Quảng Ninh xây dựng thành phố thông minh: Đích đến đã cận kề
Thu Lê - 29/11/2019 21:14
 
Từ năm 2016, với Đề án Triển khai mô hình thành phố thông minh, tỉnh đang dần tiến đến đích, đó là đứng trong top các thành phố thông minh của Việt Nam và ASEAN vào năm 2030.
Quảng Ninh khai trương vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông tinh của tỉnh. Ảnh: Đỗ Phương
Quảng Ninh khai trương vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh. Ảnh: Đỗ Phương

Những khởi đầu ấn tượng

Ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh cho biết, Đề án được xây dựng và triển khai với nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm. Theo đó, người dân vừa là người thụ hưởng và cũng là người đóng góp, xây dựng, phát triển các dịch vụ, thông qua việc sử dụng, phản hồi, cung cấp thông tin cho thành phố thông minh. Thực hiện nguyên tắc đó, các ứng dụng công nghệ thông tin phải cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo môi trường, cuộc sống tươi đẹp.

Về lộ trình, đến cuối năm 2020, TP. Hạ Long cơ bản trở thành thành phố thông minh của Việt Nam; Định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành một thành phố thông minh, hiện đại đứng trong top các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN. Trong đó, Đề án Triển khai mô hình thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020 được thực hiện trên nền tảng Chính quyền điện tử giai đoạn I, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, giao thông, du lịch, an ninh trật tự…

Với 32 nhiệm vụ, dự án của Đề án được duyệt, đến nay, kết quả thực hiện đã rất khả quan. Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh, Quảng Ninh là địa phương cấp tỉnh/thành phố đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã xây dựng và ban hành kiến trúc thành phố thông minh cấp tỉnh. Khung kiến trúc thành phố thông minh đã được Cục Tin học hoá - Bộ Thông tin và Truyền thông cho ý kiến tham gia, hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với Khung tham chiếu ICT về đô thị thông minh do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Đến thời điểm hiện tại, Đề án đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Trong lĩnh vực y tế, đã triển khai Dự án Xây dựng 3 bệnh viện thông minh (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy và Sản nhi) hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, việc cung cấp dịch vụ y tế thông minh từ “thụ động” chuyển sang hướng “chủ động”. Tại 3 bệnh viện này sau đầu tư đã được đánh giá đạt mức độ 4 về ứng dụng Công nghệ thông tin trong bệnh viện theo Thông tư số 54/2017/TT - BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế.

Trong lĩnh vực giáo dục đã triển khai 3 dự án về xây dựng trường, lớp học thông minh trên địa bàn TP. Hạ Long và trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 46 trường với 551 lớp học tiên tiến, thông minh.

Trong lĩnh vực môi trường, thông qua Đề án, đã có 86 trạm quan trắc được xây dựng, giúp nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tăng tính minh bạch và yêu cầu thông tin của người dân.

Quảng Ninh đã cung cấp hệ thống wifi miễn phí với 107 điểm phát sóng để hỗ trợ người dân và du khách sử dụng các ứng dụng thông minh, hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục cung cấp hệ thống wifi thông minh trên địa bàn 4 thành phố là Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái và thị xã Đông Triều.

Hệ thống giao thông thông minh của Quảng Ninh cũng đã bước đầu được hình thành tại khu vực TP.  Hạ Long. Các điểm giao thông quan trọng đều được lắp đặt camera để phục vụ công tác giám sát, điều phối và phạt nguội lỗi vi phạm giao thông.

Thành phố thông minh không còn xa

Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, tiến tới xây dựng chính quyền số được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh. Người dân chính là đối tượng được thụ hưởng lớn nhất khi các chương trình này được thực hiện thành công. Tuy đích đến vẫn còn chặng đường không ngắn, nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử của Quảng Ninh đã có những kết quả rất đáng được ghi nhận.

Năm 2017 và 2018 Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh Quảng Ninh đều đứng thứ nhất toàn quốc, Chỉ số Sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) 3 năm liền đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố và vươn lên vị trí thứ 3 trong năm 2019. Đặc biệt, năm 2018, Quảng Ninh đã được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao tặng giải thưởng danh giá ASOCIO cho chính quyền số, sau những nỗ lực và thành công trong xây dựng chính quyền điện tử.

Và mới đây nhất, ngày 28/8/2019, Quảng Ninh đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh. Trung tâm này được tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, giúp lãnh đạo tỉnh có được một cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh.

Trung tâm cũng cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để chính quyền tỉnh Quảng Ninh đưa ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp… Đồng thời, tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường… bằng vài thao tác bấm nút cực kỳ đơn giản trên thiết bị di động.

Với Trung tâm điều hành này, cơ quan quản lý nhà nước còn có thể sử dụng hệ thống xem và gửi báo cáo thông minh; chỉ đạo điều hành, quản lý văn bản, lịch làm việc, nhiệm vụ, chương trình họp thông minh; tiếp nhận và trả lời ý kiến người dân; công cụ theo dõi, phân tích báo chí và mạng xã hội.

Đánh giá về Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của Quảng Ninh khi được đưa vào vận hành, ông Dumitrascu Eduard Calin, Chủ tịch Hiệp hội Thành phố thông minh thế giới nhận định: “Quảng Ninh đã có một hệ thống tốt nhất để vận hành thành phố thông minh. Đây là hệ thống được tích hợp và bao gồm nhiều lĩnh vực, là công cụ hiệu quả để quản lý nhà nước, phục vụ đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân”.

Sau thời gian hoạt động thí điểm, Trung tâm điều hành sẽ tiếp tục hoàn thiện, xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối một cách rộng rãi hơn, tới Trung tâm điều hành của các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, tạo thành “mạng nơ-ron thần kinh số” của tỉnh Quảng Ninh.

Đối mặt với thách thức

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Rất nhiều chương trình, tiện ích sẽ tiếp tục được cải thiện để phù hợp, thuận tiện hơn trong quá trình vận hành công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Đây là mô hình mới và thực sự rất khó, do vậy thời gian tới đòi hỏi lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và người dân, doanh nghiệp phải tiếp tục đồng hành, nỗ lực cố gắng để xây dựng thành phố thực sự thông minh, tạo ra những tiện ích, sự thụ hưởng đối với người dân và những vị khách đến với Quảng Ninh”.

Đúng như nhận định của ông Thắng, trong bối cảnh hiện nay, việc lựa chọn xây dựng mô hình thành phố thông minh của tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều thách thức đặt ra. Thách thức đầu tiên cần phải vượt qua chính là nguồn nguồn nhân lực để triển khai, ứng dụng thành phố thông minh, vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng cần phải khẩn trương tiến hành. Hơn nữa, để xây dựng thành phố thông minh, thì cần có nền tảng về thể chế, khung chính sách, bộ tiêu chí đánh giá, quyết tâm chính trị của chính quyền cũng như hạ tầng công nghệ thông tin và kết nối toàn cầu.

Đồng thời, việc phát triển thành phố thông minh không thể chỉ dựa trên nền tảng công nghệ, mà trước hết phải xây dựng được “mô hình quản trị đô thị thông minh”, đảm bảo việc xây dựng và quản trị thành phố thông minh phù hợp với thể chế, chính sách của nhà nước, tương thích giữa yếu tố công nghệ mới với những đặc thù của địa phương.

Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, giao thông, xây dựng...) chưa đảm bảo hiện đại, đồng bộ, chưa theo kịp đà phát triển của đô thị dẫn đến hạn chế khi đưa công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ mới vào ứng dụng để xây dựng đô thị thông minh.

Một thách thức lớn nữa là, việc kết nối tất cả các kênh thông tin và lĩnh vực đời sống với nhau trên hệ thống mạng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin mạng, bởi nếu bị xâm nhập và nhiễm mã độc, hệ thống có thể bị đánh sập, sẽ rất khó hình dung về những thiệt về người và của cũng như tổn hại đối với hạ tầng kỹ thuật. Do đó, trong xây dựng mô hình thành phố thông minh, Quảng Ninh sẽ phải giải bài toán: Làm thế nào để bảo vệ hệ thống khỏi các vụ tấn công, phá hoại trực tiếp và tấn công mạng?

Dù còn nhiều thách thức, nhưng đứng trước cơ hội để phát triển kinh tế toàn diện, hiện đại, đa dạng, phong phú có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng mô hình đô thị thông minh là bước đi vô cùng cần thiết và là điều kiện quan trọng để xây dựng chính quyền số tại Quảng Ninh.

Tiến độ thực hiện Đề án Triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh:

Năm 2017: Phê duyệt, triển khai thực hiện 3 dự án.

Năm 2018: Tiếp tục phê duyệt, thực hiện chuẩn bị đầu tư thêm 1 nhiệm vụ, 13 dự án mới.

Năm 2019: Tiếp tục phê duyệt, thực hiện, chuẩn bị đầu tư 11 dự án mới;

Năm 2020: Tiếp tục triển khai, hoàn thành các dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt trong giai đoạn 2017-2020; Phê duyệt 3 dự án mới (Bổ sung tại Quyết định số 3142/QĐ-UBND ngày 15/8/2018); Hoàn thành mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản