữa các dãy nhà, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, hạ tầng nhiều khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư không đồng bộ. Việc kết nối hạ tầng với khu vực xung quanh chưa tốt. Hạ tầng xã hội trong các khu nhà ở, khu đô thị như xây dựng trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… không được chủ đầu tư thực hiện theo quy hoạch, chưa đúng các quy định hiện hành dẫn đến việc bất cập trong công tác quản lý cho chính quyền địa phương, không đáp ứng được nhu cầu cho khu dân cư.

Với các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc xây dựng các chung cư cao tầng với mật độ quá cao sẽ dẫn đến quá tải cho hệ thống hạ tầng, cũng như khó đáp ứng được các nhu cầu tiện nghi cho người ở.

QCXDVN 01:2008/BXD quy định quy hoạch sử dụng đất đối với đất đơn vị ở tối thiểu phải đạt 8 m2/người và không lớn hơn 50 m2/người. Các khu đô thị hiện hữu gần như đáp ứng đủ chỉ tiêu này, nhưng diện tích cho các hoạt động của người dân như không gian giao tiếp công cộng, vườn hoa, sân chơi và thậm chí là diện tích để xe không đủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, trên thực tế đã có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, cả về mật độ xây dựng và diện tích sân chơi công cộng cho người dân. Tuy nhiên, các chủ đầu tư toàn “ăn bớt” diện tích sân chơi công cộng để xây dựng và mật độ xây dựng cao hơn so với quy định hiện hành.

Ngoài hệ thống kỹ thuật đô thị thiết yếu như điện, nước đã được cung cấp tương đối đầy đủ, thì hệ thống hạ tầng xã hội chưa được nhà đầu tư thực sự chú trọng. Mặc dù các dự án đều có quy hoạch trường mầm non và tiểu học, nhưng thực tế đến nay không ít khu đô thị vẫn chưa có trường học.

Mặt khác, QCXDVN 01:2008/BXD quy định cây xanh trong đơn vị ở tối thiểu là 2 m2 /người, trong đó cây xanh nhóm ở phải đạt 1 m2/người và yêu cầu bảo vệ nguồn nước, đảm bảo phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên thực tế, trong các khu đô thị hầu như thiếu vắng mảng xanh. Với mục đích chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư tăng mật độ xây dựng, nên lấy cả phần diện tích cây xanh, mặt nước.

Theo Thạc sĩ Trần Thanh Ý, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, việc xây dựng các chung cư cao tầng trong khu vực nội thành theo lợi ích của nhà đầu tư, không chú trọng đến môi trường, cảnh quan đô thị, xây dựng sát chỉ giới đường đỏ, nhiều công trình không tạo được cảnh quan kiến trúc đô thị hài hoà, không khớp nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật… vẫn là những tồn tại của nhiều dự án.

Những yếu tố về tổ chức mặt bằng, số chỗ đậu xe ô tô, cầu thang, thang máy… các nhà đầu tư thường không chú trọng để giảm suất đầu tư, mà chỉ tập trung vào căn hộ mẫu, vật liệu hoàn thiện, vị trí, tiện ích công cộng (để thu phí) và tạo ra sức hút thông qua quảng cáo tiếp thị.

“Phát triển chung cư cao tầng là xu hướng tất yếu trong các đô thị hiện nay, nhưng nhất thiết phải có nghiên cứu đầy đủ từ khâu thiết kế xây dựng và quản lý vận hành nhà chung cư nhằm đáp ứng yêu cầu của một khu đô thị mới theo tiêu chí phát triển khu ở bền vững”, ông Ý nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản